Ngày 17-12, phiên tòa sơ thẩm xét xử 14 bị cáo trong vụ án Tổng Công ty Viễn thông MobiFone (MobiFone) mua 95% cổ phần của Công ty CP Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) tiếp tục phần thẩm vấn bị cáo và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Phản cung vì hoảng loạn?
Theo cáo trạng, bị cáo Nguyễn Bắc Son, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, đã chỉ đạo quyết liệt để MobiFone mua 95% cổ phần của AVG với giá 8.900 tỉ đồng, cao hơn 6.500 tỉ đồng so giá trị thật. Sau đó, ông Son được cựu chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ hối lộ 3 triệu USD.
Đại diện VKSND đối chất với bị cáo Nguyễn Bắc SonẢnh: TTXVN
Tuy nhiên, tại phiên tòa, khi bị hỏi đã nhận được bao nhiêu tiền sau vụ MobiFone mua cổ phần của AVG, bị cáo Nguyễn Bắc Son nói ngay: "Tôi không nhận được đồng nào". HĐXX truy vậy sao tại cơ quan điều tra (CQĐT) lại khai được Phạm Nhật Vũ chuyển quà biếu 3 triệu USD? Bị cáo Son trả lời vì thời điểm đó sức khỏe quá yếu và hoảng loạn.
HĐXX tiếp tục truy nếu hoảng loạn thì có nghĩ ra được con số 3 triệu USD không? Sao không nghĩ ra con số khác? Bị cáo Son trình bày: "Tại thời điểm làm việc với CQĐT tôi bị ngất 2 lần, lần thứ nhất 2 ngày, lần thứ 2 phải 1 ngày sau mới tỉnh dậy. Sức khỏe của tôi lúc đó rất yếu, CQĐT lại yêu cầu làm việc liên tục".
HĐXX hỏi tại bản tự khai và biên bản hỏi cung cũng như đơn đề nghị khắc phục hậu quả, bị cáo có vẽ sơ đồ nơi mà Phạm Nhật Vũ đến nhà bị cáo để xe và đặt tiền; thậm chí, bị cáo còn vẽ cái vali để tiền ở đâu, vị trí nào không? Bị cáo Son trình bày: "Theo hướng dẫn của CQĐT, tôi có làm việc đó. Lúc đó, sức khỏe của tôi rất yếu nên muốn giữ tính mạng của mình".
Nguyễn Bắc Son cũng xác nhận thư gửi cho gia đình là vợ và con gái đều do bị cáo viết với nội dung: "Anh cố gắng sắp xếp để khắc phục hậu quả cho nhà nước". Tuy nhiên, bị cáo Son xin rút lại những nội dung trong thư đó.
Chủ tọa phiên tòa - bà Nguyễn Thị Xuân Thu - truy: "Lý do vì sao tại phiên tòa hôm nay bị cáo thay đổi lời khai?". Bị cáo Son đáp: "Vì lý do tôi phải giữ lại mạng sống của mình, các anh tại CQĐT có nói quân của anh đã khai hết rồi, anh không thể không khai nhận được. Tôi phải duy trì sức khỏe, nếu ngất lần thứ 3 nữa chắc sẽ chết nên tôi đã khai việc đó. Lúc đầu, tôi không khai 3 triệu USD mà khai nhận với số lượng khác, là tiền mặt, nhưng sau đó CQĐT nói không được bởi không giống lời khai từ quân của anh. Sau đó, tôi xé bản khai viết lại bản khác, kể cả thư tôi viết cho vợ và con cũng là do vậy".
Đáng chú ý, sau giờ giải lao vào chiều cùng ngày, thẩm phán Trương Việt Toàn thông báo trong giờ giải lao bị cáo Nguyễn Bắc Son bày tỏ mong muốn được trình bày với HĐXX. Tuy nhiên, thẩm phán Toàn nói đây là phiên tòa công khai nên bị cáo muốn nói gì thì có thể trình bày trước phiên tòa.
Đứng trước bục khai báo, Nguyễn Bắc Son nói thời điểm này tâm trạng bị cáo rất căng thẳng, sức khỏe yếu nên buổi sáng có nội dung khai chưa được đúng khi rút lại lời khai trước CQĐT.
"Giờ bị cáo xác nhận lời khai tại CQĐT nhưng xin thay đổi một nội dung. Đó là số tiền nhận từ Phạm Nhật Vũ, bị cáo không đưa cho con gái mà dùng chi tiêu cá nhân và sẽ hoàn trả vào thời gian gần nhất". Son thừa nhận đã nhận từ Lê Nam Trà 200.000 USD và 200 triệu đồng từ Cao Duy Hải. Thẩm phán Trương Việt Toàn truy tiếp: "Tại sao bị cáo xin khai lại?". Bị cáo Son trả lời vì muốn bảo đảm đúng với những gì đã diễn ra.
