xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Xây dựng chợ online hợp nhất

MINH CHIẾN - THANH NHÂN

Xây dựng sàn trực tuyến hợp nhất 63 tỉnh, thành thúc đẩy thương mại điện tử phát triển lành mạnh, cạnh tranh, bền vững

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (TMĐT-KTS), Bộ Công Thương đang triển khai Đề án Xây dựng sàn TMĐT hợp nhất 63 tỉnh, thành (Sàn Việt) nhằm kết nối các sàn TMĐT địa phương và các sàn TMĐT phổ biến.

Thu hẹp khoảng cách phát triển TMĐT

Đại diện Cục TMĐT-KTS cho biết Sàn Việt (sanviet.vn) đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện các yếu tố kỹ thuật và kết nối với các sàn TMĐT nhánh của các địa phương. Để thúc đẩy nhanh việc kết nối với sàn hợp nhất, cục đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành tham gia kết nối sàn TMĐT địa phương với sàn hợp nhất, mở rộng không gian kết nối cho tiêu thụ hàng hóa.

Theo đại diện Cục TMĐT-KTS, Sàn Việt (tên sau khi hợp nhất - NV) được hình thành nhằm thu hẹp khoảng cách giữa các thành phố lớn và các địa phương về mức độ phát triển TMĐT; kết nối các sàn TMĐT địa phương trên cả nước về một địa chỉ. Bên cạnh đó, sẽ hỗ trợ thúc đẩy ứng dụng rộng rãi TMĐT trong doanh nghiệp và cộng đồng thông qua việc lựa chọn sản phẩm có trọng tâm của địa phương theo tiêu chí sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, OCOP (chương trình "Mỗi xã mỗi sản phẩm")... để triển khai sự kiện truyền thông, quảng bá thúc đẩy hoạt động giao dịch trực tuyến, tăng doanh số bán hàng. "Xây dựng Sàn Việt sẽ thúc đẩy TMĐT phát triển lành mạnh, có tính cạnh tranh và phát triển bền vững" - đại diện Cục TMĐT-KTS cho hay. Đây là mô hình chuỗi cung ứng hàng hóa tập trung từ trung ương đến địa phương, là địa điểm chia sẻ, giao lưu hàng hóa giữa các địa phương trên toàn quốc. Bên cạnh đó, sàn TMĐT hợp nhất còn cung cấp các công cụ tiếp thị, xúc tiến bán hàng trực tuyến giúp doanh nghiệp chỉ cần truy cập vào một địa chỉ tên miền là có thể thực hiện mọi thao tác trên cùng một nền tảng. Với sàn hợp nhất này, sẽ tạo sự tập trung của các nhà cung cấp sản phẩm cũng như khách hàng.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM), trình độ về TMĐT và ứng dụng TMĐT ở một số tỉnh còn rất thấp. "Rất nhiều chủ thể OCOP và lực lượng làm TMĐT ở các địa phương vẫn chưa biết cách số hóa sản phẩm của mình thì làm sao kết nối với các hệ thống giao hàng, thu tiền… Đây là vấn đề cần giải quyết" - ông Dũng nêu. Chủ tịch VECOM tính toán Việt Nam có hơn 100 triệu dân. Trung bình, TikTok có khoảng 1 triệu đơn hàng/ngày; một số sàn lớn có khoảng 800.000 đơn hàng/ngày; một số sàn có khoảng 200.000-400.000 đơn hàng/ngày… thì tổng số đơn hàng vẫn còn rất hạn chế so với tổng dân số. Thời gian tới, VECOM sẽ kết hợp cùng các sở, ban, ngành của các địa phương để đẩy mạnh phát triển TMĐT bền vững đến năm 2025.

Xây dựng chợ online hợp nhất - Ảnh 1.

Mua hàng online ngày càng phổ biếnẢnh: AN NA

Hỗ trợ các địa phương kết nối

Việc kết nối, hợp nhất các sàn TMĐT địa phương và các sàn TMĐT phổ biến được kỳ vọng tạo nên môi trường kết nối giao thương đa chiều, hiệu quả. Hiện nay, Bắc Giang là một trong những địa phương triển khai hiệu quả sàn TMĐT của tỉnh, đưa hàng loạt mặt hàng của tỉnh đến với đông đảo người tiêu dùng, trong đó có đặc sản vải thiều. Trước hết, phải kể đến sàn giao dịch TMĐT Bắc Giang (San24h.vn) do Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Bắc Giang làm chủ quản. Đến nay đã có hàng trăm gian hàng cùng nhiều loại sản phẩm được giới thiệu, quảng bá, thu hút hàng chục triệu lượt truy cập và giao dịch mua, bán thành công. Bên cạnh đó, địa phương này, còn có nhiều sàn TMĐT khác của các huyện như Phunumart.com tại huyện Lục Ngạn hay huyện Tân Uyên cũng phát triển sàn TMĐT hỗ trợ tiêu thụ nông sản.

Trước vai trò ngày càng lớn của TMĐT trong hoạt động tiêu thụ nông sản, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương yêu cầu các sở, ngành liên quan trong tỉnh hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn tại tỉnh. Theo đó, cần hỗ trợ, hướng dẫn kết nối hộ sản xuất nông nghiệp với sàn TMĐT để hướng dẫn tham gia giao dịch trên sàn TMĐT. Bảo đảm 100% các sản phẩm OCOP đáp ứng tiêu chí 3 sao trở lên của địa phương được đưa lên sàn TMĐT. Theo ông Lê Ánh Dương, cần thông tin về lợi ích của sàn để người dân, doanh nghiệp có động lực tham gia giới thiệu, bán sản phẩm, hàng hóa lưu thông.

Trong những năm gần đây, các địa phương đã chú trọng vào việc phát triển TMĐT, hình thành một kênh kết nối, tiêu thụ hàng hóa hiệu quả, mang lại nhiều tín hiệu tích cực cho người dân, doanh nghiệp. Không chỉ phục vụ trong nước, các sàn TMĐT còn góp phần quảng bá, giới thiệu sản phẩm với bạn bè quốc tế. Dù vậy, theo Cục TMĐT-KTS, hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến trên các sàn TMĐT của các địa phương còn không ít hạn chế, bất cập cần khắc phục để nâng cao hiệu quả. 

Cần bước đi phù hợp để triển khai đề án

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch VECOM, cho rằng một số sàn của Việt Nam về TMĐT đã có bước đi riêng và đang dẫn dắt lực lượng bán hàng rất tốt. Xu hướng các sàn này sẽ trao đổi qua lại, tập trung thu hút những gì ưu tú nhất của TMĐT chứ không quan tâm đến việc đẩy mạnh TMĐT đến 63 tỉnh, thành. Tuy nhiên, vai trò của quản lý nhà nước đối với các sàn này gần như không có. Đề án xây dựng sàn TMĐT hợp nhất là cần thiết, tuy nhiên cần bước đi phù hợp trong triển khai để thu hút 63 tỉnh, thành. "Cần tập trung theo những tiến độ nhất định, tập trung ở những nơi có những anh hùng về TMĐT. Bên cạnh đó là huấn luyện để đội ngũ đó lan truyền từ những địa phương năng động về những nơi ít năng động hơn, giúp đẩy mạnh tại các địa phương yếu về TMĐT" - ông Dũng nói.

Ông Huỳnh Tấn Hải, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Khánh Hòa:

Cần giải pháp chặn trang bán hàng không uy tín

Hiện nhiều doanh nghiệp (DN) Khánh Hòa đã ứng dụng mạnh TMĐT để hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, mở rộng tiêu thụ cho hàng hóa nội địa; hỗ trợ phân phối sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm của DN nhỏ và siêu nhỏ, hộ sản xuất nông nghiệp trên các nền tảng số. Tuy nhiên, hiện có nhiều trang không uy tín gây mất niềm tin từ người mua online nên cần có những giải pháp để ngăn chặn các trang bán hàng này và khuyến cáo cho người tiêu dùng được biết.

Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ:

Thị trường càng rộng càng tốt

Sở phối hợp với VNPT Cần Thơ cho ra mắt sàn TMĐT chonongsancantho.vn và duy trì cho đến nay. Sàn TMĐT này không phải là nơi mua bán mà là nơi nông dân, HTX đưa nông sản lên để giới thiệu và chonongsancantho.vn sẽ tương tác với các sàn TMĐT bán lẻ khác. Dự kiến sắp tới, chúng tôi sẽ làm thêm mục trưng bày quảng bá sản phẩm theo hướng 3D, đưa tất cả nông sản đặc thù của Cần Thơ lên đây. Việc xây dựng sàn hợp nhất có ý nghĩa lớn. Thương mại thị trường càng rộng càng tốt. Sàn TMĐT của tỉnh giống như chợ huyện, tỉnh chỉ gói gọn trong địa phương. Vì vậy, đưa lên sàn TMĐT hợp nhất sẽ kết nối các địa phương trên cả nước, giúp cho sản phẩm địa phương ngày càng vươn xa.

Ông Lê Thanh Dũng, Giám đốc Công ty TSIM:

Cần sàn có nhiều chương trình giảm giá

Website TMĐT khi triển khai thì người mua ở đâu cũng có thể lên website đó để tìm hiểu, mua hàng. Do đó, cần chú trọng tính cạnh tranh về giá và dịch vụ, tiện ích dành cho khách hàng. Những sàn MTĐT lớn như Tiki, Shopee, Lazada, Sendo… đều kết nối với các DN lớn để thường xuyên làm chương trình giảm giá nhằm thu hút khách. Bên cạnh đó là chạy đua nâng cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến, dịch vụ giao nhận, hỗ trợ đổi trả hàng… Một yếu tố quan trọng để quyết định thành công của sàn TMĐT là độ nhận biết, tỉ lệ tương tác, mua hàng.

Sàn TMĐT do cơ quan nhà nước quản lý sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi để vận hành, thu hút DN, tận dụng các kênh quảng bá, truyền thông.

Chủ một DN chuyên sản xuất các loại đặc sản tại một tỉnh phía Bắc:

Chỉ chọn những sàn bán được nhiều hàng

DN hiện tập trung bán hàng ở vài sàn lớn để có doanh số và lợi nhuận thay vì dàn trải. Sàn TMĐT cũng như một cái chợ trên mạng, chợ đông khách thì tiểu thương mới bán được hàng. Nhiều chợ mới dù đầu tư hiện đại nhưng vị trí không thuận lợi, chưa quen khách không đến thì không hút được tiểu thương mang hàng đến. Cuộc đua TMĐT rất tốn kém và cần đầu tư mạnh ở giai đoạn vận hành để thu hút người dùng và DN bán hàng, nếu không sẽ khó cạnh tranh với những sàn uy tín.

K.Nam - T.Nhân - C.Linh - N.Ánh

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo