Mới đây, trong cuộc họp giữa Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM và Sở GTVT tỉnh Long An, hai đơn vị đã thống nhất có 23 tuyến đường kết nối hai địa phương quan trọng cần được đầu tư. Trong đó, 7/23 tuyến đường được TP HCM và Long An đánh giá đặc biệt quan trọng, cần ưu tiên đầu tư kết nối giữa 2 địa phương nói riêng, giữa TP HCM với khu vực ĐBSCL nói chung.
Kéo dài đường huyết mạch
Trong 7 tuyến kể trên, đáng chú ý nhất là việc thống nhất nối dài đường Võ Văn Kiệt huyện Bình Chánh, TP HCM tới Khu Công nghiệp Hải Sơn - Tân Đô (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An). Đây là tuyến kết nối được đánh giá đặc biệt quan trọng bởi đường Võ Văn Kiệt hiện là một trong 4 trục đường chính tại TP HCM.
Đường Võ Văn Kiệt thuộc dự án đại lộ Đông - Tây của TP HCM, đưa vào khai thác năm 2009 và hiện là trục giao thông kết nối với tuyến Mai Chí Thọ qua ngã ba Cát Lái, hầm Thủ Thiêm, Quốc lộ 1, nút giao Tân Kiên... Tuyến đường đang đảm nhận vai trò lớn trong đáp ứng nhu cầu lưu thông từ nhiều cụm cảng tại TP theo hướng Đông Bắc - Tây Nam, không phải lưu thông qua khu trung tâm. Do đó, việc kéo dài kết nối với Long An, ngoài việc giảm tải áp lực cửa ngõ phía Tây TP HCM còn tăng hiệu quả khai thác trên con đường huyết mạch này, tạo liên kết chặt giữa hai địa phương và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Nói về dự án trên, ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP, cho hay đoạn nối dài đường Võ Văn Kiệt dự kiến nghiên cứu thực hiện với chiều dài khoảng 5 km. "Điều kiện thuận lợi là tuyến sẽ đi qua khu vực đất nông nghiệp tại huyện Bình Chánh, chưa đầu tư các công trình nên dễ hơn trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng. Trong khi phía Long An cũng đã có đường tại Khu Công nghiệp Hải Sơn - Tân Đô, sẵn sàng cho việc kết nối" - ông Bằng cho biết. Theo ông, tuyến đường khi kéo dài sẽ giảm tải cho trục Trần Văn Giàu - Tỉnh lộ 10, bởi đây là tuyến chính kết nối từ Bình Chánh qua Đức Hòa, với mật độ xe đông và khó mở rộng. Đồng thời, việc kéo dài tuyến đường này còn tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa từ các khu công nghiệp phía Long An tiếp cận tuyến Vành đai 3, cao tốc TP HCM - Trung Lương, các cụm cảng, công nghiệp... ở TP HCM.
Ngoài đề xuất kéo dài đường Võ Văn Kiệt, TP HCM và Long An cũng thống nhất cần nghiên cứu đường mở mới phía Tây Bắc, dài khoảng 19,8 km, điểm đầu tại Quốc lộ 1 (quận Bình Tân) và điểm cuối tại Vành đai 4, gần thị trấn Hậu Nghĩa (Long An). Tuyến đường này khi hình thành sẽ chia sẻ lượng xe trên Tỉnh lộ 9 và 10 hiện hữu, cải thiện giao thông và tạo tiền đề phát triển kinh tế. Đồng thời, 5 tuyến đường khác cùng các bên đánh giá cần tập trung là đường Nguyễn Văn Bứa từ TP HCM kết nối đường tỉnh 824 (huyện Đức Hòa); đường Lê Văn Lương, Long Hậu (huyện Nhà Bè) và Quốc lộ 50 cùng đường song song tuyến quốc lộ này đến huyện Cần Giuộc.
