* Phóng viên: Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết mới 1/3 số doanh nghiệp nhà nước (DNNN) nộp báo cáo nhưng đã phân loại được 72 dự án có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả với số vốn lên đến hơn 42.700 tỉ đồng. Ông bình luận gì về báo cáo này?
TS Nguyễn Đình Cung
- TS Nguyễn Đình Cung: Đây là một cách làm để nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN nhưng theo tôi, như thế mới chỉ là cách xử lý từ ngọn, chưa phải xử lý từ gốc. Ở vị thế chủ sở hữu, nhà nước có quyền bắt buộc DN phải hoàn thành nhiệm vụ chứ không phải cứ thua lỗ mới tập hợp. Đây mới là gốc vấn đề. Khu vực DNNN đã xảy ra những sai sót, thua lỗ rất lớn và không chỉ một lần mà nhiều lần, nhiều năm, tác hại ghê gớm, làm tụt tốc độ phát triển, hao mòn nguồn lực của nền kinh tế. Với thực trạng đó, phải rút ra những bài học lớn, xem xét lại vấn đề một cách căn bản hơn, cốt lõi hơn.
* Giải pháp xử lý từ gốc là gì, thưa ông?
- Tôi cho rằng cứ tập trung xử lý những dự án thua lỗ này thì biết bao giờ mới xong và cũng không thể xong được. Mà như thế thì tốn bao nhiêu sức lực từ cấp cao đến cấp thấp.
Đừng nhìn từng dự án mà phải nhìn từng tổng công ty, từng tập đoàn, từng DN. Với tư cách là chủ sở hữu, nhà đầu tư thực hiện đánh giá lại từng DN toàn diện trên tất cả các chỉ số cần nắm. Như thế sẽ thiết lập được "đường cơ sở" (base line) phản ánh các chỉ tiêu về thực trạng của DN. Dựa vào đó, giao nhiệm vụ cho từng DN cụ thể. Ví dụ, DN đang lỗ thì giao 1 năm sau phải có lãi, DN hoạt động hiệu quả thì phải có lãi cao hơn và đạt đến mức tương đương đối thủ cạnh tranh của khu vực chứ không phải so sánh với các DN trong nước. Chỉ tiêu giao cụ thể như thế, anh làm cách nào để hoàn thành thì chủ sở hữu không quan tâm. Nếu 6 tháng cảm nhận được lãnh đạo DN không có khả năng hoàn thành thì anh phải rời khỏi vị trí đó để thay thế người khác.
Cùng với đó, phải có cơ chế tuyển chọn lãnh đạo DNNN là những người quản lý kinh doanh, quản lý đầu tư chứ không phải người quản lý hành chính nhà nước. Như thế, tự nhiên buộc người lãnh đạo DN nghĩ đến việc huy động toàn lực, tìm cách thay đổi công nghệ, đổi mới... để từng đồng doanh thu, lợi nhuận tạo ra giảm bớt chi phí đi.
Phải đặt vấn đề theo hướng thị trường như thế và nhìn rộng lên, nguồn lực nhà nước tại DN chỗ này thua lỗ thì chỗ khác phải có lãi. Từ đó, tính phương án xử lý các dự án thua lỗ, nhìn toàn bộ khu vực DNNN đang nắm giữ khối tài sản khổng lồ để có cách tiếp cận nguồn lực, phát huy tính năng động sáng tạo, tìm kiếm những con người có trí tuệ, có khả năng sáng tạo và đẩy những người yếu kém ra. Quá trình cạnh tranh như thế sẽ là vòng xoáy mở ra chứ không phải xoay vào
Nhà máy Đạm Hà Bắc - một trong những dự án thua lỗ của ngành công thương.Ảnh: Phương Nhung
* Thưa ông, nếu không xử lý từng dự án thì vấn đề trách nhiệm cá nhân của người có trách nhiệm để xảy ra thua lỗ sẽ giải quyết như thế nào?
- Rất nhiều DN đang thua lỗ thì chấp nhận thua lỗ đấy và có giải pháp để vực DN phát triển lên chứ không phải đi kiểm tra, thanh tra soi sai phạm chỗ này chỗ kia. Đó là chuyện quá khứ, xử lý thì vẫn phải xử lý nhưng không phải cách làm để người ta sợ rồi không ai dám làm gì. Dự án đang thua lỗ thế này, cứ đào bới ra bao nhiêu sai phạm thì cuối cùng mọi người sẽ rơi vào xu hướng co lại ở thế thủ. Phải khích lệ, đặt mục tiêu, tạo động lực, lựa chọn những người phù hợp vào bộ máy. Ai không đủ năng lực thì loại ra luôn để đưa người khác vào chứ chờ kiểm điểm, kỷ luật mất thời gian.
* Trước đây đã có quy định lãnh đạo DNNN 2 năm không hoàn thành nhiệm vụ thì phải nghỉ việc. Nhưng quy định này cũng không đi vào cuộc sống. Theo ông, cần có giải pháp gì?
- Với những quy định như thế, khái niệm "không hiệu quả" nghĩa là gì? Không có "base line" thì kết luận không hiệu quả thế nào? Những quy định thế này không cụ thể, không thực hiện được. Cho họ thời gian 2 năm mới thay đổi là quá lâu. Chưa kể, đánh giá các tiêu chí hoạt động DN không khách quan thì người ta chỉ cần thay đổi sổ sách, sửa dấu chấm, dấu phẩy là lỗ thành lãi. Tôi đã không đồng ý với cách này rồi.
Phải so với đối thủ tầm khu vực
Ở góc độ là thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, khi đánh giá về các DN trong việc thực hiện những nhiệm vụ Thủ tướng giao, TS Nguyễn Đình Cung cho biết ông mới chỉ tham gia kiểm tra ở 1 DN. Qua đó, ông muốn nhìn mức độ hiệu quả của họ thế nào nhưng thực chất, DN chỉ báo cáo đã làm được việc A, việc B... Kết quả hoạt động của DN không phải là so sánh hôm nay với hôm qua thế nào, năm nay tiến bộ ra sao mà phải so với đối thủ ở tầm khu vực. "Nhưng tôi chưa nhìn thấy bóng dáng, tầm vóc của DN như thế" - TS Nguyễn Đình Cung băn khoăn.
Bình luận (0)