Chiều 1-10, sau 8 ngày xét xử và nghị án, TAND TP HCM đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Minh Hùng (SN 1978, nguyên Tổng Giám đốc Công ty VN Pharma) 17 năm tù; Võ Mạnh Cường (SN 1978, Giám đốc Công ty Hàng hải Quốc tế H&C) 20 năm tù về tội "Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh". Mười bị cáo khác bị tuyên phạt từ 3 năm tù treo đến 12 năm tù giam.
Liên minh nhập thuốc ung thư giả
Thẩm phán Phạm Lương Toản (Chánh Tòa Hình sự TAND TP HCM) - chủ tọa phiên tòa, nhận định Võ Mạnh Cường và Nguyễn Minh Hùng đã nhập khẩu thuốc H-Capita vào Việt Nam đặc trị ung thư vú và ung thư đại trực tràng. Để nhập thuốc, các bị cáo đã sử dụng các giấy tờ giả, hợp đồng giả, con dấu giả nâng khống giá trị lô thuốc H-Capita gấp nhiều lần, nhằm bán ra thị trường thu lời bất chính.
Theo HĐXX, các bị cáo đã nhập khẩu trót lọt 9.300 hộp thuốc H-Capita về Việt Nam. Trong vụ án này, cáo trạng đánh giá Nguyễn Minh Hùng là người cầm đầu, việc lô thuốc H-Capita được phát hiện kịp thời, ngăn không cho tiêu thụ ngoài thị trường là nằm ngoài ý muốn của các bị cáo. Việc các bị cáo có văn bản gửi Cục Quản lý dược và A83 Bộ Công an hỗ trợ là được thực hiện sau khi các cơ quan chức năng phát hiện vụ việc và đang tiến hành kiểm tra.
Tại phiên tòa, bị cáo Võ Mạnh Cường cho rằng mình là nạn nhân, bị oan ức và bị một đối tượng tên Raymundo lừa. Tuy nhiên, chính Cường đã cung cấp các giấy tờ giả để Hùng làm hồ sơ xin cấp phép nhập khẩu tại Cục Quản lý dược.
"Hơn ai hết, Cường phải là người hiểu rõ nguồn gốc, chất lượng lô thuốc H-Capita vì ngay từ khi nhận thuốc từ đối tượng Raymundo, Cường đã tự tra cứu thông tin, mã vạch trên vỏ hộp và không xác định được cơ sở sản xuất thuốc, cũng như chính bị cáo là người gửi mail cho VN Pharma để nói rằng mình đang kiểm tra nhà máy sản xuất thuốc tại Canada trong khi bị cáo hoàn toàn không thực hiện việc này" - HĐXX nhận định.
Bên cạnh đó, Cường còn thông đồng với Hùng làm giả hồ sơ, chứng từ nhập khẩu thuốc, thực hiện nâng khống giá thuốc. Bằng một loạt hành vi như trên, Võ Mạnh Cường có vai trò tích cực, quan trọng nhất, là chủ mưu, cầm đầu trong vụ án này.
Bị cáo Võ Mạnh Cường và các đồng phạm nghe tòa tuyên án vào chiều 1-10Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Lô thuốc đã nhập là thuốc giả
Trong phiên tòa, việc tranh luận lô thuốc H-Capita là thuốc giả hay thuốc kém chất lượng khá gay gắt. Theo tòa, việc đánh giá phải dựa vào các kết quả kiểm nghiệm, giám định khoa học, trên cơ sở đối chiếu, tham khảo các tài liệu khoa học cũng như các quy định pháp luật liên quan thì mới có thể xác định được chính xác bản chất.
Qua điều tra, xác định Công ty Helix Canada là một công ty "ma" và 9.300 hộp thuốc H-Capita do VN Pharma nhập khẩu không có nguồn gốc sản xuất tại Canada, bởi trên các thùng thuốc có dán tem kiểm tra an ninh tại sân bay của Ấn Độ và dán tem vận chuyển từ Ấn Độ về Singapore, phù hợp với văn bản trả lời ủy thác của Singapore. Bên cạnh đó, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng của Bộ Khoa học và Công nghệ xác định mã vạch, mã số in trên vỏ hộp thuốc H-Capita không được đăng ký bởi quốc gia nào.
Ngoài ra, theo HĐXX, Cục Quản lý dược trong quá trình tự tổ chức "điều tra" có cung cấp các tài liệu về việc tiến hành xác minh, xác định được thuốc H-Capita có nguồn gốc từ nhà máy Affy Parenterals của Ấn Độ sản xuất, sau đó được vận chuyển về Singapore rồi về Việt Nam. Như vậy, các bị cáo làm giả hồ sơ nhằm giả nguồn gốc xuất xứ của thuốc.
Về chất lượng thuốc, các kết luận giám định thể hiện, lô thuốc H-Capita tại thời điểm giám định chỉ đạt 4/6 chỉ tiêu đã đăng ký nên sau khi đối chiếu quy định pháp luật, lô thuốc H-Capita được xác định là kém chất lượng, nên không được phép lưu hành. Do không được phép lưu hành nên cũng không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người.
