Khu vực Tràng An cổ (thôn Tràng An, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) đang có lệnh của UBND tỉnh Ninh Bình dừng mọi hoạt động để thanh tra toàn diện trong 45 ngày, kể từ ngày 7-3, do xảy ra hàng loạt sai phạm trong xây dựng, xâm hại, phá vỡ cảnh quan vùng lõi Di sản Thế giới Tràng An, trong đó có việc tự ý mở bến thuyền khi chưa được phép, tự in và đưa ra giá vé đi tham quan bằng thuyền. Dù vậy, ngày 9-3, trong khi đường lên núi Cái Hạ đã được rào và có biển tạm dừng đón khách thì ở bến thuyền vẫn tổ chức bán vé, đón khách đi tham quan bình thường.
Vé sử dụng lúc nào cũng được
Tại khu vực đón tiếp, nhân viên cầm micro hướng dẫn du khách đi vào khu vực quầy bán vé để mua vé đi thuyền tham quan làng Tràng An cổ với giá 45.000 đồng/vé. Du khách được nhận vé là một tờ giấy ghi tên Công ty CP Du lịch Tràng An, không có mã số và dấu của cơ quan chức năng mà được đóng bằng dấu vuông của công ty này. Trên giấy cũng không ghi ngày tháng nên nhân viên bán vé nói có thể sử dụng lúc nào cũng được.
Tại bến thuyền, rất đông du khách xuống thuyền đi lại trên sông tham quan, dù hôm 2-3, Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình đã có công văn gửi Công ty Tràng An về việc chấm dứt hoạt động du lịch tại điểm du lịch Tràng An cổ, nêu rõ việc công ty này xây dựng trái phép các bậc thang lên núi Cái Hạ đã xâm hại Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An; tự ý mở tuyến du lịch Tràng An cổ để đưa đón, vận chuyển khách du lịch bằng thuyền khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép nên yêu cầu dừng ngay hoạt động, kinh doanh đón khách tại đây để thanh - kiểm tra, xử lý.
Bến thuyền vẫn hoạt động đưa đón khách bình thường dù đã có văn bản yêu cầu dừng để thanh tra
Không có phép vẫn mở bến
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, bà Nguyễn Thị Cúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, cho biết đã chỉ đạo Công ty Tràng An dừng mọi hoạt động để đoàn thanh tra làm việc.
"Về việc cấm lên núi Cái Hạ đã được chúng tôi cho rào và cắm biển cấm rồi. Còn về bến thuyền, họ hoạt động đã 5-6 năm. Chúng tôi cũng đã có văn bản gửi Sở Du lịch và Sở Giao thông Vận tải (GTVT) vì thẩm quyền cấp phép trên sông nước thuộc các đơn vị này" - bà Cúc phân trần.
Còn theo ông Nguyễn Văn Hanh, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Ninh Bình, việc ông Nguyễn Văn Son, Giám đốc Công ty CP Du lịch Tràng An, mở bến thuyền trái quy định thì sở này cũng biết và nhiều lần lập biên bản xử phạt. "Trước đây, ông này nhiều lần có văn bản xin cấp phép bến thuyền nhưng chúng tôi kiên quyết không cấp vì không nằm trong quy hoạch. Sở GTVT cũng nhiều lần phối hợp công an lập biên bản, đình chỉ rồi" - ông Hanh nói.
Khi được hỏi cấm nhiều lần sao hiện công ty này vẫn bán vé, hoạt động bến thuyền bình thường, ông Hanh nói "cái đó thanh tra của đơn vị làm nên chưa thể cập nhật". Ông cũng cho biết Sở GTVT nằm trong thành phần đoàn thanh tra, khi có kết quả sẽ trả lời cụ thể.
Làm sai do sốt sắng với tiền nhân (!)
Ông Nguyễn Văn Son sinh ra và lớn lên tại thôn Tràng An. Trước khi làm du lịch, ông Son từng kinh doanh, sản xuất vật liệu xây dựng. Do tuyến du lịch Tràng An cổ mà ông Son mở không nằm trong quy hoạch nên không được cơ quan có thẩm quyền đồng ý. Dù vậy, ông Son vẫn xây đường lên núi xâm hại vùng lõi di sản, lập bến thuyền không phép, in băng đĩa quảng bá không phép… ngay trong vùng lõi.
Thừa nhận việc làm đường lên núi Cái Hạ là sai và sẽ chấp nhận mọi hình thức xử lý của cơ quan chức năng song ông Son nói: "Tôi làm cái này không phải vì lợi ích kinh tế, không phải vì coi thường pháp luật mà do nóng vội muốn nhanh chóng làm nhanh con đường lên núi Cái Hạ để mừng kỷ niệm 1.050 năm ngày Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi (năm 968). Vì đây chính là nơi vua Đinh lập đàn Kính Thiên sau khi xưng vương để làm lễ cầu siêu cho vong hồn nghĩa sĩ".
Cũng theo ông Son, do để được các nhà sử học, nhà nghiên cứu công nhận đàn Kính Thiên trên núi Cái Hạ thì phải mời được các nhà khoa học lên đó để thị sát nhưng đường núi đá như thế làm sao lên được. "Vì nóng vội, muốn các nhà sử học lên được núi chứng nhận việc đó nên tôi làm đường lên núi, mong các cấp chính quyền "lờ" đi để cho tôi làm. Bây giờ, sự việc đã như vậy rồi nên tôi khao khát được UBND tỉnh, các ngành cho mời các nhà sử học, nhà nghiên cứu đầu ngành hãy lên núi để cùng thảo luận, nghiên cứu về đàn Kính Thiên, trước khi đập bỏ công trình" - ông Son bày tỏ.
Về việc này, ông Hoàng Thanh Phong, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, khẳng định: "Làm gì trên núi có đàn Kính Thiên. Ông Son nhiều lần có đề nghị chúng tôi công nhận nhưng làm gì có căn cứ. Ngay cả hôm anh Phạm Xuân Phúc, Thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, về làm việc cũng đề nghị ông Son cung cấp tài liệu, cứ liệu để chứng minh việc này nhưng làm gì có mà chứng minh".
Xử lý nghiêm sai phạm tại Tràng An
Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) ngày 9-3 cho biết Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên đã ký văn bản gửi UBND tỉnh Ninh Bình, đề nghị chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh nhanh chóng có biện pháp đình chỉ các hoạt động dịch vụ, du lịch chưa được cơ quan thẩm quyền cấp phép tại khu vực núi Cái Hạ. Đồng thời xử lý nghiêm minh đối với các hoạt động xây dựng trái phép tại đây để hoàn trả mặt bằng, cảnh quan môi trường của Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An.
Trước đó, ngày 5-3, Bộ VH-TT-DL cũng đã cử đoàn kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ và phát huy giá trị Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới Quần thể danh thắng Tràng An.
Y.ANH
Bình luận (0)