- Phóng viên: Thưa đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, ông có bình luận gì về việc Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt (thành viên của Tập đoàn Tân Hoàng Minh ) đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá tài sản lô đất 3-12 khu chức năng số 3 trong khu đô thị mới Thủ Thiêm?
+ Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân: Trong vụ việc cụ thể của Tân Hoàng Minh tham gia đấu thầu rồi bỏ thầu với một mức giá cao bất thường như vậy, chúng ta phải xem xét sự bất thường đó diễn ra trong bối cảnh nào.
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân
Thứ nhất, giá đất giao dịch trên thị trường ở TP HCM tại thời điểm hiện nay thì không nơi nào cao hơn khu vực trung tâm Quận 1, cho dù đánh giá tiềm năng giá đất ở TP Thủ Đức có cao đi chăng nữa thì giá mà Tân Hoàng Minh bỏ thầu lên tới 2,4 tỉ đồng/m2 là quá phi thực tế.
Thứ hai, như nhà đầu tư giải thích là đón đầu các nhà đầu tư sau này khi khu vực Thủ Thiêm sẽ được quy hoạch là trung tâm tài chính. Tuy nhiên, giá trị địa tô cũng không thể bỗng nhiên mà chênh lệch một cách bất thường như vậy.
Thế thì từ sự vô lí đó, ngay thời điểm diễn ra cuộc đấu giá đất, tôi đã đặt câu hỏi nghi vấn. Vậy sự bất thường đó nhằm động cơ, mục đích gì cần phải làm rõ. Nhiều khả năng có thể xảy ra. Tuy nhiên việc này cơ quan điều tra phải làm rõ mới có những chứng cứ.
Theo quan điểm cá nhân tôi, hành động này đã tác động và làm chênh lệch phân khúc thị trường bất động sản. Hiện có thể tạm chia bất động sản làm 3 phân khúc: cao cấp, trung cấp và bình dân. Trong đó phân khúc cao cấp, có những chung cư giá tới 500 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, hành động bỏ thầu này đã bỏ xa thị trường cao cấp. Hệ lụy là nó sẽ kéo theo phân khúc bất động sản trung cấp và bình dân sẽ tăng theo. Như vậy, mục tiêu của nhà nước là để người nghèo ở đô thị tiếp cận nhà ở càng trở nên vô cùng khó khăn, nan giải. Rõ ràng hành động bỏ thầu này đã tác động đến phân khúc thị trường bất động sản và tác động đến mục tiêu quản lý nhà nước: hướng đến việc người nghèo ở đô thị có nhà ở, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 trong hai năm qua đã tác động rất mạnh đến đời sống, thu nhập của người dân, đặc biệt là công nhân lao động ở các khu công nghiệp.
- Ngày 4-1, trao đổi thêm với báo chí bên hành lang Quốc hội về việc đấu giá đất tại Thủ Thiêm lên tới 2,4 tỉ đồng/m2, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhận định "là không phù hợp, giá không thực" và là điển hình của việc làm nhiễu loạn thị trường". Quan điểm của ông về vấn đề này?
+ Tôi đồng tình với quan điểm của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. Thực ra khi có diễn biến bất thường trong vụ đấu giá đất của Tân Hoàng Minh, tôi đã có một số nhận định và gửi đến cấp có thẩm quyền.
Tôi cho rằng đây là những dấu hiệu không bình thường và có thể tác động gây nhiễu loạn đến thị trường bất động sản. Cách đây ít hôm tôi đã trao đổi với Bộ trưởng Bộ Tư Pháp. Theo đó, trong Bộ luật Hình sự hiện nay có những tội danh liên quan đến bất động sản nhưng chưa có tội danh về "lũng đoạn thị trường bất động sản". Do đó, cần nhận diện bởi thực tiễn cuộc sống đang đặt ra nhiều vấn đề mà cần có quản lý chặt hơn, bởi nó có tác động rất lớn đến xã hội, đời sống của nhân dân, tác động đến trật tự xã hội, quản lý của nhà nước và nó tác động một trong những thị trường mạnh nhất của nền kinh tế, đó là thị trường bất động sản.
Các lô đất ở khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức, TP HCM) vừa được đấu giá. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
- Phải chăng những quy định của pháp luật liên quan đến kinh doanh bất động sản, đấu giá tài sản và các quy định liên quan đang có nhiều "kẽ hở"để họ có thể lợi dụng để trục lợi? Chúng ta cần làm gì để ngăn chặn tình trạng này thưa ông?
+ Đúng là có những quy định hiện hành như tự do được bỏ thầu, dễ bị lạm dụng. Các quy định của pháp luật liên quan cũng đã được sửa đổi nhưng thực tiễn cuộc sống có những vấn đề mới phát sinh mà chúng ta chưa lường được. Luật pháp không thể đi trước cuộc sống, nhưng cũng không thể đi chậm hơn cuộc sống mà phải đi song hành. Do vậy, khi thực tiễn đã diễn ra thì chúng ta phải điều chỉnh quy định của pháp luật. Do đó phải sửa luật. Cho nên tôi nghĩ Luật Đấu thầu, Luật Đấu giá tài sản phải được xem xét sửa đổi, đặc biệt vấn đề liên quan đến đấu giá đất.
Nếu như nhà nước với tư cách là cơ quan quản lý được ủy quyền của nhân dân để thực hiện quyền chủ sở hữu về đất đai thì phải hết sức tỉnh táo với những động thái bất thường trong hoạt động đấu giá. Chẳng hạn những tổ chức, cá nhân bỏ thầu cao ngất ngưởng như vậy, đầu tiên là vì mục đích trục lợi, vơ vét nguồn lợi từ các dự án xung quanh. Khi có một khu đất đấu giá cao như thế sẽ đẩy giá đất ở các dự án quanh đó và họ sẽ chiếm lợi từ việc đó kể cả họ bỏ cọc khu đất đã đấu giá. Đây là một kẽ hở. Quy định của pháp luật hiện nay chưa lường đến những âm mưu của những kẻ lũng đoạn thị trường bất động sản như vậy.
Ngoài việc trục lợi ra thì nó còn làm thay đổi trật tự quản lý nhà nước khi họ làm lũng đoạn thị trường bất động sản. Thiệt hại ở đây chính là nhà nước và người dân, đặc biệt là dân nghèo không có nhà ở rất khó tiếp cận đất đai, nhà ở với giá cao ngất ngưởng.
Cho nên bên cạnh việc phải củng cố quy định pháp luật về đấu thầu, về định giá đất thì cần phải xem xét định ra một tội danh mới trong Bộ luật Hình sự, đó là tội "lũng đoạn thị trường bất động sản".
- Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chủ trì việc sửa đổi Luật Đất đai 2013. Từ những câu chuyện về đất đai nêu trên, cần đặt ra vấn đề quản lý nhà nước về đất đai như thế nào đối với Bộ TN-MT, Bộ xây dựng?
+ Vấn đề bức xúc hiện nay trong quản lý đất đai trong quản lý nhà nước chính là năng lực quản lý của bộ máy và cán bộ các cấp. Về nguyên lí, quyền sở hữu đất đai thuộc về toàn dân mà nhà nước làm đại diện. Nhưng nhà nước là ai? Là tổ chức hay cá nhân thì hiện nay đang có lạm dụng. Người ta nhân danh tập thể để làm những chiêu trò. Đặc biệt là cá nhân trá hình tập thể. Ví dụ doanh nghiệp "đi đêm" với người đứng đầu - trong khi đó người đứng đầu chi phối tập thể, để rồi cuối cùng bỏ phiếu thông qua việc chuyển nhượng mục đích sử dụng đất, rồi thay đổi quy hoạch.
Suy cho cùng vẫn là cán bộ mà ra. Đấy là điều quan trọng nhất. Cho dù chúng ta hoàn thiện cơ chế, chính sách đến mấy nhưng trao công cụ pháp luật vào tay những kẻ bất tài, thất đức thì chỉ có phá hoại hình ảnh Đảng, Nhà nước, gây mất niềm tin trong nhân dân mà thôi. Cho nên vấn đề cốt tử và căn bản nhất hiện nay vẫn là cán bộ. Cùng với đó cần phải tăng cường hơn nữa kỉ luật, kỉ cương của người đứng đầu, xử lý nghiêm minh các sai phạm mới đủ sức răn đe.
- Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về Tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) đang đề nghị Hà Nội cung cấp tài liệu 11 dự án của Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Ông có bình luận gì đề động thái này?
+ Bộ Công an thời gian qua đã có những động thái rất tích cực, được dư luận đánh giá cao. Mới nhất là khui ra vụ kit test tại Công ty Việt Á. Và bây giờ là thu thập tài liệu thông qua việc đề nghị Hà Nội cung cấp thông tin các dự án của Tân Hoàng Minh. Đây là việc làm đúng đắn, đáp ứng sự mong mỏi của nhân dân. Việc này rất cần thiết.
Bình luận (0)