Theo thống kê, ở TP HCM, ngoài 2 tuyến số 40 và 149 đã phải ngưng hoạt động thì nhiều xe buýt ở các tuyến khác cũng phải hoạt động cầm chừng, trông chờ vào trợ giá bởi theo các xã viên, trợ giá chưa được trả đủ. Trong điều kiện lượng khách giảm, cộng với việc doanh nghiệp đầu tư mới xe buýt, trợ giá chậm khiến hoạt động của nhiều tuyến trở nên lao đao, vì vậy đã có những phản ứng tiêu cực là tài xế, chủ xe bỏ chuyến.
Tất cả chỉ vì tiền
Theo một chủ xe buýt thuộc tuyến số 88, trong 7 tháng đầu năm 2018, ông cùng nhiều xã viên hết sức vất vả trước việc tiền trợ giá bị nợ, doanh thu không có... Với mức trợ giá cho mỗi xe buýt một tháng trung bình khoảng 21 triệu đồng/xe nhưng 7 tháng đầu năm 2018, trợ giá chỉ khoảng 7-9 triệu đồng/xe khiến nhiều xã viên bức xúc.
Theo ông Nguyễn Văn Thảo, Giám đốc HTX Vận tải số 15, với chính sách hỗ trợ của TP hiện nay, các chủ xe chỉ bỏ ra 30% giá trị xe, 70% còn lại vay ngân hàng và được TP hỗ trợ lãi suất. Tuy nhiên, dù được hỗ trợ lãi suất cố định 3%/năm nhưng HTX vẫn gặp khó khăn trong việc trả lãi nếu doanh thu không ổn định. Hơn nữa, nhiều trường hợp khi chuyển tiền trợ giá thì ngân hàng sẽ khấu trừ luôn, không đến được tay xã viên nên đối với các tuyến vắng khách, việc duy trì lại càng khó. Trong khi đó, theo tìm hiểu của chúng tôi, tiền hỗ trợ lãi vay của các xã viên hiện cũng chưa tới được tay nhiều xã viên, dẫn đến tình hình càng trở nên căng thẳng.
Vì bố trí thiếu khoa học nên tình trạng xe buýt ùn ứ, xếp hàng chờ vào điểm dừng thường xuyên diễn ra. Ảnh chụp trên đường Hồng Bàng (quận 5, TP HCM)
Tuy nhiên, một vấn đề khác gây nên bất cập của nhiều tuyến xe buýt là ở nội bộ nhiều HTX lục đục dẫn đến nhiều tuyến xe bị chuyển qua HTX khác có năng lực hơn đảm nhận. Có những đơn vị bị "khủng hoảng" như HTX Vận tải Đông Nam, bị mất cân đối thu chi tài chính qua nhiều nhiệm kỳ, dẫn đến thua lỗ nghiêm trọng và nợ xã viên. Tình trạng trên khiến nhiều xã viên cho xe ngưng hoạt động, rút khỏi tuyến, kéo theo việc thiếu phương tiện của các HTX này, làm cho hệ thống vận tải hành khách công cộng bị ảnh hưởng, đẩy theo những nỗi bức xúc kéo dài của người dân liên quan đến hoạt động kém hiệu quả của xe buýt, trong khi tiền trợ giá mỗi năm mỗi tăng.
"Cả ngàn tỉ đồng là con số rất lớn. Chúng tôi chưa nói đến Sở Giao thông Vận tải mà đại diện là Trung tâm Quản lý giao thông công cộng làm ăn với các HTX và xã viên thế nào, chúng tôi chỉ yêu cầu hai bên phải tôn trọng hành khách. Các anh có thể đưa nhau ra tòa chứ không được coi thường hành khách thông qua chuyện bỏ chuyến" - Minh Hoàng, sinh viên năm cuối Trường ĐH Luật TP HCM, bức xúc nói.
