Ngày 24-2, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), lãnh đạo các tỉnh, thành khu vực Ðông Nam Bộ cùng đại diện các ban quản lý dự án đã tham gia cuộc họp trực tuyến với nội dung kết nối giao thông khu vực Ðông Nam Bộ, sân bay Long Thành. Cuộc họp do Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chủ trì.
Kiến nghị tháo hàng loạt điểm nghẽn
Là địa phương có nhiều dự án giao thông trọng điểm liên vùng đi qua, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP HCM, cho biết tuyến cao tốc TP HCM - Mộc Bài đã hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu. Vì vậy, TP kiến nghị Chính phủ sớm thông qua kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho TP HCM và nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư được ban hành, để UBND TP trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.
Đối với dự án mở rộng đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, trong đó xây dựng nút giao An Phú - điểm đầu của đường cao tốc, Sở GTVT TP kiến nghị Bộ Kế hoạch và Ðầu tư bố trí vốn ngân sách trung ương cho phần xây lắp của dự án khoảng 3.281 tỉ đồng trong giai đoạn 2021-2025 để triển khai. Riêng tuyến Vành đai 3 - dự án thành phần 1A đoạn đi qua TP HCM, do ngân sách TP chỉ cân đối cho công tác bồi thường giải phóng mặt (BTGPMB) bằng khoảng 148,9 tỉ đồng, Sở GTVT đề nghị Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (đơn vị quản lý các dự án) nghiên cứu, báo cáo Bộ GTVT chi phí phát sinh (2.050 tỉ đồng) để đẩy nhanh tiến độ; còn các đoạn 3 và 4, TP cũng kiến nghị Bộ GTVT sớm thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi để sớm triển khai khép kín Vành đai 3.
Tại cuộc họp, ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, cho rằng việc đầu tư mở rộng tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây rất cấp thiết, không chỉ tăng năng lực giao thông, giảm tải cho tuyến cao tốc này mà chuẩn bị sẵn sàng đón lượng khách lớn khi sân bay quốc tế Long Thành giai đoạn 1 đưa vào vận hành cuối năm 2025. Tuy nhiên, để dự án khả thi, ông Thi đề xuất cần phân kỳ đầu tư trước 24 km đường cao tốc kết nối TP HCM với sân bay quốc tế Long Thành (điểm đầu sau cầu Bà Dạt của nút giao An Phú đến điểm giao với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu). Quy mô đề xuất mở rộng lên 8 làn xe theo quy hoạch được duyệt, tổng kinh phí khoảng 9.977 tỉ đồng, còn mở rộng lên 10 làn xe thì kinh phí khoảng 14.000 tỉ đồng. Về nguồn vốn, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cũng đề xuất Bộ GTVT và Bộ Kế hoạch và Ðầu tư xem xét cân đối bố trí nguồn vốn trung hạn cho giai đoạn 2021-2025, trong đó ưu tiên sử dụng ngân sách nhà nước hoặc vốn ODA của JICA.
Ðối với tuyến Vành đai 3, Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận thông tin tuyến đường có tổng chiều dài 98,54 km nhưng hiện mới đưa vào sử dụng 16,3 km đoạn Mỹ Phước - Tân Vạn do tỉnh Bình Dương đầu tư. "Vừa qua, dự án thành phần 1A (điểm đầu giao với Tỉnh lộ 25B, điểm cuối giao với đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây) dài 8.75km, tổng mức đầu tư 5.330 tỉ đồng đã thu xếp nguồn vốn ODA của chính phủ Hàn Quốc, dự kiến khởi công quý III/2021. Tuy nhiên, để đầu tư khép kín các đoạn còn lại, tổng kinh phí lên đến 35.000 tỉ đồng nên rất cần Bộ GTVT, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư bố trí nguồn vốn trung hạn" - ông Trần Văn Thi kiến nghị.
Ðường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây sẽ quá tải khi sân bay Long Thành hoạt động, vì vậy việc mở rộng là cấp bách. Ảnh: TẤN THẠNH
Chậm ngày nào, thiệt ngày đó
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, khu vực Ðông Nam Bộ là vùng kinh tế phát triển năng động nhất của cả nước, đóng góp 45% GDP của cả nước, trong đó TP HCM chiếm 23% - 25%. "Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng giao thông chưa cân đối, vận tải tăng nhanh nhưng kết cấu hạ tầng khu vực Ðông Nam Bộ không theo kịp tạo ra nhiều điểm nghẽn. Do đó, cần triển khai sớm những công trình đột phá, không thể chậm trễ, càng chậm trễ thì khu vực phát triển càng chậm, ảnh hưởng thu ngân sách của cả nước" - ông Nguyễn Văn Thể nhìn nhận.
Ðể tháo điểm nghẽn, Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu các địa phương, các đơn vị quản lý phải tăng tốc hoàn thiện nghiên cứu, cơ sở pháp lý, đẩy nhanh BTGPMB để có cơ sở bố trí vốn triển khai sớm chùm công trình trọng điểm giai đoạn 2021-2025. "Trong đó, những trục xương sống được ưu tiên đầu tư là mở rộng đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, hoàn thiện đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, thực hiện đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và TP HCM - Mộc Bài, khép kín đường Vành đai 2 và Vành đai 3" - ông Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh. Ngoài ra, bộ trưởng cũng lưu ý nhóm dự án kết nối với sân bay quốc tế Long Thành chuẩn bị đưa vào khai thác giai đoạn 1 cuối năm 2025, trong đó tuyến đường sắt nhẹ Long Thành - Thủ Thiêm cần nghiên cứu triển khai sớm để kết nối hành khách từ TP HCM đến sân bay Long Thành, mở rộng tuyến Tỉnh lộ 25C đi qua TP HCM và Ðồng Nai… Kế đến, các địa phương gồm TP HCM, Ðồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Tây Ninh cần tăng tốc, rà soát quy hoạch giao thông của khu vực và địa phương, sắp xếp thứ tự ưu tiên từng lĩnh vực, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Ðồng thời, khi thực hiện thì lưu ý BTGPMB một lần cho toàn dự án, tránh ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Với mong muốn sớm triển khai cũng như sớm hoàn thiện các dự án kết nối trên ngay trong giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói nếu không chuẩn bị kịp trong nhiệm kỳ này thì phải mất thêm 5 năm nữa mới triển khai được, như vậy ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của khu vực Ðông Nam Bộ. "Chẳng hạn, tuyến Vành đai 3 chỉ cần đưa vào sử dụng sẽ thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư dọc tuyến; tương tự, đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây nếu mở rộng sẽ giảm ùn tắc trên Quốc lộ 51, lúc đó các nhà đầu tư mới mạnh dạn đến đây, thúc đẩy tăng trưởng GDP cho cả khu vực Ðông Nam Bộ" - ông Nguyễn Văn Thể dẫn chứng.
Từ những phân tích trên, Bộ trưởng Bộ GTVT mong Chính phủ có gói tín dụng cho ngành GTVT để thực hiện các công trình đột phá. "Chỉ cần Quốc hội đồng ý cho Bộ GTVT gói tín dụng bằng 2% GDP (khoảng 150.000 tỉ đồng) bên cạnh nguồn vốn được bố trí thì ngành GTVT sẽ đầu tư một số tuyến đường cao tốc trọng điểm, sau đó thu phí trả lại cho ngân sách" - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định.
Ðồng quan điểm, đại diện Vụ Kế hoạch và Ðầu tư - Bộ Tài chính cũng cho rằng cần thiết đầu tư các công trình trọng điểm kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt là khu vực Ðông Nam Bộ trong giai đoạn 2021-2025. "Ðể tính khả thi cao, giai đoạn 2021-2025, Bộ GTVT cần tính toán lựa chọn dự án ưu tiên trước, sớm xây dựng cơ chế hoàn vốn cho các đường cao tốc, tìm thêm các nguồn vốn đầu tư khác" - đại diện Bộ Tài chính nói.
Ðẩy nhanh giao đất dự án nhà ga T3
Ðại diện Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (đơn vị đầu tư nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất và Cảng Hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1) cho biết đơn vị này đang làm thủ tục chuyển giao đất với Bộ Quốc phòng cho dự án nhà ga T3. Tuy nhiên, quá trình thực hiện có một số điểm nghẽn cần sớm tháo gỡ.
Ðánh giá về việc chậm bàn giao mặt bằng nhà ga T3, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh nếu cần thiết thì Bộ GTVT sẽ đề xuất Chính phủ để cùng nhau tháo gỡ việc giao đất, đẩy nhanh tiến độ dự án.
Bà Rịa - Vũng Tàu thúc tiến độ 3 dự án sân bay
Ngày 24-2, ông Lê Ngọc Khánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết địa phương này đang gấp rút thúc tiến độ 3 dự án sân bay trên địa bàn.
Sân bay Cỏ Ống hiện hữu chỉ khai thác được máy bay loại nhỏ. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Theo ông Lê Ngọc Khánh, đối với dự án sân bay Cỏ Ống (huyện Côn Ðảo), tháng 11-2020, Bộ GTVT đã có văn bản chỉ đạo Cục Hàng không sớm hoàn thiện hồ sơ quy hoạch chi tiết trình bộ thẩm định, phê duyệt. Ðặc biệt, Bộ GTVT đã có văn bản gửi Bộ Quốc phòng xem xét việc điều chỉnh đất quốc phòng liên quan đến công tác quy hoạch Cảng Hàng không Côn Ðảo. Về dự án sân bay Hồ Tràm (huyện Ðất Ðỏ), vào tháng 10-2020, Bộ Quốc phòng đã ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch vị trí sân bay chuyên dùng Ðất Ðỏ. Hiện địa phương đang rà soát, điều chỉnh các quy hoạch có liên quan, bảo đảm việc sử dụng đất phù hợp quy hoạch để dự án được triển khai.
Với dự án sân bay Gò Găng (TP Vũng Tàu), hiện đã hoàn thành khảo sát địa chất, địa hình, thống nhất sơ bộ với Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam về nhu cầu sử dụng sân bay mới. "Dự kiến quý II/ 2023 khởi công và dự án sẽ hoàn thành vào khoảng quý III/2028" - lãnh đạo UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thông tin.
Ng.Giang
Bình luận (0)