HĐXX căn cứ các quy định của pháp luật xác định toàn bộ 9.300 hộp thuốc H-Capita được xem là hàng giả về nguồn gốc, xuất xứ, giả về các hợp đồng mua bán, giả về chứng từ nhập khẩu, giả hóa đơn thanh toán nâng khống giá mua cao hơn so với thực tế, lượng tạp chất không định danh và cảm quan không đạt tiêu chuẩn tại thời điểm giám định.
Đề nghị Bộ Y tế rà soát, điều chỉnh giá thuốc
HĐXX nhận định các công ty kinh doanh, nhập khẩu dược phẩm, nâng khống giá thuốc thông qua các hợp đồng nhập khẩu rồi nhận lại khoản tiền nâng khống qua các công ty chuyển tiền từ nước ngoài về Việt Nam rồi sử dụng các khoản tiền này phục vụ cho việc cạnh tranh trong thị trường dược phẩm. Việc làm này làm cho giá thuốc nhập khẩu tại thị trường Việt Nam cao hơn so với thực tế, gây ảnh hưởng đến người dân đặc biệt là những người lao động nghèo.
Do đó đề nghị Bộ Y tế rà soát lại giá các loại thuốc, đặc biệt là các loại thuốc nhập khẩu trên thị trường, để điều chỉnh giá thuốc cho phù hợp, đúng với giá trị thực sự của thuốc. Việc cấp giấy phép nhập khẩu thuốc hiện nay vẫn còn một số lỗ hổng, dễ dàng để các đối tượng xấu lợi dụng nhập khẩu, sản xuất thuốc kém chất lượng và tiêu thụ tại thị trường Việt Nam.
Một số cán bộ, nhân viên hoạt động trong ngành y tế vẫn chưa chấp hành nghiêm quy định của Bộ Y tế ban hành và mang tính đối phó. Cụ thể như việc hồ sơ kỹ thuật thuốc vẫn được thuê viết trong khi việc này phải do nhà sản xuất thực hiện và tuân theo quy trình chặt chẽ. Do đó, đề nghị Cục Quản lý dược Bộ Y tế nhanh chóng rà soát lại các quy định cũng như quy trình trong việc cấp phép, khắc phục các lỗ hổng pháp lý để không còn tình trạng đã xảy ra như vụ án này.
Đề nghị điều tra vụ tiết lộ bí mật nhà nước
Tại phiên tòa, đại diện VKSND TP HCM nhận định trong quá trình điều tra, ông Ngô Nhật Phương (ngụ quận Tân Bình, TP HCM) đã trực tiếp giao nộp cho Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an 10 tài liệu, hồ sơ liên quan đến nội dung Công văn 77 của Bộ Y tế. Thời điểm đó, Công văn 77 chưa được Bộ Y tế giải mật và ông Phương có trình bày với cơ quan điều tra rằng những tài liệu này do quan hệ cá nhân mà có.
VKSND TP HCM nhận định ông Phương đã thừa nhận điều này tại tòa, sự việc có dấu hiệu lộ bí mật nhà nước vì để cho cá nhân không có thẩm quyền có được thông tin mật của Bộ Y tế. Đại diện VKS kiến nghị Bộ Công an điều tra các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định bảo vệ bí mật nhà nước liên quan đến tài liệu mật của Bộ Y tế trong vụ án này. HĐXX chuyển yêu cầu của VKS cho Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.
Trước thông tin này, ông Ngô Nhật Phương nói: "Tôi không dùng tài liệu nào của Bộ Y tế, tôi cũng không biết tất cả tài liệu đó có mật hay không. Những tài liệu đó tôi thu thập từ phía Ấn Độ, không có tài liệu nào đóng dấu mật, được công khai và hợp thức hóa có danh mục rõ ràng. Và cơ quan điều tra xin tài liệu và họ xin 3 tháng sau tôi mới cho. Tôi nói rất rõ rằng tôi không quan hệ với các bị cáo, kinh doanh phải có lương tâm vì đó là máu xương, là mạng sống của người khác nhất là có yếu tố ung thư. Hậu quả vụ án này quá nặng nề, tôi bảo vệ ở đây là bảo vệ sự thật. Tôi nghĩ rằng sự thật chỉ có một còn cách suy nghĩ của mỗi người mỗi khác; tôi lên tiếng là để bảo vệ quyền lợi của tôi".
Theo ông Ngô Nhật Phương, tài liệu ông có trước khi Bộ Y tế có, không hề liên quan đến Bộ Y tế và ông không hề biết công văn "mật" nào của Bộ Y tế. "Các tài liệu tôi có đã được công chứng tại Việt Nam, trong danh mục phân loại về tài liệu mật thì dạng tài liệu hợp pháp hóa dân sự và hành chính không thuộc tài liệu mật. Đối chiếu với các quy định, các văn bản pháp luật còn hiệu lực thì hoàn toàn không vi phạm" - ông Phương nói.
Hạnh Nguyên
Bình luận (0)