Trong chiến tranh, bà đã lên đường ra mặt trận, làm tròn nhiệm vụ của người lính. Hòa bình lập lại, bà là chiến sĩ thi đua trên mặt trận sản xuất - công tác. Điểm đặc biệt ở bà là tấm lòng thương yêu đồng đội, hằng năm bà đều tổ chức đám giỗ chung cho các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc. Bà là Lê Thị Kim Thắng, ngụ ở 73/4 Lê Lợi, phường 3, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.
Bà Lê Thị Kim Thắng dâng hương các anh linh liệt sĩ tại Nghĩa trang Đông Tác, tỉnh Phú Yên
Nữ y tá giải phóng quân kiên cường
Bà Kim Thắng sinh năm 1948 tại xã Hòa Mỹ, huyện Tuy Hòa I (nay là huyện Tây Hòa), tỉnh Phú Yên. Năm 1963, khi mới 15 tuổi, cô bé Thắng đã là văn thư của xã Hòa Mỹ, tháng 1-1964 được tổ chức cho thoát ly làm cứu thương Tiểu đoàn 14 và sau đó là nữ y tá giải phóng quân của Trạm phẫu Phân khu Nam, Quân khu 5 đóng ở vùng núi Sơn Hòa. Trải qua nhiều năm chiến tranh ác liệt, nhiều lần thay đổi đơn vị, đến năm 1969 cô chuyển về Trạm phẫu Tỉnh đội Phú Yên, đóng ở vùng 1, xã An Lĩnh, huyện Tuy An cho đến ngày giải phóng.
Qua 11 năm làm nhiệm vụ của một y tá chiến trường, Kim Thắng đã cùng đồng đội nếm trải nhiều gian khổ, hy sinh; vừa chăm lo cứu chữa thương bệnh binh vừa tăng gia sản xuất và trực tiếp chiến đấu chống lại nhiều trận truy quét, phục kích của địch, trong điều kiện thiếu thốn trăm bề, nhất là thiếu thuốc điều trị cho thương binh. Họ đã hy sinh tuổi thanh xuân cho đất nước. Nhiều lần sốt rét tóc rụng hết, có mảnh gương nhỏ đem soi thấy người trong gương, nhiều chị em bỗng mủi lòng, ôm nhau khóc. Thiếu ăn có lúc đói lả người, họ vẫn động viên nhau cố gắng chăm sóc đồng đội, có thời điểm mỗi y tá phải chăm sóc 50-60 thương binh, trong đó có nhiều thương binh nặng. Nhiều ngày đêm liền phải làm việc 24/24 giờ để tiếp nhận, sơ cứu và chuyển thương. Nữ y tá Kim Thắng cũng bị thương vào năm 1970.
Bà tâm sự: "Ngày đó chúng tôi chẳng có thời gian nghĩ ngợi cho riêng mình, thấy đồng đội bị thương, hy sinh mà lòng xót thương vô cùng, chỉ biết hết sức cố gắng để phục vụ đồng đội. Đôi khi ngơi việc, nằm thiếp đi, tỉnh dậy lại lao vào cứu chữa, khiêng chuyển thương binh, họa hoằn lắm mới có bữa nấu nước lá gội đầu và tắm táp cho bớt chấy, rận".
Đến ngày giải phóng, y tá Kim Thắng được chuyển về công tác tại Khoa Ngoại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên. Năm 1982, bà nghỉ hưu; năm 1993 được bầu làm Phó Chủ tịch Hội LHPN phường, đại biểu Hội đồng Nhân dân phường 3 (2 khóa), rồi Chi hội trưởng Cựu chiến binh (CCB), thành viên Ban Mặt trận khu phố cho đến nay…
Với những cống hiến của mình, thương binh Lê Thị Kim Thắng đã được nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng nhì, nhiều bằng khen và các danh hiệu cao quý khác của các cấp trong quân đội, Hội LHPN Việt Nam, Hội CCB Việt Nam và ngành y tế…
Khởi xướng đám giỗ chung các anh hùng, liệt sĩ
Câu chuyện về nữ y tá Lê Thị Kim Thắng làm cho chúng tôi và đông đảo CCB, thân nhân liệt sĩ cảm phục là việc bà đã cùng nhóm nữ CCB thời chống Mỹ khởi xướng và chăm lo cho đám giỗ chung của các anh hùng, liệt sĩ tại Nghĩa trang Đông Tác, tỉnh Phú Yên.