Cũng tại phiên tòa, bị cáo Son phủ nhận đã chủ mưu trong vụ án mà chỉ thừa nhận là người đứng đầu, có cương vị cao nhất trong vụ này. "Sau này, khi tôi đọc lại cáo trạng thì mới biết. Điều đó không đúng với lời tôi nói. Nếu HĐXX muốn kiểm chứng, có thể xem lại ghi âm và video quay phần hỏi cung" - bị cáo Son nhấn mạnh, đồng thời phủ nhận mọi cáo buộc của VKSND cùng lời khai của thuộc cấp về việc bị cáo trực tiếp chỉ đạo thực hiện dự án MobiFone mua AVG. Qua đó, bị cáo Son chỉ nhận "có vai trò chỉ đạo chung".
Không hiểu gì?
Bị cáo Nguyễn Bắc Son khai ngay từ đầu đã giao thứ trưởng Trương Minh Tuấn (sau này là bộ trưởng) phụ trách dự án vì ông Tuấn quản lý lĩnh vực báo chí, xuất bản, trong đó có truyền hình, vì thế nên việc bị cáo Tuấn ký Quyết định 236 phê duyệt dự án là đúng thẩm quyền chứ không phải bị ép làm theo chỉ đạo của bị cáo. HĐXX hỏi: "Tại sao bị cáo duyệt văn bản, không ký mà lại giao Tuấn ký?", bị cáo Son đáp: "Tuấn là người phụ trách tổ thẩm định, phụ trách lĩnh vực thông tin, truyền thông".
Tiếp đến, bị cáo Son khai ký Công văn 209 gửi Thủ tướng với nội dung đề xuất cho MobiFone thực hiện dự án mua AVG, đồng thời xin Thủ tướng giao cơ quan thẩm quyền thẩm định dự án; đề nghị Thủ tướng phê duyệt và nếu được, MobiFone sẽ ký hợp đồng và Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo vấn đề phát sinh; đề nghị Thủ tướng cho vay ưu đãi. "Sau khi Công văn 209 gửi đi, chúng tôi nhận công văn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong đó đề nghị Thủ tướng chấp thuận đề nghị của MobiFone. Văn phòng Chính phủ có thông báo là Thủ tướng cơ bản đồng ý như đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư" - bị cáo Son nói.
HĐXX ngắt lời Son về việc Thủ tướng chưa có quyết định phê duyệt chủ trương cho mua bán. Bị cáo Son đáp: "Lúc đó, chúng tôi hiểu Thủ tướng chấp thuận, đó là thông báo". Thẩm phán Trương Việt Toàn gay gắt: "Bị cáo là bộ trưởng, không thể nhầm lẫn cơ bản, coi thông báo là quyết định để yêu cầu Trương Minh Tuấn ký Quyết định 236. Ở đây, ai cũng nói thời điểm đó tôi chả hiểu gì cả nhưng vẫn trên ghế bộ trưởng, trên ghế chủ tịch. Không hiểu gì thì làm bộ trưởng làm gì?".
Hôm nay, 18-12, phiên tòa tiếp tục.
Mong nhận khoan hồng thật đặc biệt
Đến tòa với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, bà Kolmakova Ekaterina (vợ bị cáo Phạm Nhật Vũ) trình bày rành mạch bằng tiếng Việt: "Chồng tôi đã nhận thức, thành thật ăn năn hối cải, về nhà động viên gia đình, vợ con phải khắc phục, không để nhà nước bị thiệt hại. Để trả lại số tiền này, chồng tôi đã phải vay mượn rất nhiều mới có đủ. Chồng tôi là người duy nhất trong lịch sử các vụ án ở Việt Nam đã chủ động khắc phục thiệt hại vụ án với số tiền lớn như vậy. Là một người khi chứng kiến việc xảy ra, chồng tôi đã nhận trách nhiệm, không trốn tránh, không bỏ đi đâu dù có điều kiện và có người khuyên nên bỏ đi. Anh ấy tâm sự với tôi rằng cần trả lại tiền, để chứng minh mình không lấy tiền của nhân dân. Chúng tôi đã gom góp tiền từ gần 1 năm qua để đủ tiền trả cho MobiFone và các khoản chi phí khác. Đến thời điểm này, gia đình đang phải mang khoản nợ gần 1.000 tỉ đồng. Tôi luôn có suy nghĩ về việc làm của chồng tôi liệu có xứng đáng được nhận sự khoan hồng thật đặc biệt không? Khi chồng tôi đi tù, mẹ con tôi sẽ vô cùng bế tắc. Nhiều lúc tôi nghĩ luật pháp có cần phải khắc nghiệt đến thế không khi bắt chồng tôi đi tù như vậy?".
Bình luận (0)