xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Xe buýt điện sắp chạy trên phố Hà Nội

BẠCH HUY THANH

Hà Nội tiếp tục đầu tư hệ thống vận tải hành khách công cộng theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường và phù hợp với đặc thù nhỏ hẹp của các khu phố cổ, phố cũ

Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội - Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP Hà Nội, dự kiến từ quý II/2021, TP sẽ đưa vào vận hành 10 tuyến xe buýt mở mới sử dụng xe buýt điện. Các tuyến xe buýt này có điểm đầu, điểm cuối tại các khu đô thị mới đông dân cư, nhu cầu sử dụng cao và sẽ thực hiện theo phương thức đặt hàng.

Giải pháp thân thiện với môi trường

Mười tuyến xe buýt mở mới sử dụng xe buýt điện sắp được đưa vào sử dụng bao gồm: Long Biên - Trần Phú - khu đô thị Smart City; khu đô thị Smart City - Công viên nước Hồ Tây; Bến xe Giáp Bát - khu đô thị Smart City; Long Biên - Cầu Giấy - khu đô thị Smart City; Hào Nam - khu đô thị Ocean Park; Bến xe Mỹ Đình - khu đô thị Ocean Park; Mỹ Đình (Hàm Nghi) - khu đô thị Ocean Park; khu liên cơ quan sở ngành Hà Nội - khu đô thị Times City; khu đô thị Smart City - Vincom Long Biên; khu đô thị Ocean Park - sân bay Nội Bài.

Đại diện UBND TP Hà Nội cho biết TP đã có văn bản đề xuất Thủ tướng Chính phủ về việc phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện để giảm ô nhiễm môi trường của Tập đoàn Vingroup - Công ty CP (Công ty TNHH Dịch vụ vận tải VinBus).

Xe buýt điện sắp chạy trên phố Hà Nội - Ảnh 1.

Mẫu xe buýt điện của Tập đoàn Vingroup sẽ được sử dụng ở TP Hà Nội trong thời gian sắp tới Ảnh: NGUYỄN HẢI

VinBus đã đăng ký vận hành 10 tuyến xe buýt chạy bằng điện trên địa bàn TP và cam kết đầu tư 150 - 200 phương tiện cao cấp với hệ thống công nghệ tiên tiến; đầu tư trung tâm quản lý và vận hành xe buýt thông minh, đề-pô và hệ thống trạm sạc pin tại các điểm đầu cuối, bãi đỗ xe ban đêm; làm việc với Cục Đăng kiểm Việt Nam để bảo đảm các xe buýt điện đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, phù hợp với các quy chuẩn quốc gia hiện hành của Việt Nam; các tuyến mở mới có điều kiện cơ sở hạ tầng để lắp đặt các trạm sạc pin cung cấp năng lượng.

Theo ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT TP Hà Nội, việc sử dụng xe buýt điện phù hợp với chủ trương của TP Hà Nội, hoàn thành chỉ tiêu đa dạng hóa xe buýt sử dụng năng lượng sạch, bảo đảm các yêu cầu an sinh xã hội. Tuy nhiên, tại Việt Nam, xe buýt điện chưa hoạt động, chưa có định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Vì thế, trên cơ sở đề án của Tập đoàn Vingroup - Công ty CP, Sở GTVT đã đề xuất trong trường hợp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép, UBND TP Hà Nội xem xét chấp thuận mở mới các tuyến xe buýt điện và chủ trương đặt hàng tạm thời Tập đoàn Vingroup - Công ty CP cung ứng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện để có thể đưa vào vận hành sớm.

Đại diện Bộ GTVT nhận định việc phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện phù hợp với Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035; Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 và chủ trương bảo đảm trật tự an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông.

Nghiên cứu giao thông phù hợp phố cổ, cũ

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, vận tải Hà Nội phải hướng đến mục tiêu sử dụng rộng rãi, nhanh chóng các ứng dụng hiện đại, thông minh. Tương lai phải đầu tư xe chạy bằng điện và đây là vấn đề tất yếu mà ngành vận tải phải hướng đến nhằm "thân thiện với môi trường". Ngoài ra, cần khai thác hiệu quả dịch vụ bến bãi, các điểm trông giữ xe. "Hà Nội có nhiều phố cổ, phố cũ. Do đó, cần đầu tư nghiên cứu các phương tiện giao thông phù hợp để đa dạng, thích ứng thực tế giao thông thủ đô" - Bí thư Vương Đình Huệ gợi ý.

Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy cho rằng mặt cắt ở các khu phố cổ, phố cũ Hà Nội rất hẹp. Thông thường, theo nguyên tắc, vận tải hành khách công cộng như xe buýt phải là những xe có khối lượng vận tải hành khách lớn thì mới có hiệu quả nhưng trong các khu phố cổ, phố cũ, do mặt cắt hạn chế nên chỉ có thể đầu tư những xe buýt loại nhỏ, hiện đại.

"Đầu tư xe buýt ở các khu phố cổ, phố cũ nên mang tính kết nối các khu phố này với các tuyến giao thông hiện đại khác như đường sắt Cát Linh - Hà Đông, sân bay… Để hiệu quả thì phải khảo sát xem cung cầu thế nào sau đó mới đầu tư, nếu không sẽ tạo nên những lỗ hổng. Ví dụ như tuyến xe buýt nhanh (BRT) được Hà Nội đầu tư nhưng không phù hợp với thực tiễn, đến nay không đem lại hiệu quả như kỳ vọng" - ông Thủy nhấn mạnh.

Tăng đầu tư cho xe buýt

Đến hết năm 2020, mạng lưới xe buýt ở TP Hà Nội đã đáp ứng được gần 10% nhu cầu đi lại của người dân. Trung bình mỗi năm, TP Hà Nội dành khoảng 1.300 tỉ đồng để trợ giá xe buýt nhằm mở rộng mạng lưới phục vụ, nhất là tới khu vực ngoại thành, vùng sâu, vùng xa và hỗ trợ đối tượng chính sách sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng.

Đại diện Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội cho biết thực hiện chủ trương hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, xe buýt sẽ còn được quan tâm đầu tư hơn nữa và nguồn trợ giá hằng năm sẽ tiếp tục tăng.

Mới đây, UBND TP Hà Nội đã chấp thuận chủ trương mở mới 30 tuyến xe buýt trong năm 2021 và giao Sở GTVT TP Hà Nội chủ trì, phối hợp với Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) cùng các đơn vị liên quan triển khai. Ước tính, tổng kinh phí trợ giá cho 30 tuyến xe buýt mở mới khoảng 202 tỉ đồng.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo