Trao đổi với báo chí, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP Hà Nội, ông Ngô Mạnh Tuấn, cho biết sở này đang phối hợp với các sở, ngành và chính quyền địa phương triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm thực hiện tốt công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn TP trong năm 2018.
Theo ông Tuấn, để bảo đảm chống ùn tắc, trong năm 2018, đơn vị này sẽ phối hợp, đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình giao thông trọng điểm, cấp bách. Trong đó, TP sẽ hoàn thành đường Vành đai 3 dưới thấp (đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long); đẩy nhanh tiến độ tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội, cầu vượt qua nút giao An Dương - Thanh Niên…
Bên cạnh đó, Sở GTVT TP Hà Nội sẽ tăng cường quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý giao thông, điều hành và tổ chức giao thông khoa học, hợp lý, không để xảy ra ùn tắc quá 30 phút. Cùng đó, Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai dịch vụ đỗ xe thông minh (I-parking) trên địa bàn 4 quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa.
Ùn tắc giao thông tại khu vực đường Tây Sơn (quận Đống Đa, TP Hà Nội)
Nhận xét về quyết tâm của Hà Nội trong việc xóa bỏ các điểm ùn tắc kéo dài quá 30 phút trên địa bàn TP, TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông, thẳng thắn: "Trong ngắn hạn, các cấp chính quyền TP Hà Nội không thể thực hiện được mục tiêu này, nếu không muốn nói là mơ hồ và thiếu thực tế. Lẽ ra, TP nên triển khai cách đây cả chục năm, giờ thì quá muộn".
Theo ông Thủy, muốn chống ùn tắc trong nội đô, Hà Nội cần phải có những giải pháp cụ thể cho từng tuyến đường, từng "điểm đen". "Nói phải đi đôi với làm bằng giải pháp cụ thể, chứ không phải cứ nói, cứ hứa rồi để đó, năm sau hay vài năm sau, lại vẫn tắc" - ông Thủy nhấn mạnh.
Về việc này, ông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, băn khoăn không rõ Sở GTVT căn cứ vào cơ sở nào, tính toán để ra quyết tâm xóa sổ các điểm ùn tắc quá 30 phút. Theo ông Liên, tại Hà Nội, rất nhiều điểm giao thông vào giờ cao điểm ùn tắc hàng giờ như: Xuân Thủy, Khâm Thiên, Lê Duẩn…
"Theo tôi, việc đưa ra quyết tâm như vậy là tốt nhưng thời điểm hiện tại, để thực hiện việc này rất khó. Hiện nay, ở Hà Nội phương tiện cá nhân ngày càng tăng nhưng hạ tầng thấp kém, chưa có bước đột phá thì việc giải quyết chống ùn tắc tối đa 30 phút là rất khó" - ông Liên phân tích.
Trong khi đó, ông Lê Đỗ Mười, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT, cho rằng việc này hoàn toàn khả thi. Bởi lẽ, Hà Nội đang tập trung mọi nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng và phân luồng giao thông cho phù hợp. "Đặc biệt, Hà Nội đã đầu tư về giao thông thông minh, trong đó tín hiệu giao thông đang làm. Ùn tắc đợt trước Tết Mậu Tuất vừa qua so với Tết năm ngoái đã giảm 30% -40%" - ông Mười giải thích.
Để hạn chế ùn tắc một cách bền vững trong tương lai, ông Mười cho rằng Hà Nội đã có bước đột phá khi HĐND TP thông qua đề án về tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn. Theo đó, đến năm 2030, TP sẽ thí điểm dừng khai thác xe máy trên một số khu vực. Qua đó, trọng tâm là đẩy mạnh phát triển loại hình vận tải công cộng như: xe buýt; tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông; tuyến đường sắt Nhổn - Hà Nội và nhiều tuyến xe buýt nhanh… Như vậy, trong tương lai, TP Hà Nội sẽ hạn chế ùn tắc giao thông tối thiểu.
Còn 37 điểm ùn tắc
Hà Nội hiện còn tới 37 điểm ùn tắc giao thông, như: phía Bắc cầu Chương Dương, đường Nghiêm Xuân Yêm - Nguyễn Hữu Thọ, đường Cổ Nhuế - Phạm Văn Đồng, nút giao Lê Văn Lương - Khuất Duy Tiến, khu vực đường Vành đai 3 trên cao xuống nút giao Pháp Vân - Giải Phóng, ngã tư Cầu Giấy (tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội)...
Bình luận (0)