xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Xã "lên đời", dân kêu khổ

TỬ TRỰC - QUANG NHẬT - TRẦN THƯỜNG

Nhiều đơn vị hành chính ở các tỉnh, thành khu vực miền Trung được nâng cấp từ xã lên phường, kéo theo giá đất ở và các loại thuế, phí tăng

Trong nhiều quyết định điều chỉnh đơn vị hành chính có thể kể đến Nghị quyết 123 về việc mở rộng 13 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc TP Quảng Ngãi vào năm 2014. Đáng nói, trong 13 xã được "lên đời", phần lớn là vùng nông thôn hẻo lánh của các huyện, kinh tế chưa phát triển nhưng người dân phải đóng các loại thuế, phí theo khu vực TP.

Ở nông thôn đóng phí như thành phố

Ông Nguyễn Văn Nam (ngụ xã Tịnh Hòa, TP Quảng Ngãi) cho biết đây là một trong những xã thuộc vùng sâu, dân số chỉ khoảng 15.000 người và phần lớn đều làm nông. "Từ khi sáp nhập về TP Quảng Ngãi, khung giá tính thuế khi chuyển nhượng, mua bán nhà cửa đều tăng gấp đôi. Hồi trước, mình mua căn nhà chỉ đóng 3-4 triệu đồng tiền thuế nhưng giờ đã nhảy vọt lên 6-7 triệu đồng rồi. Trong khi đó, người dân ở đây không được hưởng những thuận lợi như ở khu vực trung tâm TP" - ông Nam nói.

Xã lên đời, dân kêu khổ - Ảnh 1.

Dù được lên phường nhưng Hương Vân (thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế) vẫn chưa thể phát triển thành đô thị Ảnh: QUANG NHẬT

Không chỉ các loại thuế tăng cao, đặc biệt khi nâng cấp các đơn vị hành chính đã làm nhiều vùng nông thôn phải đóng các loại phí, như phí đăng ký xe máy tăng gần gấp đôi so với trước. Còn chị Phùng Thị Dung (ngụ xã Tịnh Thiện, TP Quảng Ngãi) cho biết sau nhiều năm tích cóp được 40 triệu đồng, chị mua 1 chiếc xe máy đi làm. Khi đi làm thủ tục đăng ký xe, chị phải đóng gần 2 triệu đồng phí. "Nếu cũng giá trị chiếc xe đó, mình đăng ký ở các huyện chỉ khoảng 800.000 đồng, đằng này phải đóng cao gấp đôi. Trong khi xã Tịnh Thiện là một vùng nông thôn, khá vắng vẻ, lại không thừa hưởng được những phúc lợi như người dân TP" - chị Dung than thở.

Thêm nhân sự, tăng chi phí

Trong khi đó, năm 2009, để từng bước đưa Thừa Thiên - Huế trở thành TP trực thuộc trung ương, địa phương này đã có kế hoạch xây dựng Huế là TP trung tâm kết nối với các đô thị vệ tinh khác như Thuận An, Hương Trà, Hương Thủy. Trong năm 2010 và 2011, Chính phủ đã có nghị quyết thành lập thị xã Hương Thủy và thị xã Hương Trà. Mỗi thị xã được thành lập 5 phường từ việc nâng cấp các xã.

Xã lên đời, dân kêu khổ - Ảnh 2.

Người dân bao vây Công ty CP Bách Đạt An ở thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam đòi sổ đỏ Ảnh: TRẦN THƯỜNG

Tại thị xã Hương Thủy, mấy năm trở lại đây, nhờ được đầu tư nên cơ sở hạ tầng phát triển làm thay đổi bộ mặt các xã Thủy Vân, Thủy Thanh, cuộc sống người dân ngày càng cải thiện. Tuy nhiên, 4 xã Thủy Dương, Thủy Phương, Thủy Châu, Thủy Lương dù được nâng cấp lên phường cách đây 9 năm nhưng cơ sở hạ tầng vẫn chưa phát triển xứng tầm.

Trong khi đó, Hương Vân - 1 trong 5 phường được thành lập từ xã của thị xã Hương Trà vào năm 2011, đến nay cuộc sống của người dân vẫn dựa vào nông nghiệp, cơ sở hạ tầng hầu như không thay đổi, đường sá xuống cấp nghiêm trọng. Con đường nhựa dẫn từ Nhà máy Xi măng Luks vào trung tâm phường Hương Vân vẫn còn chật hẹp, do tồn tại lâu năm nên nay đã xuống cấp.

Ông Trần Văn Truyền (ngụ tổ dân phố Lại Bằng, phường Hương Vân) cho biết quê hương được nâng cấp đã gần 10 năm nhưng cuộc sống chẳng thay đổi gì.

