Trưa nắng, tại Bến xe Củ Chi (huyện Củ Chi, TP HCM), dù còn 20 phút mới đến giờ xuất bến nhưng bà Trần Thị Thúy Hằng, tiếp viên kiêm chủ xe tuyến xe buýt 702 (Bến xe Củ Chi - Bến xe Hòa Thành) vẫn nói tài xế mở máy lạnh cho mát khách lên xe đợi chuyến.
Xe buýt chen cùng xe máy khiến thời gian di chuyển kéo dài là một nguyên nhân khiến hành khách cân nhắc trong lựa chọn. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Chu đáo nhưng vẫn ế
Theo bà Hằng, tuyến 702 không có trợ giá, lời ăn lỗ chịu nên chủ xe rất chiều khách. Khách nhiều mới có tiền đổ dầu, trả lương tài xế, còn không thì phải móc hầu bao bù lỗ.
Năm 2010, vợ chồng bà vay tiền ngân hàng, gom tiền tiết kiệm mua chiếc xe buýt B55 khoảng 1,4 tỉ đồng chạy tuyến Bến xe Củ Chi - Bến xe Hòa Thành. Thời gian này xe đông khách, thu nhập dư dả, bà Hằng trả nợ, đổi xe mới và mua thêm 1 chiếc B55 chạy tuyến 126 (Bến xe Củ Chi - Bình Mỹ).
Những tưởng thuận lợi thì 5 năm trở lại đây, sản lượng hành khách đi xe buýt sụt giảm mạnh. Bà Hằng không dám thuê tiếp viên nữa mà tự mình đón khách, bán vé để giảm chi phí.
"Từ sau dịch COVID-19, khách đi xe buýt giảm nhiều, lượng khách vãng lai ít, chỉ còn công nhân, học sinh, sinh viên… Có lẽ do kinh tế khó khăn và thời điểm dịch người ta đi xe máy quen rồi nên hết quen xe buýt" - người phụ nữ hơn 15 năm theo nghề xe buýt lý giải.
Nữ chủ xe kiêm tiếp viên kể tiếp sau dịch có lúc khách giảm sâu, nhiều chủ xe không cầm cự nổi nên ngừng chạy. Năm 2022, tuyến 702 từ 20 xe chỉ còn 2 xe, hợp tác xã điều thêm 3 xe lên chạy, giãn cách đến 1 giờ/chuyến, khách muốn đi phải đợi rất lâu. Đến đầu năm 2023, hợp tác xã động viên xã viên đưa thêm phương tiện vào hoạt động, tăng 10 xe cho tuyến 702 nên thời gian giãn cách còn 30 phút. "Nhờ vậy, khách tăng dần, mỗi chuyến được 15-20 khách nhưng như vậy cũng không giúp chúng tôi thoát khỏi mối lo cơm áo" - bà Hằng nói, ánh mắt xa xăm hướng ra bầu trời qua cửa kính xe.
Trên xe buýt tuyến 152, phóng viên ghi nhận cả hành trình có hơn 10 người lên xe. Ảnh: THU HỒNG
Được trợ giá cũng gian nan
Tình trạng khách đìu hiu cũng diễn ra ở những tuyến xe buýt có trợ giá. Ghi nhận trên các xe buýt chúng tôi đón và lên tại các tuyến 14, 24, 48, 41 (Bến xe Miền Đông - Bến xe Miền Tây, Bến xe Miền Đông - Hóc Môn, Bến xe Tân Phú - chợ Hiệp Thành, Bến xe Miền Tây - Bến xe An Sương)... trung bình mỗi chuyến chỉ 15 khách, lượng khách tăng hơn những giờ cao điểm 6 đến 8 giờ, 14 đến 18 giờ nhưng không đáng kể.
Bám vào tay vịn sau cú rung lắc, chị Hoàng Bích Dung, tiếp viên tuyến 14, kể mấy năm trước, tuyến này rất đông khách, đa phần là công nhân, người lao động… "Nhưng sau dịch, nhiều công ty đóng cửa, công nhân tìm nơi làm việc mới, những khách vốn quen mặt nay đã không còn thấy nữa" - chị Dung cho biết.
Lý giải nguyên nhân khách quay lưng với xe buýt, chị Lềnh Ngọc Vân, tiếp viên xe tuyến 24, cho rằng đường sá ngày càng đông đúc, xe buýt không có làn đường riêng, phải chen chúc với xe máy nên thời gian di chuyển kéo dài. Có thời điểm cùng một đoạn đường nếu xe máy tính bằng phút thì xe buýt tính bằng giờ, cộng thêm xe công nghệ phát triển, học sinh, sinh viên được cha mẹ tạo điều kiện di chuyển tốt hơn bằng xe máy, xe điện nên khách đi xe buýt thưa vắng.
Để tiết kiệm chi phí, bà Trần Thị Thúy Hằng phải kiêm luôn công việc tiếp viên. Ảnh: THU HỒNG
Xe buýt đấu thầu "kêu cứu"
Để nâng cao chất lượng phục vụ người dân, 5 năm nay, việc đấu thầu tuyến xe buýt được Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (Sở Giao thông Vận tải TP HCM) tích cực triển khai và bước đầu mang lại kết quả khi một số nhà đầu tư tham gia, đưa phương tiện mới vào phục vụ.
Tuy nhiên, qua 2 đợt đấu thầu của năm 2020, 2021, thực tế chuyên chở cho thấy sản lượng hành khách trên các tuyến xe buýt trúng thầu giảm mạnh. Đợt đấu thầu năm 2020, Liên danh Công ty Bảo Yến - Hợp tác xã Vận tải số 28 trúng thầu 4 tuyến 1, 15, 65 và 152 có trợ giá. Tiếp đó, năm 2021, Công ty Bảo Yến trúng thầu 2 tuyến xe buýt có trợ giá khác là 4 và 43.
Kinh phí đầu tư mới 73 phương tiện cho 6 tuyến xe buýt này gần 128 tỉ đồng. Dù đưa phương tiện mới vào hoạt động, nội thất tiện nghi, có hệ thống thanh toán tự động nhưng lượng hành khách đi xe buýt không cao. Trên tuyến xe buýt số 152 (sân bay Tân Sơn Nhất - bến xe buýt Sài Gòn) chúng tôi ghi nhận tuy vào khung giờ cao điểm buổi sáng nhưng lượng khách trên xe cho cả hành trình chỉ hơn 10 người.
Ông Trần Nguyên Thái, Giám đốc điều hành phía Nam Công ty Bảo Yến, thừa nhận thực tế sản lượng hành khách đi xe buýt không phục hồi được so với trước thời điểm dịch bệnh diễn ra, phần do tâm lý khách e ngại tiếp xúc đám đông, phần do thay đổi thói quen chuyển sang xe máy.
Đại diện Công ty Bảo Yến nhìn nhận điểm thuận lợi của đấu thầu xe buýt là thời gian hợp đồng 5 năm, có tính ổn định, nhà đầu tư yên tâm trong việc đầu tư xe. Tuy nhiên, dự toán gói thầu có sẵn cho 5 năm nhưng hằng năm vẫn phải duyệt lại dự toán, ảnh hưởng đến việc tạm ứng, thanh toán của nhà thầu vào đầu các năm. Nêu thêm một số khó khăn khác, đại diện công ty cho hay những khó khăn này đang được nhà đầu tư kiến nghị Trung tâm Quản lý giao thông công cộng xem xét, tháo gỡ.
10 năm giảm 7 lần
Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải TP HCM, trong giai đoạn 2014-2018, lượng khách đi xe buýt giảm bình quân 6,65%/năm. Năm 2019, xe buýt TP HCM phục vụ khoảng 255 triệu lượt khách, giảm 12,1% so với mức 289,9 triệu lượt khách đạt năm 2018. Năm 2020, lượng khách đi xe buýt chỉ còn hơn 148 triệu lượt.
Năm 2021, do dịch COVID-19 bùng phát dữ dội, hoạt động xe buýt giảm mạnh hơn, chỉ còn 53 triệu lượt hành khách. 10 tháng đầu năm 2023, khách tuy tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 73,1 triệu lượt hành khách (mục tiêu năm 2023 là 95,6 triệu lượt) nhưng vẫn chưa hồi phục như kỳ vọng sau dịch.
Như vậy so với giai đoạn 2010-2013, thời kỳ đỉnh cao của xe buýt với sản lượng trung bình 365 triệu lượt/năm, sau 10 năm sản lượng khách đi xe buýt đã giảm đến 7 lần.
Nhiều tháng phải bù lỗ
Là một trong những tuyến xe chủ lực, có lượng khách đông nhất thành phố, từng được khoán 101 khách/chuyến vào những năm 2012-2016, tuyến xe buýt số 8 (Bến xe buýt quận 8 - Đại học Quốc gia) hiện nay cũng rơi vào tình trạng sụt giảm sản lượng nghiêm trọng.
Nhiều tài xế, chủ xe mong trở lại thời hoàng kim của xe buýt. Ảnh: THU HỒNG
Bà Tiên, chủ 1 xe thuộc tuyến này, cho biết thời hoàng kim cứ vài phút là có 1 chuyến xuất bến, khách lên xe nườm nượp phải chen nhau đứng. Lúc đó, trợ giá thấp thì xã viên vẫn sống được vì khách đông. Nhưng bây giờ, khách giảm sâu, tiền trợ giá lãnh về sau khi trả lương tài xế, tiền vay ngân hàng, tiền bơm gas, bà phải bù lỗ từ 5-10 triệu đồng/tháng. Theo bà Tiên, nhiều xã viên cứ vay đầu này đắp đầu nọ, chịu không nổi đã phải bán tài sản, cầm cố nhà cửa để trả nợ ngân hàng.
"Nếu đà sụt giảm khách kéo dài 2-3 năm nữa, e rằng các xã viên sẽ không chịu nổi" - bà Tiên mường tượng viễn cảnh.
(Còn tiếp)
Bình luận (0)