Phải tư duy lại cách phát triển
Trong khi đó, theo một số chuyên gia giao thông, dù theo số liệu thống kê hiện lượng khách sử dụng xe buýt đang bắt đầu tăng sau nhiều năm sụt giảm nhưng việc quản lý vẫn đang lộ rõ nhiều bất cập. Cụ thể là mạng lưới luồng tuyến xe buýt đang bị bố trí thiếu khoa học, chồng chéo và gây ra nhiều bất tiện. Một số tuyến xe sau khi được cấp phép hoạt động nhưng hiệu quả không cao, vắng khách nên buộc phải cắt giảm, thay đổi lộ trình, thậm chí "khai tử". Chưa kể tình trạng trùng lặp giữa các tuyến cũng đang diễn ra, lộ trình tuyến không phù hợp dẫn đến tình trạng vắng khách hoặc các xe giành khách của nhau. Đặc biệt, tình trạng các bác tài xe buýt tưởng mình đang chạy "xe vua" nên phóng nhanh, vượt ẩu, gây kinh sợ cho hành khách, cho người đi đường cũng đang khiến dư luận bức xúc và tiếc những khoản tiền trợ giá được rót ra từ ngân sách cho xe buýt. Tất cả vấn đề này, trách nhiệm đầu tiên thuộc về cơ quan quản lý chứ không thể đổ cho ai khác.
PGS-TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Hội đồng Tư vấn khoa học - kỹ thuật - môi trường, Ủy ban MTTQ TP HCM, đánh giá tại TP HCM đang có sự "mâu thuẫn dai dẳng" trong việc quản lý, điều hành xe buýt với nhu cầu xã hội. Theo ông, TP có khoảng 74% người dân đang làm ăn, sinh sống theo dạng cá thể. Họ lao động, kinh doanh mỗi ngày với các khung thời gian, đi lại theo các hướng khác nhau. Trong khi đó, hạ tầng giao thông tại TP lại còn quá nhiều hạn chế, mạng lưới xe buýt như hiện nay không phù hợp với nhu cầu của nhiều nhóm người. Vì vậy, bài toán đặt ra là cần giải quyết được vấn đề gốc là quy hoạch, cụ thể là hình thành các khu công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư rõ ràng và trên cơ sở đó, nhu cầu đi lại mới chi tiết hơn. "Hệ thống xe buýt hiện nay tại TP HCM đang vướng nghịch lý, đó là xe buýt không chạy thì không được trợ giá, xe chạy thì ít người đi, dẫn đến khó duy trì nên lại phải quay ngược về việc phải trợ giá. Vì vậy, cần phải tư duy lại về cách quản lý xe buýt" - ông Ninh đề nghị.
Đáp lại đề nghị trên, ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng, nói rằng mỗi năm, đơn vị phải điều chỉnh rất nhiều luồng tuyến của các tuyến xe, chẳng hạn đáp ứng nhu cầu phát sinh tại khu vực có các cụm dân cư mới… Ông Trung cũng cho rằng xe buýt là dịch vụ công nên không thể đánh giá mang tính nhỏ lẻ mà cần nhìn tổng thể là phục vụ nhu cầu của người dân theo chủ trương kéo người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, dù vắng khách vẫn phải đáp ứng (!?).
Không có chế tài HTX có tài xế chạy ngược chiều!
Theo ông Trần Chí Trung, sau khi làm việc với HTX Vận tải Quyết Thắng - đơn vị đảm nhận tuyến xe buýt số 6 (Bến xe Chợ Lớn - Trường ĐH Nông Lâm), HTX này đã đình chỉ tài xế Trần Văn Hạnh - người điều khiển xe buýt thuộc tuyến xe nêu trên - do chạy ngược chiều. HTX sẽ có văn bản báo cáo lên Trung tâm Quản lý giao thông công cộng sau 7 ngày để có hướng xử lý tài xế một cách cụ thể.
Trước đó, trưa 9-8, nhiều phương tiện khi đang lưu thông trên đường Nguyễn Văn Cừ (hướng tới vòng xoay Nguyễn Văn Cừ) thì hoảng loạn khi thấy một xe buýt chạy ngược chiều. Một tài xế xe tải bức xúc đã quay lại và đăng tải trên mạng xã hội, khiến dư luận phẫn nộ.
Theo tìm hiểu, chính vì việc cơ quan quản lý chỉ xử lý tài xế chạy ẩu chứ không có chế tài với HTX nên tình trạng các tài xế xe buýt coi thường mạng người cứ thế diễn ra.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 16-8
Bình luận (0)