Chiều 2-8, tại buổi họp báo thường kỳ do UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức, nhiều câu hỏi của báo chí liên quan đến 2 bài viết trên Báo Người Lao Động là "Quyết lấy rừng đặc dụng làm thủy điện" và "Quyết lấy rừng đặc dụng làm thủy điện: Quan sở sẵn sàng thôi chức" đã được đặt ra.
Khu vực xây dựng nhà máy thủy điện trên đất rừng đặc dụng
Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, diện tích đề nghị chuyển đổi để xây dựng nhà máy thủy điện Chư Pông Krông (huyện Lắk) là 5,41 ha của Tiểu khu 1306 (thuộc Ban Quản lý rừng đặc dụng Nam Ka) và 2,7 ha diện tích mặt nước sông Krông Nô. Sau khi UBND tỉnh Đắk Lắk đã có công văn đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cho phép được chuyển đổi mục đích sử dụng sang làm thủy điện thì Bộ NN-PTNT đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk tạm dừng.
UBND tỉnh Đắk Lắk lý giải việc Bộ NN-PTNT đề nghị tạm dừng là do bộ nhận định diện tích đề nghị chuyển đổi 5,41 ha là đất có rừng, khác với nội dung đề xuất là đất không có rừng. Ngày 14-9-2017, UBND tỉnh Đắk Lắk có quyết định điều chỉnh đưa 5,41 ha này ra khỏi quy hoạch rừng đặc dụng và cho Công ty TNHH MTV Xây lắp điện Hưng Phúc thuê làm thủy điện.
Tại buổi họp báo, nhiều câu hỏi của phóng viên không được ông Phạm Thái, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk, trả lời thẳng vào trọng tâm. Cụ thể, khi phóng viên hỏi việc xây dựng thủy điện trên đất rừng đặc dụng có trái với chủ trương "đóng cửa rừng" của Chính phủ hay không thì ông Thái lại bảo rằng đến giờ đã đủ thủ tục bảo đảm để nhà đầu tư triển khai dự án (?).
Liên quan đến vấn đề ông Trương Công Hồng đang là Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk phụ trách lĩnh vực điện năng nhưng để công ty của vợ (làm giám đốc công ty) xây dựng nhà máy thủy điện Chư Pông Krông (thủy điện làm trên đất rừng đặc dụng này) là vi phạm Luật Phòng chống tham nhũng, ông Thái cho rằng dự án có quy hoạch trước khi ông Hồng về làm phó giám đốc sở. Sau khi báo chí phản ánh, sở đã họp và thống nhất không phân công ông Hồng phụ trách lĩnh vực liên quan đến xây dựng thủy điện, năng lượng tái tạo.
Đối với câu hỏi dự án đã có chủ trương từ lâu nhưng vướng đất rừng nên không triển khai được, có phải khi ông Hồng về làm lãnh đạo sở mới có điều kiện đẩy nhanh tiến độ hay không, ông Thái không trả lời.
Đối với nội dung phản ánh của các hộ dân thôn Phú Thuận (xã Quảng Phú, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) về việc công trình thủy điện Chư Pông Krông cho nổ mìn khiến hàng chục căn nhà bị hư hỏng nghiêm trọng, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có công văn giao trách nhiệm cho Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk chủ động làm việc với Sở Công Thương tỉnh Đắk Nông xác định rõ nguyên nhân hư hỏng trong quá trình xây dựng thi công công trình thủy điện, từ đó đề xuất 2 tỉnh có giải pháp yêu cầu chủ đầu tư và đơn vị thi công thỏa thuận bồi thường cho người dân bị thiệt hại (nếu có).
Bình luận (0)