Sáng 11-7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có buổi làm việc với cán bộ chủ chốt của Bộ Công Thương về tình hình thực hiện các nghị quyết của Đảng trong lĩnh vực công thương.
Tập trung giải quyết yếu kém
Báo cáo với Tổng Bí thư về phát triển năng lượng, ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương, đánh giá ngành điện đã có bước phát triển lớn, bảo đảm được nhu cầu của sản xuất lẫn tiêu dùng. Tuy nhiên, ông Vượng cũng tỏ ra lo ngại về khả năng cung ứng điện cho giai đoạn sau 2021. "Để bảo đảm phục vụ nền kinh tế tăng trưởng 7%/năm trong giai đoạn tới, dự tính công suất nguồn của hệ thống điện đến năm 2025 lên tới 96.000 MW, gấp đôi con số hiện nay. Trong khi đó, vài năm qua, hầu hết các dự án lớn đều chậm tiến độ, điển hình là hơn 10 dự án BOT do tư nhân đầu tư" - ông Vượng nêu thực trạng.
Đối với năng lượng xanh, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho rằng dù nhu cầu về nguồn năng lượng này được nói đến nhiều nhưng khả năng thanh toán, chi trả rất hạn chế, tạo ra sức ép lớn cho ngành điện. Còn nhiệt điện than thì lại không dễ dàng thực hiện bởi "đi đến đâu cũng nghe không được làm điện than". "Các dự án năng lượng hầu hết là quy mô lớn, thời gian thi công dài nhưng năng lực tài chính trong nước hạn chế. Trong bối cảnh hiện nay, rất cần một nghị quyết nêu lên định hướng lớn về phát triển năng lượng đến năm 2030" - ông Vượng nói.
Cùng chung tình trạng các dự án đầu tư bị lạnh nhạt, đại diện ngành hóa chất, ông Nguyễn Phú Cường, Chủ tịch Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), tâm tư: "Giờ nói đến hóa chất, nhiều địa phương không muốn nhận, giống như tình trạng của nhiệt điện than. Chúng tôi cam kết các dự án sẽ tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường và mong muốn địa phương, người dân có cách nhìn thiện cảm hơn".
Chia sẻ với khó khăn của ngành năng lượng, Trưởng Ban Kinh tế trung ương Nguyễn Văn Bình cho biết do nhu cầu phát triển năng lượng đến năm 2030 cần ít nhất từ 60-150 tỉ USD nên Bộ Công Thương cần có hướng mới trong phát triển ngành cũng như có chính sách thu hút tư nhân tham gia. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Công Thương tập trung tái cơ cấu và giải quyết những yếu kém của ngành, đẩy nhanh tiến độ các dự án điện và xây dựng chính sách để thu hút vốn đầu tư tư nhân.
Tổng Bí thư trao đổi với cán bộ lãnh đạo ngành công thương. Ảnh: NHẬT BẮC
Làm tốt công tác Đảng, công tác cán bộ
Báo cáo với Tổng Bí thư về công tác cán bộ, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết đối với các sai phạm trong công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ của Bộ Công Thương giai đoạn trước năm 2016 theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương và Thanh tra Bộ Nội vụ, Ban Cán sự Đảng đã yêu cầu các đơn vị liên quan nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ và xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan.
Để khắc phục sai sót của giai đoạn trước về tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, lãnh đạo ngành công thương khẳng định đã thực hiện nhiều công việc như: sửa đổi các quy chế, quy định về công tác cán bộ, đề cao trách nhiệm cá nhân ở tất cả các khâu, quy định về số lượng lãnh đạo cấp phòng…
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh ngành công thương có vị trí quan trọng khi đóng góp tới 70% ngân sách nhà nước và 80% GDP, song phải đối diện và xử lý "nhiều chuyện nội bộ đau đầu".
Điểm lại những vụ việc nổi cộm trong công tác cán bộ như cựu bộ trưởng, cựu thứ trưởng phải nhận hình thức kỷ luật chưa từng có trong tiền lệ, vụ việc của ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh…, Tổng Bí thư nói lãnh đạo Đảng nhìn nhận Bộ Công Thương đã trải qua nhiều khó khăn trong tổ chức cán bộ. Do đó, ngành công thương phải có ý chí, quyết tâm xốc lại đội ngũ, tạo khí thế mới để tiếp tục tiến lên.
Tổng Bí thư cũng cảnh báo Bộ Công Thương không nên thỏa mãn với thành quả khi khó khăn trước mắt còn nhiều, chỉ sơ sẩy một chút, sai một ly đi một dặm thì hậu quả sẽ khôn lường. Bộ Công Thương phải đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng thể chế, luật pháp, chính sách; công tác Đảng, cán bộ để tránh "chán Đảng, khô Đoàn, nhạt chính trị".
"Kinh nghiệm vừa qua, những vụ việc vi phạm dẫn tới tổn thất chính là do không nắm vững quy chế, thể chế, ký liều, ký ẩu; tin ở cấp dưới ký rồi giờ chịu hậu quả. Công tác tổ chức phải mạnh, đồng tâm nhất trí, con người phải ngay ngắn… Xây dựng Đảng là xây dựng con người, cơ chế chính sách…, nếu có cái này thì không sợ gì cả" - Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Ba đầu việc lớn cần làm
Tổng Bí thư cho rằng ngành công thương phải tự chủ và chủ động trong hội nhập quốc tế để không bị hòa tan. "Chúng ta cứ kêu gọi đầu tư FDI nhưng rồi vào nhiều quá mà không kiểm soát tốt, dẫn tới hệ lụy như những vụ tụ tập đông người vừa qua. Cứ kêu gọi đầu tư, nhiều dự án nhưng "tiêu hóa" không nổi sẽ dẫn đến hệ lụy rất lớn. Cần xem xét, rà soát lại" - Tổng Bí thư lưu ý.
Tổng Bí thư nhắc nhở Bộ Công Thương 3 đầu việc lớn cần làm: Một là, nắm thật chắc chủ trương của Đảng, nhà nước về phát triển ngành công thương. Hai là, nắm thật chắc về tình hình diễn biến thế giới để tham mưu cho Đảng và nhà nước. Ba là, hoàn thiện các cơ chế, chính sách của ngành.
Bình luận (0)