Ngày 24-12, tại TP HCM, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 với sự tham dự của hơn 700 đại biểu. Dự hội nghị có ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.
Tiếp cận công nghệ làm báo hiện đại
Báo cáo tại hội nghị, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm nhìn nhận công tác báo chí đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Nổi bật là thông tin trên báo chí thể hiện rõ nét hơn vai trò dẫn dắt, chủ động, kịp thời, đạt hiệu quả trong tuyên truyền về những vấn đề, sự kiện quan trọng của đất nước góp phần tạo sự đồng thuận xã hội. Nhiều cơ quan báo chí đã đổi mới, tiếp cận công nghệ làm báo hiện đại, đưa thông tin lên các hạ tầng, nền tảng truyền thông khác nhau để tăng khả năng tiếp cận cho người dân; thực hiện chuyển đổi số báo chí. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh hoạt động báo chí tiếp tục được tiến hành một cách bài bản, quyết liệt, giữ kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động báo chí.
Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế trong công tác báo chí. Đó là tình trạng báo "hóa" tạp chí, các biểu hiện "tư nhân hóa" báo chí vẫn chưa được khắc phục triệt để. Vẫn còn thông tin giật gân, câu khách, không bảo đảm tính chính trị, tính định hướng, tính nhân văn.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương (thứ tư từ trái sang), trao đổi với các đại biểu bên lề hội nghị Ảnh: TẤN THẠNH
Ông Trần Thanh Lâm cho rằng chuyển đổi số báo chí là một xu hướng tất yếu, nhu cầu tự thân, không thể đảo ngược. Chúng ta sẽ bị tụt hậu, đào thải nếu không quyết tâm thay đổi mạnh mẽ về phương thức làm báo hiện đại. Do đó, từ nhận thức đến hành động thực tiễn là cả một quá trình đòi hỏi sự quyết tâm, kiên trì, dám làm, dám chịu trách nhiệm của lãnh đạo cơ quan báo chí.
Với tinh thần dân chủ, nghiêm túc, thẳng thắn, trách nhiệm, các tham luận tại hội nghị đã trao đổi, chia sẻ về những vấn đề cần quan tâm trong công tác báo chí hiện nay cũng như đời sống báo chí - truyền thông; nhận diện xu hướng, thách thức, từ đó xác định những nhiệm vụ, giải pháp cho năm 2023 và trong giai đoạn tới.
Tổng Giám đốc Thông Tấn xã Việt Nam Vũ Việt Trang nhìn nhận chuyển đổi số đang là xu hướng tất yếu trong hoạt động truyền thông. Cơ quan nào nhanh nhạy nắm bắt công nghệ và ứng dụng hiệu quả sẽ đạt được hiệu suất cao trong công việc. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi có nguồn lực vật chất đủ mạnh để xây dựng và triển khai các dự án chuyển đổi số, tạo ra những thay đổi căn bản trong hoạt động của các cơ quan báo chí. Vì vậy, mong Chính phủ, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và các ban, bộ, ngành liên quan có cơ chế, chính sách tạo điều kiện để các cơ quan báo chí có đủ nguồn lực, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số một cách hiệu quả.
Cần làm tốt chức năng phản biện xã hội
Phát biểu kết luận hội nghị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhìn nhận kết quả hoạt động của báo chí trong năm 2022 đã góp phần vào công tác tư tưởng văn hóa, công tác tuyên giáo của Đảng; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; phản bác các quan điểm sai trái thù địch.
Trong thời gian tới, ông Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị các cơ quan báo chí tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt đề án kỷ niệm 100 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam, hướng tới xây dựng báo chí cách mạng nhân văn, hiện đại, tầm nhìn, trách nhiệm. Đồng thời làm tốt quy hoạch, quản lý, phát triển báo chí, xuất bản đúng chủ trương, đúng thực tiễn, mang tính đặc thù. Hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến hệ thống báo chí, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, ứng dụng khoa học công nghệ, hội nhập sâu rộng.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng yêu cầu các cơ quan báo chí đầu tư nguồn lực về con người, ứng dụng công nghệ 4.0, tài chính - ngân sách. "Trong đó, nguồn lực con người là quyết định, phải chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà báo" - ông Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh. Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương mong thế hệ người làm báo tiếp theo phải vừa bản lĩnh vừa đạo đức, tinh thông nghiệp vụ, kiến thức chuyên môn, đáp ứng yêu cầu đa phương tiện trong thời đại báo chí mới.
Nhấn mạnh sứ mệnh cao cả của báo chí là phải đồng hành với dân tộc, ông Nguyễn Trọng Nghĩa yêu cầu báo chí cần phát huy dân chủ, vì lợi ích quốc gia, vì lẽ sống cao cả. "Báo chí phải bảo đảm tính nhân văn, chân - thiện - mỹ; tôn vinh sáng tạo của nhân dân trong thời kỳ mới, làm cho phong phú, đa dạng, đa tầng để khơi dậy sự phát triển của đất nước phồn vinh, hạnh phúc" - ông Nguyễn Trọng Nghĩa định hướng. Song song đó, báo chí cần làm tốt chức năng phản biện xã hội; phản biện đúng và trúng để đưa đường lối đi vào thực tiễn; cùng phản ánh, khắc phục các điểm nghẽn làm cho ý Đảng - lòng dân khắng khít hơn. Xoay quanh việc bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh các quan điểm, tư tưởng sai trái, thù địch, ông Nguyễn Trọng Nghĩa yêu cầu báo chí phải trở thành lực lượng xung kích đi đầu lan tỏa cái tốt, cái đẹp; phản bác cái xấu, cái sai trái.
Dịp này, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tặng Bằng khen cho 32 tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác báo chí năm 2022.
Báo chí cần kể những câu chuyện truyền cảm hứng tích cực
Phát động hưởng ứng tuyên truyền gương điển hình tiên tiến giai đoạn 2022-2025 theo Quyết định 1256/2022 của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm đề nghị các cơ quan truyền thông nghiên cứu kỹ và hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, phát huy vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, tạo niềm tin và ổn định xã hội.
"Báo chí Việt Nam cần kể nhiều câu chuyện, tấm gương truyền năng lượng, cảm hứng tích cực cho người dân và doanh nghiệp. Kể chuyện nhiều hơn, phân tích nhiều hơn, với một tâm hồn cảm thông, chia sẻ và một cái đầu bình tĩnh, sáng suốt"- ông Lâm nhấn mạnh. Ông đặc biệt lưu ý từng cơ quan, lãnh đạo báo, đài, người làm báo không được xem nhẹ, "tầm thường hóa" vai trò, chức năng, trách nhiệm lan tỏa gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến.
Bình luận (0)