Cuối tháng 3-2023, UBND quận 1 đã kiến nghị UBND TP HCM về việc xã hội hóa đầu tư nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) tại 5 khu đất chưa thực hiện dự án trên địa bàn quận.
Tận dụng "đất vàng"
Cụ thể, đó là khu đất dự án tại số 8-12 Lê Duẩn và 2-4-6 Hai Bà Trưng do Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) quản lý; khu đất dự án tại số 8 Nguyễn Trung Trực do UBND quận 1 quản lý; khu đất dự án Thương xá Tax tại số 135 Nguyễn Huệ của Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn TNHH MTV (SATRA) hiện chưa triển khai; khu đất dự án mở rộng khách sạn Majestic tại số 2-4-6 Nguyễn Huệ của Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn TNHH MTV (Saigontourist) đang tạm dừng thi công.
Trong đó, đối với 2 khu đất do Sở TN-MT quản lý, quận 1 kiến nghị UBND TP HCM giao sở này chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất bàn giao cho UBND quận sử dụng tạm thời một phần diện tích để bố trí cho nhà đầu tư xây dựng NVSCC và sẽ hoàn trả ngay khi UBND TP HCM có chỉ đạo.
Khu đất dự án tại số 8-12 Lê Duẩn
Đối với 2 khu đất do các doanh nghiệp đang quản lý, UBND quận 1 kiến nghị UBND TP HCM chỉ đạo SATRA và Saigontourist chấp thuận cho sử dụng tạm thời một phần diện tích để phối hợp với nhà đầu tư xây dựng NVSCC và hoàn trả khi các doanh nghiệp này có nhu cầu sử dụng mặt bằng.
Đầu tháng 4-2023, Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Toàn Thắng đã có văn bản gửi UBND TP HCM bày tỏ sự ủng hộ đối với đề xuất của UBND quận 1. Hơn một tuần sau, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường có văn bản chấp thuận đề xuất và chỉ đạo quận 1 làm việc với nhà đầu tư về các cam kết triển khai xây dựng.
Thay đổi bộ mặt khu trung tâm
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Vũ Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch UBND quận 1, cho biết đã triển khai các đầu việc sau khi nhận được sự thống nhất của Sở TN-MT và chỉ đạo của UBND TP HCM.
Với khu đất dự án Thương xá Tax tại số 135 Nguyễn Huệ, quận 1 đã trao đổi với SATRA. Đơn vị này trả lời UBND TP HCM chấp thuận đề xuất của quận 1 nhưng chưa có ý kiến chính thức chỉ đạo làm nên SATRA đang chờ. Riêng khu đất tại số 2-4-6 Nguyễn Huệ, Saigontourist phản hồi sắp triển khai xây dựng dự án... Do vậy, từ 5 điểm, quận 1 còn lại 4 điểm trong kế hoạch xây dựng NVSCC.
Nhà vệ sinh công cộng tại số 8 Nguyễn Trung Trực sắp đi vào hoạt động
Đến nay, 2 nhà đầu tư là Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam và Công ty CP Công nghệ Tiên Phong đã tham gia bốc thăm để triển khai lắp đặt NVSCC tại 4 khu đất. Công ty CP Công nghệ Tiên Phong bốc trúng 2 khu đất do Sở TN-MT quản lý, Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam thực hiện tại 2 địa điểm còn lại.
Theo ông Vũ Nguyễn Quang Vinh, sau khi bốc thăm thì các đơn vị bắt tay thực hiện nhằm sớm đưa các điểm này vào phục vụ người dân và du khách. Đến nay, NVSCC tại số 8 Nguyễn Trung Trực đã được lắp đặt và sắp đi vào hoạt động.
Nhà đầu tư chi hơn 500 triệu đồng cho 1 NVSCC với 1 ngăn hỗn hợp dùng chung cho nam và nữ. Một cabin sẽ được mang tới lắp đặt ở khu đất được xây nền, gắn điện, nước. "Có điểm xây dựng đã khó rồi, có tiền còn khó hơn. Ngân sách nhà nước không đầu tư mà phải xã hội hóa nhưng có sự thuận lợi là số tiền không lớn" - Phó Chủ tịch UBND quận 1 nói về những NVSCC được lắp đặt tại các vị trí "đất vàng".
Ông Vũ Nguyễn Quang Vinh cũng cho hay NVSCC tại Công viên Phong Châu (đường Phạm Viết Chánh - Nguyễn Thị Minh Khai) khởi công ngày 20-3 đã được Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 1 đưa vào vận hành hồi cuối tháng 4. NVSCC này có chi phí 420 triệu đồng với 5 ngăn, trong đó có ngăn cho người khuyết tật.
Theo tìm hiểu của phóng viên, việc có thêm NVSCC tại quận 1 nói riêng, TP HCM nói chung nhận được nhiều tán thành của người dân và du khách. Trong đó, ông Hoàng Nghĩa Lý (ngụ TP Thủ Đức) cho hay cuối tuần thường cùng con cháu tới những địa điểm công cộng vui chơi, phiền toái hay gặp nhất là vấn đề "giải quyết nỗi buồn".
"Tôi thấy nhiều chỗ mặt bằng để rất lãng phí, nếu từ đó dựng lên NVSCC, dù là tạm thời, sẽ mang lại nhiều giá trị. Trong những giá trị ấy, có việc khẳng định sự chu đáo của chính quyền đối với người dân và du khách" - ông Hoàng Nghĩa Lý bày tỏ.
Quan tâm đúng mức
Tại buổi làm việc với UBND quận 1 giữa tháng 3-2023, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh cần đặt NVSCC đúng với nhu cầu thiết yếu, quan trọng. Nên có sự quan tâm, đầu tư và quản lý NVSCC đúng với mục tiêu của thành phố, đó là văn minh - hiện đại - nghĩa tình. Về lâu dài, cần tiếp tục rà soát, kiểm tra tính đồng bộ, khoa học về vấn đề thực hiện NVSCC trên địa bàn quận 1. Trong đó, đồng bộ về quy hoạch, về xây dựng, môi trường, giao thông, văn hóa.
Bí thư Thành ủy TP HCM yêu cầu rà soát, kiểm tra lại toàn bộ hệ thống NVSCC đã có sẵn nhưng ngưng hoạt động để tu sửa và đưa vào hoạt động trở lại. Bên cạnh đó, nhanh chóng có kế hoạch lắp đặt nhà vệ sinh lưu động tại những vị trí cần thiết.
3 nhóm giải pháp
Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường đã giao Sở TN-MT trên cơ sở báo cáo của các sở, ngành, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện tổng hợp, đề xuất việc đầu tư xây dựng, quản lý NVSCC theo 3 nhóm.
Nhóm 1 - NVSCC hiện hữu (tại các công viên, chợ, trạm xe buýt, khu công cộng) thì nghiên cứu đề xuất nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường bảo đảm phục vụ người dân và du khách.
Nhóm 2 - dự kiến xây mới. Nhóm này cần chỉ rõ vị trí dự kiến bố trí, quy mô diện tích, giá trị đầu tư, phương thức đầu tư và cách thức quản lý vận hành, thiết kế mẫu nhà vệ sinh, cơ sở pháp lý.
Nhóm 3 - nhà vệ sinh của các cơ sở kinh doanh, cửa hàng, quán ăn, nhà hàng, khách sạn... Ở nhóm này, các sở, ngành liên quan, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện được giao tiếp tục vận động hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân và du khách được sử dụng miễn phí.
Bình luận (0)