xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Xây dựng TP HCM thành trung tâm tài chính quốc tế

THÁI PHƯƠNG

Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân khẳng định quyết tâm thực hiện để đưa TP HCM không chỉ trở thành trung tâm tài chính của cả nước mà còn là của khu vực và thế giới

Sáng 17-7, UBND TP HCM tổ chức hội thảo "Xây dựng TP HCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế". Dự hội thảo có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong.

Ấp ủ từ hơn 15 năm trước

Tham gia hội thảo, các đại biểu góp ý đề cương chi tiết và Đề án "Xây dựng TP HCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế", cùng với việc chuẩn bị các nguồn lực, chính sách, quy hoạch, lộ trình triển khai.

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng đây là hội thảo quan trọng để TP lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp cũng như các tổ chức tài chính đối với thực trạng thị trường tài chính của TP hiện nay. Trên cơ sở đó, UBND TP có định hướng phát triển TP HCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế trong thời gian tới.

Xây dựng TP HCM thành trung tâm tài chính quốc tế - Ảnh 1.

Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với các chuyên gia tại hội thảo Ảnh: TẤN THẠNH

Theo ông Nguyễn Thành Phong, từ năm 2001, tài chính đã được xác định là một trong 9 ngành dịch vụ chủ yếu của TP HCM và ngay từ năm 1998, Sở Giao dịch chứng khoán TP đã được thành lập. Đây là một trong những tiền đề quan trọng để thị trường tài chính tăng trưởng ổn định, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế TP.

Hiện ngành tài chính trên địa bàn tăng trưởng bình quân khoảng 8,8%/năm, chiếm tỉ trọng 10% trong 9 ngành dịch vụ chủ yếu. Ngành tài chính cũng giúp TP huy động khoảng 460.000 tỉ đồng/năm nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội… Dù đạt những kết quả khá tích cực nhưng thị trường tài chính TP vẫn còn nhiều khó khăn, trong đó lực cản lớn nhất là TP chưa thể hình thành nên một trung tâm tài chính để đáp ứng nhu cầu của 13 triệu dân TP và hơn 7 triệu khách quốc tế.

Từ hơn 15 năm trước, chủ trương xây dựng TP HCM thành một trung tâm tài chính của khu vực đã được đưa ra. TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, chỉ rõ từ năm 2002, Nghị quyết 20 của Bộ Chính trị về TP đã xác định việc xây dựng và phát triển TP thành trung tâm tài chính của cả nước và từng bước thành trung tâm tài chính của khu vực Đông Nam Á. Nội dung này được tái khẳng định tại Nghị quyết của Bộ Chính trị về TP năm 2012. Năm 2006, UBND TP đã giao cho Viện Kinh tế TP xây dựng đề án "Phát triển thị trường tài chính trên địa bàn TP đến năm 2010 và tầm nhìn 2020". Nhiều quyết định tiếp theo của lãnh đạo TP trong những năm sau đó tiếp tục đề cập, nhấn mạnh chủ trương phải xây dựng TP từng bước trở thành trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học công nghệ của cả nước và khu vực…

"Làm thế nào để TP thực sự là một trung tâm tài chính quốc gia và hướng tới trở thành một trung tâm tài chính của khu vực? Định hướng này được đưa ra từ nhiều năm trước và phù hợp với vị trí, vai trò, thế mạnh của TP được chứng minh qua thực tiễn phát triển. Nhưng đến nay, mọi ý tưởng vẫn còn đang dang dở..." - TS Trần Du Lịch băn khoăn.

Quyết tâm thực hiện

TS Vũ Thành Tự Anh, giảng viên Trường Chính sách công và quản lý Fulbright, đặt vấn đề: Tại sao có quyết tâm, khát vọng đưa TP HCM trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế trong nhiều năm nhưng đến giờ vẫn chưa thành công? Những yếu tố nào cản trở sự thành công của trung tâm tài chính TP?

Theo chuyên gia này, dù chỉ chiếm chưa tới 10% dân số cả nước nhưng TP HCM đóng góp tới 14% về xuất khẩu, 24% cả nước về GDP, 27% thu ngân sách, 28% về cho vay. TP là nơi thu hút 1/3 số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, có lúc chiếm tới 41% vốn ngoại vào Việt Nam… Điều này cho thấy vị thế của TP trong việc trở thành nền tảng, bệ đỡ của cả nước để trở thành trung tâm tài chính.

