Ngày 26-10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội (QH) khóa XV thảo luận trực tuyến về dự án Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ).
Trang bị máy bay, tàu biển...
Thảo luận trực tuyến, các đại biểu (ĐB) QH cơ bản đồng tình với sự cần thiết phải ban hành Luật CSCĐ và tán thành với nhiều nội dung của dự thảo luật.
ĐB Trần Đình Chung (Đà Nẵng) nêu những năm gần đây, hoạt động chống phá, biểu tình, bạo loạn, phá rối an ninh trật tự của các thế lực thù địch, các băng nhóm tội phạm sử dụng vũ khí nóng... khó lường và gia tăng. Trước tình hình đó, lực lượng CSCĐ đã phát huy vai trò rất lớn. Khi giải quyết tình hình ở những giai đoạn cam go nhất cần phải được sử dụng những biện pháp mạnh, quyết liệt, vì vậy việc ban hành Luật CSCĐ thay cho Pháp lệnh CSCĐ là rất cần thiết.
Một nội dung trong dự thảo luật được nhiều ĐB tranh luận là quy định CSCĐ được trang bị vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, tàu bay, tàu thuyền, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Thảo luận về nội dung này, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) không đồng tình việc trang bị phương tiện tàu bay, tàu biển cho CSCĐ. "Lực lượng phòng không, không quân, cảnh sát biển, bộ đội biên phòng, kiểm ngư đã có máy bay và tàu biển sẵn có. Tại sao chúng ta không sử dụng lực lượng này? Không sử dụng phương tiện kỹ thuật này khi cần thiết có sự phối hợp để thực hiện tổ chức?" - ông Hòa đặt vấn đề và cho rằng quân đội sẵn sàng hỗ trợ tích cực, đắc lực cho lực lượng công an, lực lượng CSCĐ khi cần thiết để thực hiện nhiệm vụ. Nếu trang bị tàu bay, sân bay, tàu biển cho CSCĐ là rất tốn kém.
Đại biểu Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Cảnh sát cơ động tại buổi thảo luận ngày 26-10. Ảnh: NGUYỄN NAM
Bấm nút xin tranh luận, ĐB Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) cho rằng đúng là đất nước còn khó khăn phải tiết kiệm nhưng chúng ta cũng phải khẳng định CSCĐ là lực lượng chống khủng bố, bảo đảm an ninh trật tự, chống bạo loạn. Đây là một lực lượng nòng cốt, quan trọng nhất của công an, do đó chúng ta không thể nói là vì tiết kiệm mà chúng ta không trang bị máy bay, tàu thủy...
Ngăn chặn phương tiện bay không người lái
Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, cho biết sẽ nghiêm túc tiếp thu đầy đủ ý kiến để hoàn thiện dự thảo luật.
Về quyền hạn, ngăn chặn, vô hiệu hóa phương tiện bay không người lái, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng hiện nay CSCĐ trung ương, các địa phương được giao nhiệm vụ bảo vệ gần 650 mục tiêu quan trọng trên phạm vi toàn quốc theo danh mục do Chính phủ quy định. Bên cạnh đó, CSCĐ còn được giao nhiệm vụ bảo vệ các hội nghị, sự kiện quan trọng, bảo vệ các đoàn khách quốc tế đến thăm và làm việc tại Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay các văn bản quy phạm pháp luật chưa có quy định cụ thể đối với việc xử lý phương tiện bay không người lái khi xâm phạm mục tiêu do CSCĐ bảo vệ. Trong khi đó, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ, các loại phương tiện bay siêu nhẹ được sử dụng rất rộng rãi trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, tiềm ẩn nguy cơ gây hại đối với an ninh quốc gia, đe dọa nghiêm trọng tới an ninh trật tự nói chung, an toàn các mục tiêu do CSCĐ bảo vệ nói riêng.
"Ví dụ như những trường hợp phản động và tội phạm lợi dụng các phương tiện này để có thể mang chất nổ, chất hóa học, sinh học phá hoại hoặc gây nguy hại cho các mục tiêu. Nếu lực lượng trực tiếp bảo vệ không được quyền ngăn chặn mà chờ lực lượng khác đến xử lý thì sẽ gây hậu quả về nhiều mặt, nhất là các mục tiêu quan trọng về chính trị, ngoại giao" - Bộ trưởng Tô Lâm lý giải và cho rằng cần được quy định thẩm quyền này cho CSCĐ tại dự thảo luật để bảo đảm cơ sở pháp lý thực hiện nhiệm vụ.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch QH Trần Quang Phương cung cấp thông tin: đã có 261 ý kiến thảo luận tại tổ, 26 ĐB phát biểu thảo luận trực tuyến, có 7 ĐB tranh luận. Theo đó, hầu hết ý kiến ĐB tán thành với sự cần thiết ban hành Luật CSCĐ, nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, xây dựng CSCĐ chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị làm rõ hơn sự cần thiết ban hành luật trên cơ sở xem xét tương quan với các lực lượng khác hoặc chỉ cần sửa đổi, bổ sung Luật Công an nhân dân và thiết kế quy định về CSCĐ thành một phần của luật này.
Hôm nay, 27-10, QH thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển: TP Hải Phòng và các tỉnh: Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế; thảo luận trực tuyến về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020, việc quản lý và sử dụng Quỹ BHYT năm 2020.
Thủ tướng trả lời chất vấn
Sáng 26-10, bên hành lang QH, Chủ nhiệm Văn phòng QH, Tổng Thư ký QH Bùi Văn Cường cho biết theo chương trình kỳ họp, dự kiến QH sẽ tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn vào ngày 10, 11 và nửa ngày 12-11.
Tại kỳ họp dự kiến có 4 bộ trưởng, trưởng ngành tham gia trả lời chất vấn. Sau khi các bộ trưởng, trưởng ngành trả lời chất vấn, QH sẽ dành thời gian 1 giờ để Thủ tướng Chính phủ báo cáo, giải trình và trả lời các câu hỏi của ĐBQH.
Bình luận (0)