Ngày 9-1, TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị/Hội đồng Thành viên (HĐQT/HĐTV) Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) cùng 21 đồng phạm trong vụ án "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "Tham ô tài sản" xảy ra tại Tổng Công ty CP Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).
Đã xin Chính phủ?
Được HĐXX gọi lên để xét hỏi, bị cáo Đinh La Thăng khai ông giữ vai trò Chủ tịch HĐTV PVN từ tháng 2-2006, đến đầu tháng 8-2011. Tháng 6-2010, bị cáo có ký nghị quyết đồng ý về chủ trương giao cho PVC làm tổng thầu dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, sử dụng vốn của PVN tại PVPower và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện.
HĐXX hỏi: "Vì sao theo Nghị quyết 9396 của HĐTV đã nêu: PVC là tổng thầu liên danh nhưng tại Công văn 871, bị cáo lại chuyển đổi nội dung của nghị quyết đó sang chỉ có PVC được chỉ định làm tổng thầu?". Bị cáo Đinh La Thăng trả lời đây là dự án cấp bách, được Chính phủ chỉ đạo phải sớm triển khai thực hiện. Nếu triển khai như kế hoạch HĐTV PVN đã quyết định là thành lập tổng thầu liên danh thì các đơn vị gặp khó khăn, mất nhiều thời gian trong việc tìm đối tác. Trong khi nếu theo phương án tổng thầu trong nước và lựa chọn đối tác là nhà thầu nước ngoài sau thì sẽ rút ngắn được rất nhiều thời gian. "Do vậy, HĐTV Tập đoàn PVN đã đồng ý với phương án lựa chọn PVC làm tổng thầu. Bị cáo đã thay mặt HĐTV ký báo cáo gửi Chính phủ, xin phép giao PVC làm tổng thầu" - bị cáo Thăng nói.
Bị cáo Đinh La Thăng rời khỏi tòa chiều 9-1 Ảnh: HUY THANH
HĐXX tiếp tục hỏi: "Trước khi chọn PVC làm tổng thầu có kiểm tra năng lực tài chính không?". Bị cáo Thăng giải thích lý do chọn PVC làm tổng thầu là vì năm 2010 có lãi 1.000 tỉ đồng, đồng thời PVN cũng bán 40% cổ phần của PVC, thu được 2.500 tỉ đồng. Trước đó, PVC và Công ty CP Lilama từng liên danh trong một số dự án, thực hiện triển khai tốt, tiết kiệm được khoản tiền lớn vì hoàn thành trước tiến độ.
Tiếp tục trả lời câu hỏi của HĐXX: "Tại thời điểm đó, bị cáo có kiểm tra báo cáo tài chính của PVC để xem đơn vị này có đủ năng lực hay không?" - bị cáo Thăng nói: "HĐTV làm việc có bộ máy giúp việc, các phòng ban đều có báo cáo PVC đủ năng lực thực hiện. Căn cứ vào báo cáo của chủ đầu tư, HĐTV đã xem xét, giao cho giám đốc trực tiếp chỉ đạo".
Ngay sau câu trả lời này, HĐXX hỏi vặn: Ngày 24-2 bị cáo mới phê duyệt thiết kế điều chỉnh đầu tư, tại sao sau 4 ngày có thể khởi công xây dựng được khi hồ sơ còn thiếu? Bị cáo Thăng đáp: PVN triển khai một lúc hàng trăm công trình. Do vậy, PVN luôn chỉ đạo các đơn vị phải thực hiện đồng bộ các công việc, không chờ việc này xong mới làm việc khác.
Khi HĐXX hỏi về hợp đồng 33 chưa có đủ điều kiện nhưng bị cáo đã cho tạm ứng 10% giá trị hợp đồng, như vậy có đúng không, bị cáo Thăng quả quyết thời điểm đó bị cáo chưa biết gì về Hợp đồng số 33 cả.
Vi phạm do nóng vội
Được gọi lên đối chất, bị cáo Vũ Hồng Chương, nguyên Trưởng Ban Quản lý dự án Điện lực Dầu khí Thái Bình 2, khai tại cuộc họp ngày 31-3-2011 về tình hình triển khai dự án này, ông Đinh La Thăng có chỉ đạo Ban Quản lý dự án rà soát lại nội dung hợp đồng để ký hợp đồng điều chỉnh chủ thể. Cuộc họp ngày 1-6, ông Thăng yêu cầu hoàn thành sớm thiết kế tổng thể, đề nghị tạm ứng 10% giá trị hợp đồng. Bị cáo Chương còn cho biết lúc đó bị ông Đinh La Thăng gọi lên hỏi tại sao không chuyển tiền cho PVC thì bị cáo đã nói rõ Hợp đồng 33 không phù hợp với Nghị định số 48 của Chính phủ.
Tòa hỏi lời khai của bị cáo Chương có đúng như vậy không thì bị cáo Thăng trả lời ngắn gọn: "Bị cáo tôn trọng ý kiến của bị cáo Chương".
Dù vậy, bị cáo Thăng cho rằng PVC là đơn vị hạch toán độc lập, là công ty đại chúng niêm yết trên sàn chứng khoán, kết quả kiểm toán được niêm yết công khai, PVC lãi gần 1.000 tỉ đồng. Việc chỉ định PVC là tổng thầu là chủ trương đúng, có ý kiến chấp thuận của Chính phủ.