Ông Châu Văn An, Chủ tịch UBND phường Hương Vân, nhìn nhận cái được lớn nhất khi lên phường là từ 4 thôn thành lập ra 7 tổ dân phố để dễ quản lý. Tuy nhiên, điều này dẫn đến phải thêm nhân sự và phát sinh chi phí trả lương.

Theo ông An, cơ cấu kinh tế - xã hội của Hương Vân không khác gì 9 năm trước đây, 70% dân số vẫn dựa vào nông nghiệp. "Lên đô thị có ưu điểm là được đầu tư về vỉa hè, điện chiếu sáng... nhưng đến nay, hầu như chưa có mét vỉa hè nào. Tiêu chí hộ nghèo, cận nghèo đô thị cao hơn nhưng mức sống của người dân vẫn rất thấp. Hương Vân nếu đưa vào kế hoạch xây dựng xã nông thôn mới thì phù hợp hơn mô hình lên phường" - ông An nhận định.

Đảo lộn vì sốt đất

Năm 2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Quyết định số 889/NQ-UBTVQH13 đưa huyện Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) lên thị xã; đồng thời nâng cấp 7 xã, thị trấn lên thành 7 phường. Việc này ít nhiều giúp Điện Bàn có những bước phát triển vượt bậc về kinh tế - xã hội, trở thành một trong số các địa phương có mức thu ngân sách cao nhất tỉnh. Dù vậy, việc được khoác lên mình cái mác "thị xã" cộng với vị trí địa lý thuận lợi khi nằm sát TP Đà Nẵng và TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) đã khiến giá đất ở Điện Bàn lên cơn sốt, nhiều dự án, khu dân cư mọc lên.

Việc giá đất tăng cao đã khiến nhiều người có nhu cầu thật sự gặp khó khăn khi muốn mua đất để xây nhà. Chưa kể, nhiều khu dân cư mọc lên cũng khiến không ít người lao đao khi mua đất tại các dự án chưa hoàn thành thủ tục. Câu chuyện hàng trăm khách hàng liên tục bao vây các công ty bất động sản đòi giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nhiều lần kéo đến "cầu cứu" lãnh đạo tỉnh Quảng Nam vừa qua là một dẫn chứng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch UBND phường Điện An (thị xã Điện Bàn), nhận xét sau khi nâng cấp từ xã lên phường, địa phương được đầu tư nâng cấp, mở rộng cơ sở hạ tầng, đường sá... Tuy nhiên, ông Phước cho rằng so với các xã nông thôn mới thì các phường lại không được quan tâm bằng. "Thời gian gần đây, thị xã tập trung đầu tư điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa cho các địa phương hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới. Trong khi đó, phường mới lên nên chưa được đầu tư nhiều" - ông Phước nói.

Ông Phan Văn Huyến, Chủ tịch UBND phường Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn), đánh giá từ khi thành phường, đời sống người dân cải thiện rõ rệt nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều khó khăn. Điển hình, việc giải quyết giấy tờ liên quan đến hộ khẩu, trước đây người dân lên xã là có thể làm được nhưng nay bắt buộc phải lên công an thị xã dẫn đến việc đi lại khó khăn.

Việc cấp phép xây dựng nhà ở của người dân, trước đây được ủy quyền cho xã, nay cũng phải chuyển lên thị xã khiến nơi đây quá tải, người dân phải chờ đợi lâu. Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa nhanh, các hồ sơ thủ tục liên quan đến đất đai phát sinh nhiều buộc cán bộ phải làm gấp 2-3 lần so với trước đây. 

Lao đao vì tin đồn lập quận mới

Đầu tháng 3-2019, trên các trang mạng xã hội chuyên rao bán bất động sản xuất hiện thông tin TP Đà Nẵng chuẩn bị thành lập quận mới mang tên Hiếu Đức được tách ra từ 4 xã Hòa Nhơn, Hòa Khương, Hòa Phong, Hòa Tiến của huyện Hòa Vang. Tranh thủ cơ hội đó, giới cò đẩy giá đất lên cao ngất, với từ 1,3 - 1,8 tỉ đồng/lô trong khi giá trị thực chỉ khoảng 200 - 250 triệu đồng/lô. Chưa hết, giới cò đất cũng cho người làm trò tự môi giới, tự viết giấy sang tên trong nội bộ để tạo sự tin tưởng.

Lãnh đạo xã Hòa Tiến cho biết việc tung tin đồn này đã gây xáo trộn không nhỏ cuộc sống của người dân địa phương. UBND huyện Hòa Vang ngay sau đó phải ra văn bản tuyên truyền, cảnh báo người dân không vì lợi nhuận mà bán đất sản xuất, không sập bẫy cò đất... Từ những động thái quyết liệt của chính quyền, giới cò đất đã tháo lui, trả lại sự yên bình cho vùng ven của TP Đà Nẵng.

B.Vân

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo