Hơn chục năm trước, TP HCM đã bắt đầu thực hiện hàng loạt dự án chống ngập và cải thiện môi trường quy mô lớn với số tiền hàng ngàn tỉ đồng. Cùng với đó, các quận - huyện cũng bắt tay nâng đường, làm cống chống ngập ở các khu vực trũng thấp. Thế nhưng, xem ra không ít tiền của đã trôi theo con nước bởi ngập đang diễn ra trầm trọng ở những điểm đã chống.
Chống ngập theo 2 quy hoạch
Theo tìm hiểu, TP HCM đã chi hàng ngàn tỉ đồng để thực hiện các dự án lớn. Cùng với đó, hàng trăm dự án chống ngập nhỏ mang tính cục bộ cho các tuyến đường, khu dân cư cũng được thi công ồ ạt và đưa vào sử dụng.
Giai đoạn 2011-2015, TP HCM triển khai 3 dự án với tổng số vốn 22.948 tỉ đồng gồm: 2 dự án ODA là Cải thiện môi trường nước giai đoạn 2 (JICA), Vệ sinh môi trường giai đoạn 2 (WB) và xây dựng Nhà máy Xử lý nước thải Tham Lương - Bến Cát. Năm 2016. Một siêu dự án chống ngập do triều cũng được khởi công với giá trị hợp đồng lên tới gần 10.000 tỉ đồng.
Theo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP (Trung tâm Chống ngập), trung tâm không phải là đơn vị duy nhất thực hiện các dự án chống ngập mà còn có Sở Giao thông Vận tải TP, UBND các quận - huyện và cả những dự án có sử dụng nguồn vốn ODA. Thế nhưng, trong giai đoạn 2016-2020, TP vẫn cần thêm 73.379 tỉ đồng để thực hiện các dự án chống ngập theo Quy hoạch 752 và Quy hoạch 1547.
Ông Đỗ Tấn Long, Trưởng Phòng Quản lý hệ thống thoát nước - Trung tâm Chống ngập, cho biết theo tính toán, nguồn vốn để thực hiện 2 quy hoạch trên lên đến 5 tỉ USD. Trong các năm qua, TP ưu tiên nguồn vốn để thực hiện các dự án chống ngập cho khu vực trung tâm với diện tích khoảng 550 km2. Trong các năm tiếp theo, các khu vực ngoại vi sẽ được sắp xếp nguồn vốn để thực hiện các dự án chống ngập.
Để khắc phục tình trạng ngập do mưa vượt công suất thiết kế của cống, ông Long cho biết hiện Sở Giao thông Vận tải phê duyệt dự án dựa trên dữ liệu đầu vào của các năm gần đây chứ không dựa trên thông số cũ. Mặt khác, TP đã giao Sở Giao thông Vận tải và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, điều chỉnh 2 quy hoạch 752 và 1547 cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới. Trả lời câu hỏi khi nào TP HCM hết ngập, ông Long cho rằng khi nào TP thực hiện đầy đủ 2 quy hoạch trên thì sẽ cơ bản hết ngập (!?).
Ông Đỗ Tấn Long lý giải ngoài nguyên nhân ngập do mưa lớn, triều cường thì còn rất nhiều vấn đề khác gây nên. Cụ thể như lượng nước trên nguồn đổ về TP, việc nạo vét kênh, mương chưa thực hiện tốt. Bên cạnh đó, tình trạng xả rác bừa bãi, lấn chiếm kênh rạch... khiến dòng chảy bị tắc nghẽn cũng là một nguyên nhân nhưng vấn đề này lại đang diễn ra khá phổ biến. Vì vậy, ông Long cho rằng không chỉ bởi cơn mưa ngày 19-5 khiến nhiều khu vực tại TP HCM lại bị ngập mà nhiều trường hợp bị ngập trước đó cũng xuất phát từ nhiều nguyên nhân như đã nêu trên.
Dù TP HCM đã chi nhiều tiền chống ngập nhưng tình hình vẫn không thay đổi. Ảnh: SỸ ĐÔNG
Tiếng nói từ địa phương
Về hiện tượng ngập đường Nguyễn Văn Quá (quận 12), dù đã hoàn thành cống hộp để giải quyết ngập nhưng hiện vẫn chưa được cải thiện, ông Long lý giải dự án này gồm 2 đường cống hộp chạy dọc kênh Tham Lương. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có một cống đã hoàn thành, cống còn lại đang chờ chủ đầu tư thi công.
