Hỗ trợ doanh nghiệp (DN) trong nước không phải là tiền bạc, mà hỗ trợ về thể chế, môi trường kinh doanh an toàn, bình đẳng, thuận lợi, đặc biệt là an toàn. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhấn mạnh tại Hội thảo Làm tổ cho "đại bàng nội" do VCCI phối hợp với báo điện tử Vnexpess tổ chức ngày 5-3.
Chinh phục "hóa rồng hóa hổ"
Nhắc đến cụm từ "đại bàng nội", ông Vũ Tiến Lộc cho biết đây là cách gọi các DN trong nước. Tuy nhiên, bản thân ông lại mong muốn thay đổi bằng cách gọi "đàn rồng Việt".
Cần nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phát triển
Theo ông Lộc, Việt Nam đang hướng đến mục tiêu "dọn ổ", hay nói rõ ràng hơn là tạo điều kiện thuận lợi cho DN Việt cùng tham gia với các DN nước ngoài để mang lại hợi ích hài hòa cho cả hai bên. Tuy nhiên, Chủ tịch VCCI đã chỉ ra thực tế, các dự án FDI tại nhiều địa phương được đánh giá cao, còn DN nội lại rơi vào tình cảnh "bụt chùa nhà không thiêng", dù DN nội đang sản xuất - kinh doanh, mang lại giá trị gia tăng cao, tạo công ăn việc làm và đóng góp lớn cho ngân sách. "Việc tạo điều kiện, không gian cho DN trong nước, cho các doanh nhân phát triển là rất quan trọng để DN trở thành yếu tố dẫn dắt nền kinh tế, bảo đảm sự tự chủ của kinh tế Việt Nam" - ông Lộc nhấn mạnh.
Các đại biểu dự hội thảo cũng chỉ ra rằng việc kiến tạo môi trường đầu tư minh bạch, bình đẳng giữa các khối DN vẫn luôn là vấn đề nóng khi bàn về những thiệt thòi của khối tư nhân, đặc biệt trong việc tiếp cận các nguồn lực quan trọng như lao động, thị trường, quyền kinh doanh, thông tin. Ông Nguyễn Mạnh Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, cho rằng vẫn còn sự phân biệt nhất định giữa DN Nhà nước và DN tư nhân, hay với DN FDI. "Cần phân biệt một cách rõ ràng lĩnh vực của DN Nhà nước và tư nhân, làm rõ cái nào nhà nước nên giữ, hay cái nào tư nhân làm" - ông Nguyễn Mạnh Tiến nói.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc chia sẻ thêm rằng muốn biết công cuộc chinh phục "hóa rồng hóa hổ" của đất nước có thành công hay không, hãy nhìn vào thái độ của nhà nước và xã hội đối với doanh nhân, DN.
Hội thảo cũng đã chỉ ra vấn đề chồng chéo pháp luật gây khó khăn cho nhà đầu tư, tạo ra áp lực và sự không an toàn đối với DN Việt Nam trong quá trình phát triển. VCCI đang đề nghị thành lập tổ công tác phát hiện chồng chéo pháp luật, với 11 tổ rà soát trong 11 lĩnh vực để sửa các văn bản chồng lấn.
Ông Dương Quốc Anh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho biết đất đai của một dự án thường vướng ít nhất 5 luật và các văn bản khác. Vấn đề này Quốc hội đã nhìn thấy và thường xuyên trao đổi với Chính phủ để tạo môi trường kinh doanh thông thoáng.
Cần nhiều giải pháp từ nhà nước
Bối cảnh hiện nay cho thấy cần phải có môi trường công bằng, thể chế thuận lợi để DN yên tâm sản xuất - kinh doanh. Trong đó, Việt Nam cần có những "đại bàng", các DN lớn là cánh chim đầu đàn để dẫn dắt DN nhỏ và vừa phát triển. Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho biết Việt Nam hiện có 2.300 DN lữ hành, đa số là DN vừa và nhỏ, bên cạnh những cánh chim đầu đàn như Vingroup, Sungroup, FLC... "Những cánh chim đầu đàn đang đóng vai trò nâng cao chất lượng du lịch với các sản phẩm khách sạn 4-5 sao, tổ hợp vui chơi giải trí, động lực kéo theo các DN nhỏ và vừa phát triển" - bà Hương nói.
Ông Vũ Thanh Thắng, Phó Chủ tịch Tập đoàn BKAV, cho biết DN đã trăn trở và có nhiều đề xuất với các cơ quan quản lý nhà nước về chiến lược xây tổ cho "đại bàng Việt". "Làm sao để Việt Nam xây dựng được các tập đoàn công nghệ trở thành những "đại bàng", đóng vai trò dẫn dắt trong chuỗi giá trị, để làm được điều đó, chúng ta cần đầu tư vào nguồn lực, khoa học công nghệ, con người sáng tạo và tài năng lãnh đạo. Việt Nam phải xây dựng DN mũi nhọn" - ông Vũ Thanh Thắng nhấn mạnh.
Chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng các DN đóng vai trò dẫn dắt ở Hàn Quốc, ông Thắng cho biết trong lĩnh vực công nghệ có Samsung, LG; ở Trung Quốc có Huawei, Xiaomi. Do đó, nếu Việt Nam xây dựng được 5-6 DN mũi nhọn như vậy thực sự là rất thành công và đáng để đầu tư. Phó Chủ tịch Tập đoàn BKAV cho rằng các DN mũi nhọn, đầu đàn sẽ giúp DN khác trong nước cất cánh và kiến nghị Chính phủ, các bộ - ngành xem xét, lựa chọn các DN mũi nhọn, có những sản phẩm nổi trội, lợi thế cạnh tranh với đối tác nước ngoài. Đồng thời, Chính phủ cần hỗ trợ về môi trường kinh doanh, chính sách, vốn, nguồn nhân lực, thị trường. Cùng với đó là hỗ trợ DN phát triển hạ tầng về công nghệ.
Về phía VCCI, ông Vũ Tiến Lộc kiến nghị thời gian tới, cần tạo nền tảng, không gian cho sự phát triển của đội ngũ DN. Chủ tịch VCCI dẫn chứng về ngành công nghiệp bán dẫn của Mỹ, khi nhà nước hỗ trợ DN bằng cách thực hiện một loạt hợp đồng với các DNTN, đầu tư thông qua nghiên cứu, công nghệ để nâng cao sức cạnh tranh và giúp ngành này giành lại vị trí quan trọng trên thị trường. Chính vì vậy, trong mọi lĩnh vực kinh doanh, mối quan hệ giữa nhà nước và kinh tế tư nhân đều có thể tận dụng phương thức này.
Nâng cao nội lực cạnh tranh
Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cần tạo ra hệ sinh thái để phát triển kinh tế tư nhân, trong đó có các nhà đầu tư chiến lược. Hệ sinh thái này sẽ tạo ra mối quan hệ tương sinh giữa khu vực kinh tế tư nhân với tư nhân, tư nhân với nhà nước và tư nhân với khu vực FDI. Một khu vực kinh tế không tự nó phát triển được, mà phải tương tác với các khu vực khác. Bên cạnh đó, cần chú trọng đến nội lực kinh tế tư nhân, các DN phải nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng nguồn nhân lực để bắt kịp xu hướng, đón nhận cơ hội kinh doanh.
Bình luận (0)