HĐXX tiếp tục hỏi: "Đến giờ bị cáo nhận thức quá trình chỉ đạo có sai phạm?". Bị cáo Thăng thành khẩn: "Suốt quá trình điều tra, bị cáo cũng nhận trách nhiệm trước cơ quan điều tra, trách nhiệm người đứng đầu. Đến nay, nhìn lại vụ án trong bối cảnh 10 năm về trước, bị cáo có nóng vội, có lúc quá quyết liệt dẫn đến nhiều lúc quyết định sai".
Bị cáo nguyên là lãnh đạo PVN còn bày tỏ sau 10 năm nhìn lại dự án, sau khi làm việc với cơ quan chức năng, bị cáo mới có đầy đủ các thông tin mà khi triển khai không nắm được. "Bản thân bị cáo cũng thấy có những việc do ép tiến độ mà anh em cấp dưới không đủ điều kiện để làm đã dẫn đến vi phạm" - ông Thăng phân trần.
Bị cáo Thăng giãi bày thêm: "Giữa quyết liệt, năng động, sáng tạo và vi phạm khuyết điểm là hết sức mong manh. Rất mong HĐXX xem xét trong bối cảnh 10 năm về trước, mô hình tập đoàn thí điểm giai đoạn đầu, tiến độ căng thẳng, hành lang pháp lý chưa hoàn thiện".
Trịnh Xuân Thanh phủ nhận nhận quà hối lộ
Tại phiên tòa, HĐXX thẩm vấn Trịnh Xuân Thanh về tình hình tài chính của PVC thời điểm năm 2009, lúc bị cáo làm chủ tịch HĐQT PVC.
Bị cáo Thanh thừa nhận khi đó PVC có lãi nhưng tiềm ẩn nguy cơ thua lỗ. Bị cáo Thanh còn cho biết đến năm 2011, mức vốn điều lệ của PVC khoảng 2.000 tỉ đồng, còn vốn đầu tư trên 3.000 tỉ đồng.
HĐXX hỏi vốn đầu tư vượt vốn điều lệ gần 1.000 tỉ đồng, với năng lực lúc đó, PVC thực hiện dự án Thái Bình 2 với vai trò tổng thầu như thế nào? Bị cáo Thanh trả lời PVC mất cân đối là do thiếu vốn, kế hoạch năm 2012 tăng vốn điều lệ để bù đắp. Tại thời điểm đó, nếu đơn vị xây lắp nhận được một dự án thì rất tốt, tạo công ăn việc làm cho cán bộ, nâng cao năng lực; thêm đó, có dự án sẽ có lợi nhuận. Càng khó khăn, càng có công việc thì đó là điều mừng.
Liên quan đến Hợp đồng số 33, HĐXX hỏi bị cáo đã chỉ đạo ký như thế nào, bị cáo Thanh trả lời: "Khi PVN chỉ định PVC thực hiện Dự án Thái Bình 2, PVC là đơn vị thi công nên rất mừng vì được chọn làm tổng thầu. PVC lúc đó cũng liên hệ với các nhà thầu nước ngoài. Bản thân bị cáo biết PVC lúc đó chưa đủ điều kiện nhưng thực tế lúc đó cả nước cũng chỉ có PVC và Lilama làm được…".
Liên quan đến cáo trạng cáo buộc nhận tiền hối lộ, bị cáo Trịnh Xuân Thanh đã phủ nhận. Cụ thể, cáo trạng cáo buộc Trịnh Xuân Thanh cần tiền tiêu Tết nên đã yêu cầu Nguyễn Anh Minh, nguyên Phó Tổng Giám đốc PVC, lo 5 tỉ đồng. Sau đó Nguyễn Anh Minh chỉ đạo Lương Văn Hòa, Giám đốc điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch, rút 13 tỉ từ dự án để chia nhau. Bị cáo Minh nhờ lái xe đưa đi rút tiền, sau đó nhờ tài xế này đưa 2 gói quà cho tài xế của ông Thanh. Bị cáo Thanh cho rằng không có yêu cầu bị cáo Minh đưa mình tiền để tiêu xài dịp Tết, đồng thời phủ nhận việc tài xế Toàn (tài xế của ông Thanh) nhận tiền từ tài xế của ông Minh. Khi HĐXX cho mời tài xế của bị cáo Minh (nhân chứng) lên đối chất, bị cáo Thanh vẫn một mực phủ nhận nhận tiền hối lộ.
Dự án cấp bách phải ép tiến độ
Trong phần xét hỏi của luật sư, trả lời câu hỏi của luật sư Phan Trung Hoài về việc dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 bị ép tiến độ như thế nào, bị cáo Đinh La Thăng Thăng đáp: "Dự án này rất cấp bách, Chính phủ yêu cầu khởi công trong quý I/2009, tập đoàn tổ chức triển khai theo yêu cầu, nên HĐTV ép tiến độ, các đơn vị chức năng thuộc PVN bám sát tiến độ triển khai nhanh nhất".
Bị cáo Thăng còn khẳng định dự án này nằm trong chiến lược phát triển PVN và chiến lược ngành điện Việt Nam. Do dự án quan trọng, cấp bách nên chủ đầu tư PVN cũng như tổng thầu PVC đã chỉ đạo quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ. Chính phủ cũng cho hưởng nhiều cơ chế đặc thù, như vừa thiết kế chi tiết vừa thực hiện chủ trương về đầu tư.
Bình luận (0)