Trình bày báo cáo, ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, cho biết có ý kiến đề nghị quy định về cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong việc cung cấp, kế thừa kết quả kiểm toán, thanh tra. Bên cạnh đó, cần bổ sung quy định để giải quyết sự chồng chéo giữa thanh tra chuyên ngành của các bộ, ngành và KTNN. Đây là vấn đề trọng tâm khi sửa luật, bởi thực tế cho thấy việc chồng chéo giữa kiểm toán và thanh tra diễn ra khá phổ biến. Trong khi đó, dự thảo luật đang đề cập nội dung này một cách chung chung, chưa giải quyết được vấn đề thực tiễn đặt ra. "Dự thảo luật cần quy định rõ nguyên tắc phối hợp để tránh chồng chéo trong lập kế hoạch, đồng thời đưa ra các nguyên tắc, cách thức xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán" - ông Hải nói.
Nhìn nhận vấn đề chồng chéo giữa kiểm toán và thanh tra phải được giải quyết triệt để, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đặt vấn đề cơ quan nào sẽ đứng ra điều hòa, điều phối khi có sự chồng chéo này? Theo bà Phóng, khi có sự chồng chéo, thanh tra và kiểm toán đã ngồi lại với nhau nhưng chưa giải quyết được thì cơ quan làm nhiệm vụ "trọng tài" trong trường hợp này là UBTVQH.
Nêu ý kiến về nội dung quan trọng này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhắc lại kế hoạch kiểm toán hằng năm đều được Quốc hội thông qua, đây là cơ sở quan trọng để các bên đối chiếu, tránh các danh mục kiểm toán đã làm. "Khi lên kế hoạch, Tổng KTNN đã trao đổi với các cơ quan có liên quan, đặc biệt là Thanh tra Chính phủ" - bà Ngân nhấn mạnh. Sau thảo luận của các thành viên UBTVQH, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra sẽ tiếp thu theo hướng quy định rõ một cơ quan có thẩm quyền để giải quyết, điều phối nếu có sự chồng chéo giữa hoạt động thanh tra và kiểm toán.
KTNN được xử phạt hành chính
UBTVQH thống nhất bổ sung quyền ban hành văn bản pháp luật, xử phạt hành chính của KTNN. Tuy nhiên, thẩm quyền xử phạt hành chính được đưa vào dự thảo luật mang tính nguyên tắc, còn quy định cụ thể về mức xử phạt đến đâu, phạm vi như thế nào sẽ nằm trong các luật chuyên ngành khác. "Trên cơ sở đó, các luật chuyên ngành như Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật, Luật Xử lý vi phạm hành chính sẽ quy định chi tiết các nội dung liên quan" - Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói.
Bình luận (0)