Đến thời điểm này, hàng chục địa phương như: Bình Thuận, Nghệ An, Bến Tre, Cần Thơ... đã có kế hoạch bắn pháo hoa tầm thấp trong dịp Tết Kỷ Hợi 2019, theo phương thức xã hội hóa.
Không sử dụng ngân sách
Nghệ An là một trong những tỉnh hằng năm thường xin trung ương gạo để hỗ trợ người nghèo trong dịp Tết. Tết năm nay, theo thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Nghệ An, vào đêm giao thừa tỉnh sẽ tổ chức bắn pháo hoa trong khoảng 10-15 phút; kinh phí dự kiến khoảng 1,5 tỉ đồng bằng nguồn xã hội hóa. Năm 2018, tổng thu ngân sách của Nghệ An đạt hơn 13.800 tỉ đồng, trong đó chi tới 24.000 tỉ đồng. Trước đó, năm 2017 thu ngân sách Nghệ An khoảng 12.400 tỉ đồng và tỉnh không tổ chức bắn pháo hoa mà để dành kinh phí ủng hộ người nghèo.
Tại tỉnh Quảng Trị, ông Đỗ Văn Bình, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, thông tin trong cuộc họp vừa qua là đã đề xuất việc bắn pháo hoa trong đêm giao thừa và lãnh đạo tỉnh đã đồng ý. Theo ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, bên cạnh kế hoạch bắn pháo hoa, UBND tỉnh đang đẩy mạnh việc huy động, kêu gọi người dân chung tay giúp đỡ người nghèo trong dịp Tết nguyên đán. Năm ngoái, tỉnh Quảng Trị kêu gọi, huy động khoảng 15 tỉ đồng lo cho đồng bào khó khăn. Quan điểm của tỉnh là lo cho người nghèo là vẫn phải huy động để lo, vui chơi cũng phải thực hiện.
UBND tỉnh Đắk Lắk cũng chỉ đạo thành phố tuyệt đối không sử dụng ngân sách để bắn pháo hoa mà huy động từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Đặc biệt, UBND tỉnh Đắk Lắk đề nghị các huyện, thị xã trong tỉnh không tổ chức bắn pháo hoa tại địa phương. Nếu huy động được nguồn kinh phí xã hội hóa để bắn pháo hoa thì tập trung vào việc chăm lo đời sống của các gia đình chính sách, gia đình khó khăn tại địa bàn.
Trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo UBND TP Buôn Ma Thuột cho biết kinh phí cho việc bắn pháo hoa và tổ chức văn nghệ chào mừng năm mới khoảng 1 tỉ đồng từ nguồn xã hội hóa. Việc thành phố tổ chức bắn pháo hoa chào năm mới là cần thiết, không chỉ phục vụ người dân thành phố mà còn cho nhân dân toàn tỉnh đến trực tiếp theo dõi hoặc xem qua truyền hình.
Nhiều địa phương phải cân nhắc tổ chức bắn pháo hoa để dành kinh phí chăm lo cho người nghèo Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Ưu tiên lo cho người nghèo
Ông Lê Văn Thời, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ nhà nước (Bộ Tài chính), cho biết đến cuối tháng 12-2018, đã có 3 địa phương đề nghị Chính phủ hỗ trợ gạo dịp Tết nguyên đán 2019 gồm: tỉnh Yên Bái xin hỗ trợ 380 tấn cho 25.354 khẩu; Nghệ An xin hỗ trợ 1.264 tấn cho 84.324 khẩu; Ninh Thuận xin 797 tấn cho 53.152 khẩu.
Hiện một số địa phương khác cũng đang thống kê, tổng hợp số gạo cần hỗ trợ để Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các bộ, ngành có liên quan thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định để xuất cấp. "Theo thống kê, hằng năm có khoảng 15-16 tỉnh xin hỗ trợ gạo cho người dân vào dịp Tết và giáp hạt. Tổng mức gạo xin hỗ trợ trong khoảng 11.000-12.000 tấn cho khoảng gần 1 triệu người dân" - ông Thời nói.
Theo thông tin phóng viên có được, đến ngày 8-1, ngoài các địa phương trên xin hỗ trợ gạo cứu đói cho dân trong dịp Tết nguyên đán, còn có các địa phương khác cũng đang xin hỗ trợ như: tỉnh Tuyên Quang xin 271 tấn cho 18.092 khẩu; tỉnh Bình Định xin 1.000 tấn gạo để hỗ trợ cho 66.667 khẩu.
Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng không phản đối việc các địa phương có điều kiện kinh tế tổ chức bắn pháo hoa, bởi việc này tạo niềm vui tinh thần cho nhân dân. Tuy nhiên, đây là việc chưa cần thiết nếu địa phương đang còn nghèo, khó khăn.
Ông Lê Như Tiến cho rằng dù biết bắn pháo hoa bằng tiền xã hội hóa nhưng thay vì vậy lãnh đạo địa phương nên dùng số tiền này để chăm lo cho người có công, người nghèo, mua quà Tết tặng người không nơi nương tựa… "Bắn pháo hoa cũng là hoạt động tinh thần cần thiết nhưng giữa việc bắn pháo hoa hoặc làm những công trình hoành tráng mà chưa cấp thiết thì nên để tiền đó chăm lo cho người có công, người nghèo; xây trường học, bệnh viện… sẽ thiết thực hơn" - ông Tiến bày tỏ.
Phải phù hợp điều kiện, khả năng
Trước đó, ngày 28-12-2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Chỉ thị 34/CT-TTg về tổ chức Tết Kỷ Hợi 2019. Theo chỉ thị này, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức bắn pháo hoa trong dịp Tết nguyên đán phải phù hợp với điều kiện, khả năng địa phương, với tinh thần tiết kiệm, an toàn và không được sử dụng ngân sách nhà nước theo đúng quy định tại Nghị định số 36/2009/NĐ-CP ngày 15-4-2009 của Chính phủ về quản lý và sử dụng pháo; không tổ chức sự kiện, lễ hội xa hoa, lãng phí trước và sau Tết.
Bình luận (0)