Sáng 28-8, tại TP Sầm Sơn, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức trọng thể lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận TP Sầm Sơn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; khởi công dự án Khu Lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình - Trưởng Ban Liên lạc đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc... tham dự 2 sự kiện đặc biệt này.
Thắm đượm nghĩa tình
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh năm 1954, đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc, có 10 địa phương tiếp đón nhưng nơi tập trung nhiều chuyến tàu nhất là Sầm Sơn. Trong lúc nhân dân Thanh Hóa nói chung, nhân dân Sầm Sơn nói riêng, còn nhiều khó khăn nhưng đồng bào tập kết đã được đón tiếp chu đáo, thắm đượm tình cảm. Nhân dân Sầm Sơn đã lập hàng trăm lán trại để đồng bào, cán bộ, chiến sĩ miền Nam ở. Riêng học sinh và người lớn tuổi được nhân dân đón về nhà.
Ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, cho biết từ giữa tháng 10-1954 đến tháng 5-1955, Sầm Sơn đã đón tiếp 1.869 thương - bệnh binh; 47.346 cán bộ; 5.922 học sinh, sinh viên và 1.443 gia đình cán bộ ở miền Nam tập kết ra Bắc. Năm 2014, nhân kỷ niệm 60 năm ngày đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc, thể theo nguyện vọng của các cựu cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam, tỉnh Thanh Hóa đã thống nhất giao cho TP Sầm Sơn bố trí quỹ đất để xây dựng khu lưu niệm. "Đây là công trình có ý nghĩa to lớn về giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, là địa chỉ đỏ đối với cả nước nói chung, đồng bào, cán bộ, chiến sĩ miền Nam và nhân dân Thanh Hóa nói riêng" - ông Đỗ Minh Tuấn nhấn mạnh.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm mô hình công trình Khu Lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai xây dựng dự án Khu Lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc. "Khu lưu niệm lưu lại cho các thế hệ mai sau về một thời hào hùng của lịch sử dân tộc, tình đoàn kết Bắc - Nam thủy chung, son sắt, đáp ứng lòng mong mỏi của những người con phương Nam luôn hướng về tình người, tình đất miền Bắc năm xưa" - Chủ tịch nước nói.
Chia sẻ cảm xúc tại lễ khởi công, Anh hùng Lao động Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời (An Giang), cho biết cá nhân ông luôn khắc ghi tình cảm, sự đùm bọc, hỗ trợ, giúp đỡ của nhân dân miền Bắc cũng như nhân dân Thanh Hóa. Thời gian đó, miền Bắc rất khó khăn nhưng với tinh thần tất cả vì miền Nam ruột thịt, đồng bào miền Bắc và nhân dân Thanh Hóa đã dành tất cả những gì tốt nhất có thể cho đồng bào, chiến sĩ, cán bộ con em miền Nam tập kết.
"Khu lưu niệm là công trình hết sức có ý nghĩa nhằm tôn vinh và ghi nhận sự đóng góp rất to lớn của Đảng bộ, nhân dân và các dân tộc tỉnh Thanh Hóa trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; thể hiện tinh thần đoàn kết, sẻ chia, cộng đồng trách nhiệm của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam" - ông Huỳnh Văn Thòn bày tỏ.
Bảo đảm chất lượng, tiến độ
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, những thành quả đạt được trong công tác xây dựng nông thôn mới và phát triển đô thị của Thanh Hóa. Chủ tịch nước lưu ý địa phương 2 nhiệm vụ. Một là, đối với dự án Khu Lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc, việc xây dựng phải đáp ứng yêu cầu về chất lượng và giá trị văn hóa của công trình, bảo đảm tiến độ, phấn đấu hoàn thành vào dịp kỷ niệm 70 năm ngày đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc vào năm 2024.
Hai là, về xây dựng nông thôn mới, các cấp ủy, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa cần tập trung thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 19 ngày 16-6-2022 của Trung ương (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Thanh Hóa, trong sáng 28-8, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đến dâng hoa, dâng hương tại Khu Văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh; thăm các gia đình chính sách tại TP Thanh Hóa. Chiều cùng ngày, Chủ tịch nước và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng đã dự sự kiện khánh thành và vận hành thương mại Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 có công suất thiết kế 1.200 MW, với tổng mức đầu tư 2,8 tỉ USD.
Kinh phí 255 tỉ đồng
Khu Lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc tại TP Sầm Sơn có diện tích 15.500 m2, do UBND TP Sầm Sơn làm chủ đầu tư với tổng kinh phí 255 tỉ đồng. Công trình gồm các hạng mục: Tượng đài con tàu tập kết; nhà trưng bày hiện vật, phù điêu lớn hình cánh cung và công trình phụ trợ; các công trình mô phỏng nơi ăn ở, sinh hoạt của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam. Dự kiến thời gian hoàn thành dự án là 270 ngày.
Bình luận (0)