UBND thành phố cũng đã ban hành Quyết định 1786/2020 về phê duyệt Đề án sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí thành phố đến năm 2025. TP HCM đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng thành phố thực hiện cẩn trọng, có lộ trình cụ thể; lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan chức năng, cơ quan báo chí để tiếp thu, điều chỉnh cho phù hợp tình hình thực tế.
Từ 28 cơ quan báo chí, TP HCM được sắp xếp còn 19 cơ quan báo chí, gồm 7 báo in, 1 đài phát thanh, 1 đài truyền hình, 10 tạp chí. Về cơ bản, các cơ quan báo chí sau khi chuyển đổi cơ quan chủ quản đều ổn định về hoạt động, bộ máy và tổ chức, được sự chỉ đạo, định hướng hoạt động và quản lý cụ thể, chặt chẽ của cơ quan chủ quản, bước đầu phát huy được đúng mục đích và yêu cầu đề ra trong Quyết định 362. Đặc biệt, đối với cơ quan báo chí thuộc sở, ngành trở thành cơ quan báo chí thuộc Thành ủy và UBND thành phố thì vị thế, vai trò, trách nhiệm được nâng lên.
Nhiều hoạt động truyền thông sau mặt báo của các báo, đài ở TP HCM khá phong phú và được dư luận đánh giá cao. Như Báo Sài Gòn Giải Phóng hiện có nhiều chương trình có ý nghĩa như: Giải Quả bóng vàng Việt Nam, Giải thưởng Võ Trường Toản, chương trình Nghĩa tình Trường Sơn…; Báo Người Lao Động có các chương trình "Tự hào cờ Tổ quốc" (trước đây là "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển"), chương trình "ATM thực phẩm miễn phí" trong đợt cao điểm phòng chống dịch COVID-19, các cuộc thi có giá trị lan tỏa thông tin tích cực…
Bên cạnh những nét tích cực, việc sắp xếp, quản lý báo chí ở TP HCM cũng có một số hạn chế. Đôi lúc trên báo điện tử của một số cơ quan báo chí thành phố còn có những thông tin thể hiện sự thiếu nhạy cảm chính trị hoặc chưa cẩn trọng trong việc phối hợp kiểm tra thông tin. Có những biểu hiện băn khoăn trong một số cơ quan báo chí và một bộ phận trong đội ngũ người làm báo thành phố về việc thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc sau năm 2025, dẫn đến chưa mạnh dạn triển khai các chiến lược và đầu tư phát triển cũng như sự tập trung cao của đội ngũ người làm báo.
Từ những hạn chế trong quá trình thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, Thành ủy TP HCM đề xuất trung ương có hướng dẫn về lộ trình, cách thức tổ chức thực hiện việc sắp xếp hệ thống báo chí sau năm 2025. Trong đó xem xét, có thể giao sự chủ động cho các tỉnh ủy, thành ủy tổ chức thực hiện theo nhu cầu, điều kiện, đặc thù cụ thể của từng địa phương. Giải quyết được vấn đề này, các cơ quan báo chí mới có thể có chiến lược, định hướng phát triển tốt hơn trong thời gian tới.
Đồng thời, có chiến lược chuyển đổi số cho tất cả các cơ quan báo chí nhằm hỗ trợ tối đa cho hoạt động của các cơ quan báo chí, nhất là các vấn đề về hạ tầng, kỹ thuật, vốn… theo hướng đồng bộ, thống nhất.
(*) Tựa do Báo Người Lao Động đặt
Bình luận (0)