Luật An ninh mạng (ANM) với 7 chương, 43 điều được Quốc hội thông qua ngày 12-6-2018 tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2019.
Mạng ảo - tội thật
Luật ANM nghiêm cấm các hành vi xuyên tạc, chống phá nhà nước, gồm: sử dụng không gian mạng tổ chức, lôi kéo, xúi giục, đào tạo, huấn luyện người chống nhà nước; xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc; phát tán thông tin gây hại cho tổ chức, cá nhân gồm thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.
Mọi hành vi vi phạm trên không gian mạng sẽ bị xử lý nghiêm khắc
Nghiêm cấm hành vi thông tin trên không gian mạng có nội dung làm nhục, vu khống, giả mạo; các hành vi xâm phạm trật tự an toàn xã hội như sử dụng không gian mạng để hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng; xúi giục, lôi kéo, kích động và hướng dẫn người khác phạm tội; thực hiện tấn công mạng, gián điệp mạng, khủng bố mạng; sản xuất, sử dụng công cụ, phương tiện, phần mềm hoặc có hành vi cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng viễn thông, mạng internet...
Trao đổi với báo chí, một thành viên ban soạn thảo Luật ANM cho rằng khi chính thức có hiệu lực Luật ANM có 3 nội dung nổi bật, đáng lưu ý như quy định bảo vệ ANM đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia. Đây là những mục tiêu quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia và không gian mạng nên phải được bảo vệ bằng các biện pháp chuyên biệt, tương xứng với vị trí, vai trò của những hệ thống thông tin này.
"Luật ANM quy định xử lý hành vi sử dụng không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Những quy định này vừa bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; đồng thời cũng là cơ sở pháp lý quan trọng, nền tảng để cơ quan chức năng có thể tiến hành các hoạt động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, điều tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật diễn ra trên không gian mạng" - thành viên ban soạn thảo nêu.
Không lộ thông tin của công dân
Bộ Công an khẳng định, công tác quản lý nhà nước về an ninh thông tin, ANM tại các bộ, ban, ngành, địa phương còn tồn tại những bất cập, hạn chế, thiếu đồng bộ do chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào điều chỉnh vấn đề này cho đến khi Luật ANM được ban hành. Do vậy, việc ban hành Luật ANM là rất cần thiết để đáp ứng yêu cầu cấp thiết về bảo vệ ANM trong tình hình hiện nay.
Luật ANM được ban hành không kiểm soát và làm lộ thông tin của công dân. Chỉ khi phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về ANM, Luật ANM mới yêu cầu doanh nghiệp cung cấp thông tin cá nhân có liên quan tới hành vi vi phạm pháp luật đó.
Theo Bộ Công an, Luật ANM không cấm người dân truy cập Facebook, Google, YouTube... và Luật ANM quy định các biện pháp bảo vệ cho người dân khi tham gia hoạt động trên các trang mạng xã hội. Tuy nhiên, người nào sử dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật đều bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Không ảnh hưởng quyền tự do ngôn luận
Ông Hoàng Phước Thuận, Cục trưởng Cục ANM, cho rằng Luật ANM không ảnh hưởng đến quyền tự do ngôn luận. Người dân có thể thoải mái sử dụng mạng để hoạt động với điều kiện không vi phạm pháp luật. Trong 29 nội dung Bộ Luật Hình sự đã cấm thì không gian ảo cũng phải cấm vì không thể nào đe dọa giết người trên mạng lại được tự do, trong khi đó đe dọa giết người ở đời thực thì bị bắt; kích động biểu tình, mang bom xăng và gậy gộc, ngoài đời thì bị xử lý còn trên mạng thì không...
Bình luận (0)