Tại hội thảo góp ý kiến xây dựng "Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội (MXH) cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng MXH, hướng tới xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn tại Việt Nam" do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) tổ chức mới đây, nhiều ý kiến băn khoăn về việc bộ quy tắc này đưa ra quy định công chức, viên chức, người lao động (CC-VC-NLĐ) trong cơ quan nhà nước phải công khai sự xuất hiện trên MXH bằng cách sử dụng họ tên và hình ảnh thật của cá nhân, công khai cơ quan đang công tác.
Phải công khai danh tính
Tại Việt Nam, Bộ TT-TT đã cấp giấy phép hoạt động cho 436 MXH như: Facebook, YouTube, Facebook Messenger, Zalo, Google+, Mocha... Facebook hiện có khoảng 55 triệu thành viên, chiếm 57% dân số và Việt Nam xếp thứ 7/10 quốc gia có số người sử dụng Facebook nhiều nhất thế giới.
Theo khảo sát của chương trình Nghiên cứu internet và xã hội (VPIS), các trường hợp phát ngôn gây thù ghét của người sử dụng MXH tại Việt Nam thể hiện tập trung: nói xấu, phỉ báng (61,7%); vu khống, bịa đặt thông tin (46,6%); kỳ thị dân tộc (37,01%); kỳ thị giới tính (29,03%); kỳ thị khuyết tật (21,76%); kỳ thị tôn giáo (15,09%). "Những nguồn năng lượng xấu này đang dần che mờ những mặt tích cực do internet và MXH mang lại" - báo cáo nghiên cứu đánh giá. Nguyên nhân là do nhận thức của người dùng cho rằng MXH là môi trường ảo nên có thể tự do phát ngôn mà không phải chịu trách nhiệm. Ngoài ra, việc theo dõi, xử lý các thông tin vi phạm còn gặp khó khăn.
Thừa nhận mặt trái của MXH không thể bỏ mà chỉ hạn chế nó nhưng ông Đỗ Quý Vũ, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược TT-TT (Bộ TT-TT), cho rằng các ứng xử trên MXH cần được điều tiết như ứng xử ở xã hội thực tại và phải dùng những hình thức chế tài, áp dụng những chuẩn mực như ở xã hội thật.
Ông Vũ cho biết trong dự thảo bộ quy tắc này có những quy tắc mà nhà cung cấp dịch vụ, người dùng phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, chịu trách nhiệm về các hành vi vi phạm. Bộ quy tắc đưa ra 4 quy tắc chung: tôn trọng, trách nhiệm, lành mạnh và an toàn. Ngoài ra, còn có các quy tắc riêng đối với các nhà cung cấp dịch vụ và người dùng phải tuân thủ, theo các mức độ: nên/không nên; được/không được; phải/không được. Ví dụ, người dùng MXH là CC-VC-NLĐ trong cơ quan nhà nước không được ứng xử trên MXH trái với các chuẩn mực về đạo đức công vụ và đạo đức nghề nghiệp; ứng xử thuận chiều với các thông tin xấu, độc, tin đồn gây ảnh hưởng tiêu cực trên MXH. Hay CC-VC-NLĐ trong cơ quan nhà nước sử dụng MXH phải công khai sự xuất hiện bằng cách sử dụng họ tên và hình ảnh thật của cá nhân, cơ quan công tác. Với người dân sử dụng MXH, bộ quy tắc chỉ yêu cầu tiêu chí "nên", như: nên lên tiếng ủng hộ, chia sẻ những thông tin tích cực; dùng MXH có văn hóa; không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực.
Tuy nhiên, để thực thi hiệu quả thì bộ quy tắc cần được cụ thể hóa. "Bộ quy tắc không có chế tài xử lý mà là chuẩn mực xã hội, mang tính khuyến cáo. Từ bộ quy tắc ứng xử chung, từng cơ quan, tổ chức cần ban hành những quy định phù hợp với đặc thù của đơn vị mình với đối tượng cụ thể, đó chính là cách thâm nhập thực tiễn tốt nhất. Muốn làm được điều đó, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải nhận thức tầm quan trọng của MXH, có trách nhiệm xây dựng văn hóa ứng xử trên MXH, coi đây là một nội dung trong quản lý hành vi con người, quản trị nhân sự" - ông Vũ cho hay.
Nhiều ý kiến cho rằng quy định “CC-VC-NLĐ trong cơ quan nhà nước dùng MXH phải công khai danh tính” là không cần thiết Ảnh: Hoàng Triều
Không cần thiết?
Theo TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển xã hội, công chức hay người dân bình thường khi tham gia MXH đều phải chịu trách nhiệm cá nhân với ứng xử trên MXH. Nếu ai phát ngôn thô tục sẽ bị cộng đồng mạng phản ứng; đưa thông tin nội bộ của cơ quan, bí mật công việc thì sẽ bị xử lý theo Luật Cán bộ - công chức, Luật Viên chức hay các quy định của cơ quan... Đưa thông tin kích động, phản động sẽ bị xử lý theo pháp luật. "Do đó không nên và không cần thiết đưa thêm ra nhiều quy định" - bà Hồng nói.
TS Hồng khẳng định bộ quy tắc là văn bản dưới luật, nghị định, không có tính ràng buộc pháp lý. Từng hành vi như phát tán tài liệu xấu, chống đối chế độ hay phát tán tài liệu nội bộ cơ quan đều đã có điều khoản xử phạt cụ thể trong các luật khác. "Bộ quy tắc không đưa ra các chế tài xử lý cụ thể thì sẽ thực hiện thế nào? Nếu công chức không đưa ảnh, tên thật hay cơ quan công tác thì ai xử phạt, mức phạt ra sao?" - TS Hồng nói và cho rằng nên xem lại sự cần thiết của bộ quy tắc, thay vào đó có thể bổ sung các quy định trong các luật quản lý chuyên ngành khác.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho biết khoản 3 điều 26 Luật An ninh mạng (có hiệu lực từ ngày 1-1-2019) quy định: Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên MXH nói chung có hoạt động thu thập, khai thác, phân tích, xử lý dữ liệu về thông tin cá nhân, dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ, dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra, phải lưu trữ dữ liệu này. Tại khoản 1 điều 24, dự thảo nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng cũng nêu: Dữ liệu về thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam gồm: Họ tên, ngày tháng năm sinh, nơi sinh, quốc tịch, nghề nghiệp, chức danh, nơi cư trú, địa chỉ liên hệ, địa chỉ thư điện tử, số điện thoại, số CMND, mã số định danh cá nhân, số căn cước công dân, số hộ chiếu, số thẻ bảo hiểm xã hội, số thẻ tín dụng, tình trạng sức khỏe, hồ sơ y tế, sinh trắc học.
"Như vậy, người sử dụng dịch vụ MXH sẽ bị điều chỉnh theo quy định nêu trên. Luật An ninh mạng là cơ sở pháp lý để bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng cùng với trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan" - luật sư Thơm cho biết.
Về quy định với CC-VC trong dự thảo đề án bộ quy tắc ứng xử, luật sư Thơm nhấn mạnh trước hết họ là công dân và khi tham gia MXH thì phải tuân theo Luật An ninh mạng. Ngoài ra, họ còn bị điều chỉnh bởi Luật Cán bộ - công chức, Luật Viên chức. "Việc bộ quy tắc đặt thêm các quy định để điều chỉnh hành vi của họ là không cần thiết và vượt quá thẩm quyền theo pháp luật. CC-VC vi phạm sẽ bị chế tài tương ứng theo các quy định, không cần bộ quy tắc phải điều chỉnh" - luật sư Thơm nói.
Bộ quy tắc này không phải là một văn bản pháp quy do cơ quan nhà nước ban hành mà được xây dựng nhằm phát huy những mặt tích cực, hạn chế thấp nhất tác động tiêu cực của MXH, nâng cao chuẩn mực đạo đức của người dùng” - ông Đỗ Quý Vũ chia sẻ.
TS Đặng Hoàng Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng:
Khó cấm dùng nickname ẩn danh
Việc quy định "CC-VC-NLĐ trong cơ quan nhà nước dùng MXH phải công khai sự xuất hiện bằng cách sử dụng họ tên và hình ảnh thật của cá nhân, cơ quan công tác", trong một số trường hợp có thể ảnh hưởng tự do cá nhân của mỗi người. Tại sao nghệ sĩ có thể dùng nghệ danh, nhà văn, nhà báo dùng bút danh, còn tham gia MXH thì phải công khai danh tính? Chúng ta phải hướng đến môi trường MXH trong sạch nhưng xây dựng các quy định và biện pháp chế tài điều chỉnh thì phải bằng văn bản quy phạm pháp luật trên tinh thần thượng tôn pháp luật.
Để tạo ra môi trường mạng trong sạch, văn minh thì cần phải có sự phản kháng, tự vệ của xã hội. Cũng như muốn khước từ bạo lực, du côn, hướng tới những hành vi lịch sự, văn minh thì phải giáo dục tư cách ấy ở nhà trường, gia đình.
PGS-TS Trịnh Hòa Bình, chuyên gia xã hội học:
Đã được điều chỉnh trong luật
Bộ quy tắc chỉ đưa ra những điều không được làm, không nên đưa ra yêu cầu "phải làm", bởi những điều "phải làm" đã có trong quy chế tuyển dụng cán bộ, viên chức. Những người làm việc trong hệ thống nhà nước phải đáp ứng những tiêu chí riêng khi vào cơ quan, vào ngành nhưng trên MXH đều bình đẳng và chịu trách nhiệm cá nhân với những phát ngôn, ứng xử của mình. Còn việc công chức được nói gì, không được nói gì thì nên cập nhật, quy định thêm trong Luật Cán bộ - công chức; Luật Viên chức.
Chị Hoàng Thị Thu Vân (Thái Bình):
Hiệu quả sẽ không cao
Bộ quy tắc không phải là văn bản quy phạm pháp luật, chỉ mang tính khuyến khích hoặc khuyến cáo, vì vậy hiệu lực thực thi sẽ rất thấp. Ngoài ra, có một số ngành nghề đặc thù họ còn khuyến cáo nhân viên không khai báo cơ quan công tác, họ tên... nên quy định dùng tên thật trên MXH là khó khả thi. Do vậy, những gì đã có quy định tại các luật, nghị định, thông tư hoặc các quy định chuyên ngành rồi thì không cần thiết phải ban hành bộ quy tắc này.
Bình luận (0)