Một số chỉ tiêu bảo đảm an ninh năng lượng đang biến động theo chiều hướng bất lợi khi trữ lượng và sản xuất than, dầu, khí tự nhiên ngày càng giảm. Từ năm 2015, Việt Nam đã trở thành nước nhập khẩu năng lượng. Tại diễn đàn "An ninh năng lượng cho phát triển bền vững" do Bộ Công Thương tổ chức ngày 22-12 ở Hà Nội, ông Nguyễn Đức Hiển - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương - đã cho biết như vậy.
An ninh năng lượng gặp nhiều thách thức
Theo bà Ngô Thúy Quỳnh, Phó Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than - Bộ Công Thương, nếu như năm 2016, sản lượng khai thác dầu thô đạt 15,2 triệu tấn từ nguồn trong nước thì năm 2020 đã giảm còn 9,43 triệu tấn. Do vậy, cần đẩy mạnh việc tìm kiếm, thăm dò để gia tăng trữ lượng và sản lượng khai thác dầu khí, đồng thời tiếp tục thu hút đầu tư trong lĩnh vực lọc - hóa dầu theo hướng chế biến sâu, nâng cao chất lượng sản phẩm xăng dầu.
Về hiện trạng ngành than, đại diện Vụ Dầu khí và Than cho biết Việt Nam đã giảm dần xuất khẩu than từ trên 18 triệu tấn năm 2010 xuống còn trên 1 triệu tấn năm 2015 và duy trì xuất khẩu khoảng 1-2 triệu tấn/năm. Tổng lượng than tiêu thụ cho sản xuất điện tăng mạnh đến 54 triệu tấn vào năm 2019. Bà Ngô Thúy Quỳnh cho rằng cần tập trung phát triển các mỏ sản lượng lớn theo tiêu chí "mỏ xanh, hiện đại, sản lượng cao", áp dụng công nghệ khai thác than hầm lò và nâng cao chất lượng sản phẩm than. Ngoài ra, cần thực hiện giá bán than theo cơ chế thị trường nhằm khuyến khích sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên than.
Băn khoăn về an ninh năng lượng, ông Nguyễn Văn Vy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, khẳng định tổng quy mô hệ thống dự trữ dầu thô và các sản phẩm xăng dầu của Việt Nam thấp hơn yêu cầu (tối thiểu 90 ngày nhập ròng). Các mỏ khí đang khai thác suy giảm, các mỏ khí mới chậm so với tiến độ yêu cầu.
Quá trình thực hiện mục tiêu bảo đảm năng lượng quốc gia cần hướng đến nguồn năng lượng sạch
Hướng đến năng lượng sạch
Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2030 là bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia. Vì vậy, theo ông Nguyễn Đức Hiển, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển thị trường năng lượng đồng bộ, liên thông giữa các phân ngành điện, than, dầu khí và năng lượng tái tạo, kết nối với thị trường khu vực và thế giới. Xóa bỏ mọi rào cản để bảo đảm giá năng lượng minh bạch do thị trường quyết định; công khai quy hoạch, danh mục các dự án đầu tư; thu hút, khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục điện lực và Năng lượng tái tạo - Bộ Công Thương, đề xuất sửa đổi Luật Điện lực để tạo điều kiện thu hút vốn đầu tư toàn xã hội, vận hành hệ thống tích hợp nguồn năng lượng tái tạo và phát triển thị trường điện. Xây dựng Luật Năng lượng tái tạo để tạo hành lang pháp lý vững chắc cho việc đầu tư, vận hành năng lượng tái tạo.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Vy đề xuất cần tăng cường sử dụng điện từ năng lượng tái tạo trong các lĩnh vực như vận tải, tòa nhà và công nghiệp. Điện sạch sẽ là nguồn năng lượng chính, kết hợp với công nghệ số giúp tận dụng tối đa lượng năng lượng tái tạo chi phí thấp ngày càng tăng; gia tăng nhanh việc sử dụng điện và sản xuất điện từ năng lượng tái tạo bằng cách phối hợp triển khai và sử dụng trong các lĩnh vực quan trọng.
Bình luận (0)