"Trung tâm tài chính phải là một không gian đô thị, hệ sinh thái đáp ứng cung cầu dịch vụ khách hàng, có phạm vi hoạt động và lưu chuyển dòng vốn ra khỏi quốc gia. Có rất nhiều hướng đi mà nhiệm vụ của TP là cần tìm ngách của thị trường, để từ đó phát huy thế mạnh đặc thù và nổi trội. Bởi nếu đi theo con đường truyền thống thì rất khó cạnh tranh với những trung tâm tài chính đã hoạt động nhiều năm" - TS Vũ Thành Tự Anh góp ý.

Đánh giá cao các góp ý, hiến kế, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh mục tiêu đưa TP trở thành trung tâm tài chính của cả nước đã được quan tâm từ rất lâu. Nay với đề án này, lãnh đạo TP có quyết tâm để thực hiện một cách chất lượng. Dự kiến tháng 10-2019 sẽ xong đề cương chi tiết, giải pháp phần mềm để báo cáo HĐND, Thành ủy, sau đó báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

"TP đang triển khai Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế đặc thù phát triển nên trong năm nay, TP sẽ xin triển khai cơ chế đặc thù để làm trung tâm tài chính. Chúng tôi quyết tâm hình thành trung tâm tài chính của cả nước, vì cả nước. Nếu được thông qua, sẽ triển khai" - Bí thư Nguyễn Thiện Nhân khẳng định. 

Thu hút tổ chức tài chính lớn tham gia

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng quá trình xây dựng đề cương đề án, một số vấn đề quan trọng cần được làm rõ, như về mô hình phát triển, cơ sở hạ tầng, sự hấp dẫn đối với các doanh nghiệp, tổ chức tài chính, sự minh bạch và sự sẵn sàng của TP...

Để thực hiện đề án xây dựng TP HCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, phải thu hút mạnh mẽ doanh nghiệp, tổ chức tài chính lớn tham gia. Việc thiếu cơ chế, chính sách, nguồn nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng mềm... là một trong những nguyên nhân trở ngại khi triển khai thực hiện đề án.

GS-TS TRẦN NGỌC THƠ, chuyên gia kinh tế:

Có khả năng và xứng đáng

3-tran-ngoc-tho

Với tất cả thiên thời, địa lợi, nhân hòa và các kế hoạch bài bản đã được ấp ủ từ hơn một thập niên qua, TP HCM hoàn toàn có khả năng và xứng đáng trở thành một trung tâm tài chính của Việt Nam.

Trung tâm tài chính ở các nước luôn là câu chuyện chính sách tầm quốc gia. Điều này đòi hỏi phải có được sự ủng hộ tuyệt đối từ trung ương, phát triển trung tâm tài chính nên được đặt ở tầm quốc sách. Trong khi chờ đợi, fintech (công nghệ trong tài chính) được dự báo sẽ làm thay đổi cuộc chơi của các trung tâm tài chính trên toàn thế giới. Phải chăng điều này gợi ý về việc phát triển một trung tâm tài chính của Việt Nam, với TP HCM là điểm đến lý tưởng để triển khai, bước đầu bằng việc tập trung vào lĩnh vực fintech. Ngoài ra, thiết lập trung tâm tài chính trong một đặc khu kinh tế đặc biệt tại TP với những chuẩn mực đẳng cấp quốc tế cao nhất cũng là một gợi mở...

GS-TS SỬ ĐÌNH THÀNH, Trường ĐH Kinh tế TP HCM:

Nên lập ủy ban xúc tiến

3-su-dinh-thanh

Chính phủ có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển trung tâm tài chính TP HCM, xét trên các khía cạnh thiết lập cơ chế và chính sách. Chính phủ cần thành lập ủy ban xúc tiến và phát triển trung tâm tài chính TP, có nhiệm vụ xây dựng chiến lược phát triển tổng thể trung tâm tài chính; tổ chức điều phối giữa các bộ, ngành và UBND TP rà soát chính sách, xây dựng khuôn khổ pháp lý phục vụ cho việc phát triển trung tâm này.

Bản thân TP cũng cần quy hoạch trung tâm tài chính, mà vị trí chính của trung tâm trong tương lai phụ thuộc nhiều đến tiến độ đầu tư khu đô thị mới Thủ Thiêm. Trước mắt, TP cần chỉnh trang lại khu vực "Phố Wall" của TP trên địa bàn quận 1, nơi tập trung định chế tài chính đặt trụ sở và văn phòng, trung tâm giao dịch chứng khoán đang hoạt động...

P.Thái ghi

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo