Mới đây, khi biết Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) có văn bản trả lời UBND tỉnh Quảng Nam không xem xét công nhận liệt sĩ cho con trai mình, ông Trần Đức Dũng (69 tuổi; trú xã Tam Phú, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) rất thất vọng nhưng nói sẽ tiếp tục theo đuổi vụ việc đến cùng.
Gần 10 năm qua, ông Trần Đức Dũng đem đơn gõ cửa khắp nơi với niềm tin con trai mình hy sinh vì nước, phải được công nhận liệt sĩ
Chết khi làm nhiệm vụ nhưng "chưa dũng cảm"!
Trong căn nhà cấp 4 đã xuống cấp, đêm nào ông Dũng cũng thắp hương lên gian thờ ông bà tổ tiên và con trai, khẩn cầu cho mình có sức khỏe để đi đòi công lý. Mười năm qua, người cha già mái tóc bạc trắng, ngày một tiều tụy vì nỗi đau mất con. Ông đem hồ sơ gõ cửa khắp nơi, đến cả trăm cuộc tiếp dân của Tỉnh ủy, UBND, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam, nhiều lần ra các cơ quan trung ương ở Hà Nội với niềm tin con trai hy sinh vì nước, phải được công nhận liệt sĩ.
Ông Dũng kể trưa 15-5-2011, ông đang nằm nghỉ thì nhận được tin báo con trai là anh Trần Văn Quý (khi đó 25 tuổi) qua đời. Sau đó, gia đình được kể lại rằng trong lúc cùng đồng đội thực hiện nhiệm vụ trục vớt gỗ do "lâm tặc" cất giấu dưới lòng sông Vu Gia tại khu vực Mò O (xã Đại Sơn, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam), anh Quý bị nước cuốn tử vong.
Các cơ quan, ban ngành của tỉnh Quảng Nam đã tổng hợp hồ sơ, trình văn bản cho cấp có thẩm quyền công nhận anh Quý là liệt sĩ. Ngày 4-6-2015, Bộ LĐ-TB-XH có công văn phản hồi UBND tỉnh Quảng Nam, nói rằng trường hợp anh Quý không đủ điều kiện. Trong công văn, Bộ LĐ-TB-XH giải thích: "Ông Quý trong khi xuống sông tham gia trục vớt gỗ trái phép đang cất giấu dưới dòng sông không mặc áo phao, lội được khoảng 4-5 m, bị sụp vào hố sâu có vòng xoáy nên bị nước cuốn trôi chết. Đây là công tác giải quyết sự vụ của nhân viên kiểm lâm khi được giao, tai nạn xảy ra dẫn đến chết người là yếu tố bất ngờ không thể biết trước. Trong xác nhận liệt sĩ, dũng cảm là hành động xả thân của cá nhân, mặc dù biết trước là nguy hiểm đến tính mạng của bản thân nhưng vẫn hành động để cứu người, cứu tài sản của nhà nước và nhân dân. Do đó, không thể coi trường hợp trên là hành động dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng, an ninh hoặc xả thân để cứu tài sản của nhà nước, nhân dân".
Sau đó, ông Dũng liên tục làm đơn khiếu nại gửi đến Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH và các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Nam. UBND, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam đã có nhiều văn bản đề nghị Bộ LĐ-TB-XH xem xét công nhận liệt sĩ cho anh Quý nhưng không có kết quả. Ngày 18-2-2020, ông Dũng nhận được Thông báo 539/TB-LĐTBXH của Bộ trưởng LĐ-TB-XH về việc không thụ lý giải quyết khiếu nại của ông.
Ông Dũng đã khởi kiện Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH ra tòa, yêu cầu hủy Thông báo số 539/TB-LĐTBXH, buộc giải quyết khiếu nại. Ngày 17-3-2021, TAND tỉnh Quảng Nam tổ chức đối thoại giữa người khởi kiện, người bị kiện và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Kết quả đối thoại bất thành nhưng các đương sự thống nhất với yêu cầu của TAND tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh Quảng Nam có trách nhiệm triệu tập các ngành liên quan họp để xem xét lập hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ theo đúng quy định, đến hiện trường kiểm tra. Nếu đủ điều kiện thì đề nghị Bộ LĐ-TB-XH xem xét trình Chính phủ quyết định.
Kể từ ngày con trai mất, ông Dũng chưa hề cắt tóc, mái đầu hiện đã bạc đi hơn một nửa
Đủ điều kiện công nhận liệt sĩ
Ngày 20-6, Sở LĐ-TB-XH tỉnh Quảng Nam báo cáo kết quả kiểm tra, xác minh lại trường hợp chết của anh Quý. Trên cơ sở kết quả kiểm tra tại hiện trường và ý kiến các nhân chứng liên quan, Sở LĐ-TB-XH tỉnh Quảng Nam xác định quá trình lập hồ sơ trước đó có chi tiết chưa đúng. Cụ thể, trong lúc trục vớt gỗ, anh Quý bị trượt chân ngã xuống vùng nước xoáy chứ không phải "lội được 4-5 m thì bị sụp hố nước sâu". Tuy nhiên, bản chất vụ việc không có nhiều thay đổi. Sở đánh giá mặc dù vụ việc xảy ra trên 10 năm nhưng hiện trạng dòng sông tại khu vực Mò O không có sự biến đổi lớn, vị trí xảy ra tai nạn lòng sông rộng 20 m, nước sâu, chảy xiết, trên mặt nước có dòng xoáy. Do đó, nhiệm vụ trục vớt gỗ của anh Quý và tổ công tác thuộc Đội Kiểm lâm số 2 ngày 15-5-2011 tại khu vực Mò O là có những yếu tố nguy hiểm.
Thực tế, khi phát hiện gỗ cất giấu dưới lòng sông thì không thuê được người dân làm công việc trục vớt vì họ sợ "lâm tặc" trả thù nên cán bộ kiểm lâm phải thực hiện. Mặt khác, địa hình khu vực Mò O hai bên là vách núi cao, vào đầu buổi chiều thường có mưa giông, thủy điện A Vương thường xả nước phát điện vào khoảng 12 - 13 giờ hằng ngày nên lưu lượng nước đổ về khu vực Mò O rất lớn, nếu không trục vớt kịp thời thì gỗ sẽ trôi mất. "Vì vậy, việc trục vớt gỗ là hành động cấp thiết, cần phải thực hiện ngay nhằm bảo vệ khối lượng tài sản này để sau đó bán đấu giá, nộp vào ngân sách nhà nước" - báo cáo nêu.
Từ những cơ sở trên, Sở LĐ-TB-XH đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam có văn bản kiến nghị Bộ LĐ-TB-XH xem xét công nhận anh Trần Văn Quý là liệt sĩ. Ngày 26-9, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ký công văn gửi Bộ LĐ-TB-XH đề nghị xem xét công nhận liệt sĩ cho anh Quý. Tuy nhiên, ngày 31-10, ông Nguyễn Bá Hoan, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, ký công văn phản hồi, cho rằng hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ đối với anh Quý đã được bộ xem xét và trả lời tại các văn bản năm 2015, 2018, 2019. Bộ cho rằng cơ quan chức năng "không cung cấp, bổ sung tài liệu, chứng cứ, tình tiết mới" nên không có cơ sở xem xét lại vụ việc.
Làm hết mình vì đồng chí, đồng đội
Ông Trần Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Quảng Nam, cho biết sẽ báo cáo UBND tỉnh đăng ký làm việc với lãnh đạo bộ và Cục Người có công với hy vọng bộ có thể xem xét lại. Trước đó, trao đổi với Báo Người Lao Động, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết rất đau lòng về trường hợp của anh Quý. "Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã và sẽ làm hết mình vì tình đồng chí, đồng đội" - ông Thanh nói.
Bình luận (0)