Bà Kim Thắng cho biết: Nhóm nữ CCB gồm bà Lê Thị Nhung ở thị trấn Phú Thứ (Tây Hòa), bà Phước ở phường Hòa Vinh (thị xã Đông Hòa) là những người đã tham gia chiến đấu ở chiến trường. Năm 1973, trong một trận chiến đấu, họ đã trực tiếp cùng đồng đội chôn cất 2 liệt sĩ là Hồ Hữu Xuân và Trương Thanh Hiền, đều là chiến sĩ Đại đội đặc công 202 Phú Yên. Sau giải phóng với rất nhiều trăn trở, tìm kiếm, họ đã tìm được phần mộ hai liệt sĩ, phối hợp với cơ quan chức năng quy tập về Nghĩa trang Đông Tác. Sau khi an táng, thấy vẫn chưa yên lòng vì nghĩ rằng các anh đã lâu không được ai cúng kiếng, liệt sĩ Xuân lại là người miền Bắc xa xôi nên họ đã bàn nhau gom góp tiền lại để làm mâm cơm cúng giỗ cho hai liệt sĩ vào ngày 27-7-2002.
Bà Lê Thị Kim Thắng đang chuẩn bị cho đám giỗ vào ngày 27-7-2022
Khi làm xong mâm cơm thì lòng day dứt rằng đồng đội thì đông, lẽ nào lại chỉ cúng khấn cho hai liệt sĩ? Họ đã thống nhất khấn mời đầy đủ các vong linh anh hùng, liệt sĩ cùng về với đám giỗ chung. Kể từ đó năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 27-7, các bà lại cùng nhau quyên góp tiền bạc rồi cùng các CCB có chung tấm lòng về nghĩa trang của tỉnh để tổ chức đám giỗ.
Thấy rõ việc làm đầy ý nghĩa sâu sắc, thể hiện tình yêu thương đồng chí đồng đội, đạo lý "uống nước, nhớ nguồn" nên ngày càng có thêm nhiều CCB tham gia và hỗ trợ về kinh phí, vật chất. Đám giỗ chung cho các anh hùng, liệt sĩ được duy trì, mở rộng ra cả ngày 22-12 hằng năm với sự tham gia hỗ trợ của nhiều gia đình, thân nhân liệt sĩ và các CCB.
Mỗi năm, hai lần giỗ
Thấy việc làm đáng trân trọng đó, ông Nguyễn Duy Luân - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên - đã đề xuất ý kiến giao việc này cho một tổ chức đảm nhiệm. Từ đó, năm 2011, Hội CCB tỉnh Phú Yên đứng ra chủ trì, hỗ trợ kinh phí, nhận quyên góp để tổ chức đám giỗ chung cho các anh hùng, liệt sĩ mỗi năm hai lần vào ngày 27-7 và 22-12 hằng năm.
Đã 20 năm trôi qua, bà Lê Thị Kim Thắng vẫn là người chủ trì lo việc chi tiêu, chợ búa, nấu nướng thành kính dâng lên bàn thờ các món cúng thảo thơm trân trọng đến với hương linh liệt sĩ. Nhiều thân nhân gia đình liệt sĩ, CCB khắp mọi miền đất nước khi đến viếng nghĩa trang đã bày tỏ sự cảm ơn về việc làm đám giỗ chung cho các liệt sĩ đầy ý nghĩa này.
Bà Lê Thị Kim Thắng cùng các nữ CCB - thương binh chuẩn bị cho đám giỗ anh hùng, liệt sĩ
Ông Trần Minh Từ, Chủ tịch Hội CCB tỉnh Phú Yên, khẳng định: Việc tổ chức làm đám giỗ chung cho các anh hùng, liệt sĩ tại Nghĩa trang Đông Tác của tỉnh được khởi xướng từ ý tưởng của các CCB nữ, sau đó được Hội CCB tỉnh tiếp nhận duy trì đã 20 năm nay. Đây là một việc làm có ý nghĩa giáo dục truyền thống và ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Bà Lê Thị Kim Thắng còn được biết đến là một con người có tấm lòng "thương người như thể thương thân" sâu nặng nghĩa tình. Bà đến với đồng chí, đồng đội cũ để tìm cách giúp đỡ, san sẻ cho những người có hoàn cảnh kém may mắn hơn mình. Bà tự bỏ ra một phần tiền và nhiều thời gian, công sức kêu gọi những người hảo tâm hỗ trợ hàng chục triệu đồng xây dựng nhà đồng đội, nhà tình thương và tặng quà cho những người có hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn.
Chồng bà Kim Thắng, ông Nguyễn Thanh Long, cũng là CCB thời chống Mỹ, thương binh 3/4, là một người có tấm lòng độ lượng. Ông luôn động viên các con sẵn sàng đồng hành, tạo điều kiện tối đa để bà Thắng tham gia công việc xã hội, làm thiện nguyện.
Bà Đồng Thị Ngọc Phượng, Hội viên Hội CCB phường 7, TP Tuy Hòa, nhận xét: "Bà Kim Thắng là CCB mẫu mực về khả năng vượt khó, có tấm lòng thương người, luôn tìm mọi cách san sẻ yêu thương, giúp đỡ người nghèo khó. Bà là người tiêu biểu, tích cực trong việc tổ chức đám giỗ chung cho các liệt sĩ ở nghĩa trang của tỉnh. Đó là việc làm có ý nghĩa sâu sắc, cần được phát huy, nhân rộng. Bà Thắng đúng là CCB tấm gương sáng về phát huy phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ".
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)