Dòng người “chôn chân” trên Quốc lộ 1, đoạn qua huyện Bình Chánh, TP HCM dịp lễ 30-4 vừa qua
Mở đường, mở thêm cơ hội
Ông Nguyễn Hữu Hậu, chủ một doanh nghiệp vận tải ở quận 8, TP HCM, bày tỏ đồng tình việc mở thêm các tuyến kết nối ở cửa ngõ phía Tây TP HCM bởi sẽ tạo điều kiện rất lớn cho việc trao đổi, lưu thông hàng hóa giữa hai địa phương. Chẳng hạn việc kết nối đường Võ Văn Kiệt hoặc đường Nguyễn Văn Bứa đến huyện Đức Hòa sẽ tạo điều kiện cho xe tải, xe container chở hàng có thể di chuyển nhanh hơn, không phải chạy đường vòng theo tuyến Quốc lộ 1 như hiện nay. "Mặt khác, việc kết nối Quốc lộ 50 từ Bình Chánh và tuyến Lê Văn Lương ở Nhà Bè với huyện Cần Giuộc cũng giúp việc vận chuyển các mặt hàng nông sản như thanh long, rau củ quả từ các tỉnh Tiền Giang, Long An qua TP HCM được thuận tiện, thời gian ngắn hơn" - ông Hậu tính toán...
Theo ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP HCM, việc đầu tư, cải tạo các tuyến đường hiện hữu và mở mới tạo kết nối tại khu vực kể trên là đặc biệt cần thiết. Dẫn chứng trên Quốc lộ 1, theo ông Quản đang quá tải nặng nề, đặc biệt từ cầu Bình Điền thuộc cửa ngõ phía Tây TP HCM kéo dài đến Long An. "Nhu cầu đi lại ngày càng lớn nhưng việc đầu tư cho hạ tầng tại khu vực này rất ít có chuyển biến nên thường những ngày cuối tuần hoặc dịp lễ, Tết, cảnh kẹt xe xảy ra liên tục và càng ngày càng trầm trọng hơn" - ông Quản nói. Ông cho rằng không chỉ hàng hóa bị nghẽn mà cửa ngõ phía Tây TP HCM kéo dài đến Long An cũng đang là nỗi ám ảnh của người đi xe máy, xe khách mỗi dịp lễ, Tết. "Việc kích hoạt những dự án trên là vô cùng quan trọng, bởi khi đường sá thuận lợi, thời gian di chuyển nhanh, đồng nghĩa chi phí vận tải cũng sẽ thấp và góp phần giảm chi phí xã hội" - ông Bùi Văn Quản nhận định.
Đồng tình, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn phân tích thêm một con đường được mở, không chỉ đơn thuần tăng sự kết nối mà còn kéo theo đời sống của người dân xung quanh tốt lên, tạo đà cho phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, ông Nam Sơn cho rằng thành phố đã có định hướng xây dựng các tiêu chí để đánh giá mức độ ưu tiên các dự án thì cũng cần phân biệt cấp độ ưu tiên giữa các nhóm dự án phục vụ cho thành phố và dự án kết nối vùng. Bởi như các dự án liên kết với các tỉnh, thành, có quy mô thường rất lớn, các bên cùng hưởng lợi nên cần có cơ chế phối hợp đồng bộ để bảo đảm tính hiệu quả sau này.
Tháo dần điểm nghẽn cửa ngõ Tây Bắc
Nhánh hầm thứ 2 dự án hầm chui An Sương vừa thông xe đã lập tức giảm tải áp lực kẹt xe và tai nạn ở cửa ngõ phía Tây Bắc. Ngoài công trình này, theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM, thành phố đang tiếp tục triển khai nhiều công trình khác để dần hoàn chỉnh hệ thống giao thông khu vực này. Trước mắt là các dự án cải tạo Quốc lộ 22, xây cầu vượt tại giao lộ Quốc lộ 22 - Nguyễn Ảnh Thủ, Quốc lộ 22 - Nguyễn Văn Bứa, đường song hành Phan Văn Hớn... Đặc biệt, tuyến cao tốc TP HCM - Mộc Bài, TP đang gấp rút triển khai, được xem là dự án mang tính "chiến lược" trong kết nối vùng.
Bình luận (0)