"Trung tâm Chống ngập đã rà soát những tuyến nào chưa có đường cống thoát nước và tuyến nào cống cũ để xây dựng giải pháp và kiến nghị để UBND TP xem xét có kế hoạch đầu tư" - ông Long thông tin.
Trong khi đó, theo UBND quận 12, chuyện ngập ở đường Nguyễn Văn Quá khiến địa phương hết sức đau đầu. UBND quận 12 kiến nghị đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án mà Trung tâm Chống ngập đã nêu và xin xây dựng 2 trạm bơm tại cửa xả của rạch Cầu Suối, rạch Cây Liêm (phường Đông Hưng Thuận) cùng hồ điều tiết ngầm tại sân bóng đá Cây Sộp để giải quyết ngập cho tuyến đường này.
Một số lãnh đạo địa phương nhận định nguyên nhân TP HCM vẫn ngập dù TP đã chi ra hàng chục ngàn tỉ đồng là do các công trình chưa kết nối, việc đầu tư thiếu đồng bộ. Chẳng hạn ở quận 9, đường Đỗ Xuân Hợp đã được Trung tâm Chống ngập đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước và vận hành từ năm 2016 nhưng đường vẫn cứ ngập khiến người dân bức xúc. Bởi lẽ, khi thi công dự án, người dân đã chịu cảnh bụi mù mịt mùa nắng, bùn lầy lội khi mưa, còn kẹt xe thì diễn ra như cơm bữa. Đại diện UBND quận 9 cho biết không chỉ đường Đỗ Xuân Hợp mà các đường nhánh, hẻm kết nối cũng bị ngập do chưa kết nối được với nhau.
Trong khi đó, Trung tâm Chống ngập TP HCM lại cho rằng do lưu vực đường Đỗ Xuân Hợp rộng khoảng 700 ha nên cần phải có thêm một đường cống thoát nước khác nữa theo quy hoạch lộ giới 30 m thì mới hết ngập (!?).
Ba bước "diệt" ngập
TP HCM nên triển khai chiến lược ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, kèm theo là các giải pháp công trình và phi công trình.
Đầu tiên, cần lập tức cho triển khai mở rộng tiết diện thu nước tại các hố ga thuộc các tuyến đường đang bị ngập, sau đó nếu có vốn thì mở rộng ra toàn TP. Cắm lại mốc các kênh rạch đã bị lấn chiếm tại lưu vực 952 ha vùng lõi trung tâm TP, các kênh rạch nào chưa bị lấn chiếm thì cho nạo vét ngay. Đối với kênh rạch bị lấn chiếm thì thống kê và giải tỏa sau 3-5 năm kết hợp với chỉnh trang đô thị. Vấn đề này phải làm quyết liệt và làm đến cùng. Tăng cường xử phạt hành vi xả rác xuống hố ga thu nước, có thể phạt bằng hình thức hốt rác công ích trong mùa mưa.
Kế hoạch trung hạn là dự án giải quyết ngập do triều phải điều chỉnh thiết kế lại cho phù hợp với mức triều 1,68 m và tính đến phương án dự phòng 2 m cho tương lai. Mặt khác, TP cần rà soát lại các lưu vực có cốt nền dưới 1,68 m sẽ bị ảnh hưởng của triều cường thì xây dựng đê kè kết hợp bơm cưỡng bức như một số dự án đã hoàn thành tại lưu vực bến Mễ Cốc, bến Ba Đình (quận 8).
Về kế hoạch dài hạn, TP HCM cần lập bản đồ quy hoạch điều chỉnh lại lưu vực 952 ha khu vực trung tâm TP và lập bản đồ quy hoạch cho 4 vùng đô thị mới là: Đông, Tây, Nam, Bắc. Mở rộng kênh rạch đã bị lấn chiếm bởi đây là những hồ chứa nước tự nhiên khi mưa lớn. Đây sẽ là giải pháp chống ngập triệt để. Cùng với đó là xây dựng bổ sung các tuyến cống thoát nước chính theo các đồ án đã điều chỉnh.
M.QUỐC
Bình luận (0)