xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Xúc động những tà áo dài gìn giữ hòa bình ở Châu Phi

Dương Ngọc

(NLĐO)- Ở cách xa Tổ quốc hơn 10 ngàn cây số, còn gì xúc động hơn khi gặp một tà áo dài thân thương, nhất là khi đó lại là của một nữ quân nhân đang làm nhiệm vụ kiến tạo hòa bình trong lực lượng mũ nồi xanh của Liên Hiệp Quốc ở Nam Sudan, một quốc gia còn nhiều bất ổn và xung đột.


Xúc động những tà áo dài gìn giữ hòa bình ở Châu Phi - Ảnh 1.

Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 báo công dâng Bác ngày 17-11-2019 trước khi lên đường gìn giữ hòa bình LHQ - Ảnh: Ngô Nhung

Cao hơn tỷ lệ khuyến khích do LHQ đưa ra

Trong số 14.000 quân nhân, sĩ quan cảnh sát, nhân viên của lực lượng mũ nồi xanh gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc (LHQ) tại Nam Sudan (châu Phi) có những quân nhân Việt Nam. Trong số hơn 60 lá cờ vì sự nghiệp kiến tạo hòa bình ở đất nước xa xôi có lá cờ đỏ sao vàng.

Đến nay, sau 5 năm, Việt Nam đã triển khai hàng trăm quân nhân tham gia gìn giữ hòa bình LHQ, trong đó có 43 lượt sĩ quan đi làm nhiệm vụ trên cương vị cá nhân và 126 sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc biên chế của của hai Bệnh viện dã chiến cấp 2 ở Phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ tại Bentiu, Nam Sudan.

Xúc động những tà áo dài gìn giữ hòa bình ở Châu Phi - Ảnh 2.

Các chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam chụp ảnh cùng bạn bè quốc tế đón Tết Nguyên đán cổ truyền - Ảnh: Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 cung cấp

Trong đó, đáng chú ý, thực hiện Nghị quyết của LHQ về Phụ nữ, hòa bình và an ninh, trong 5 năm qua, Việt Nam đã cử 3 sĩ quan nữ tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình theo hình thức cá nhân và 20 nữ quân nhân trong đội hình Bệnh viện dã chiến cấp 2, cao hơn tỷ lệ khuyến khích 15% do LHQ đưa ra, được LHQ hết sức ghi nhận. Các nữ quân nhân đều đã và đang hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trong đó, Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga, nữ sĩ quan đầu tiên của Việt Nam tham gia lực lượng mũ nồi xanh, được LHQ đánh giá là hoàn thành đặc biệt xuất sắc nhiệm vụ (danh hiệu này chỉ trao cho 2% cá nhân trong lực lượng mũ nồi xanh). Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 vừa hoàn thành sứ mệnh sau 14 tháng, đã thu dung, điều trị cho hơn 2.200 bệnh nhân - con số nhiều hơn gấp 10 lần bệnh viện khác.

Đại úy Nguyễn Thị Thu Ngân là thành viên Khoa Khám bệnh thuộc Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 vừa hoàn thành nhiệm vụ tại Bentiu (Nam Sudan) trở về nước cuối năm 2019. Chị chia sẻ mỗi ngày tại phái bộ đều là một ngày đáng nhớ nhất và có nhiều kỷ niệm. Thời gian đầu phải thích nghi với việc thay đổi môi trường sống, điều kiện khí hậu khắc nghiệt, cơ sở vật chất chưa đủ, phải khám, chữa bệnh trong lều bạt, nhưng cán bộ, bác sĩ, nhân viên bệnh viện đã nỗ lực đoàn kết vượt qua khó khăn. Dịp Tết Nguyên đán 2019 là Tết đầu tiên Đại úy Ngân và nhiều đồng nghiệp không có gia đình bên cạnh, nhưng mọi người đã cùng cố gắng vượt qua chung tay tổ chức lễ tất niên, cùng đón Tết đơn giản, ấm cúng.

Lý giải về việc những chiến sĩ quân y mũ nồi xanh Việt Nam có số ca điều trị lớn gấp 10 lần bình thường, bác sĩ Ngân chi sẻ với việc mở rộng phạm vi cứu chữa cho bệnh nhân ngoài phạm vi LHQ yêu cầu, khám, chữa cho người dân, cùng với sự chuyên nghiệp và thái độ làm việc nhiệt tình, Bệnh viện dã chiến cấp 2 Việt Nam đã nhận được sự tin tưởng, đánh giá cao trình độ chuyên môn từ các nhân viên LHQ, các đơn vị bạn và người dân nước sở tại

Kể về những ngày ở đất nước châu Phi xa xôi, bác sĩ Ngân không nói gì nhiều về mình, điều chị nhớ nhất là những ca bệnh mà chị và các đồng đội đã cùng nhau nỗ lực cứu chữa. Đó là một sĩ quan thuộc tiểu đoàn bộ binh Mông Cổ nhập viện với tình trạng trong tình trạng đau bụng dữ dội, xoắn vặn liên tục, được chẩn đoán xoắn ruột hoại tử, tình trạng cấp tính, nếu không xử lý kịp sẽ đe dọa đến tính mạng bệnh nhân. Ngay thời điểm đó, tất cả các bác sĩ của bệnh viện đã cùng nhau đưa ra chẩn đoán chính xác, cấp cứu kịp thời, điều trị cho bệnh nhân ổn định, sau đó đã chuyển lên tuyến trên an toàn. Đó là ca cấp cứu cho một bệnh nhân mang thai bị chảy máu cấp tính, là vợ của một sĩ quan trong phái bộ…

Những tà áo dài, áo bà ba ở châu Phi

Ngoài việc tích cực khám chữa bệnh, các nữ chiến sĩ quân y mũ nồi xanh Việt Nam còn thể hiện hình ảnh người phụ nữ Việt Nam, phụ nữ quân đội thời đại mới "tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang". Thiếu tướng Nguyễn Viết Lượng, Chính ủy Học viện Quân y-đơn vị chủ trì tổ chức thành lập và huấn luyện Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2, chia sẻ những cảm nhận của mình trong lần công tác tới Nam Sudan mới đây: Tới đất nước nghèo khó, bất ổn vì chiến tranh-nơi "súng nhiều hơn gạo" mới thấy giá trị của hòa bình, được sống trong môi trường hòa bình, ổn định như ở Việt Nam. Chính sách bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng biện pháp hòa bình của chúng ta là vô cùng đúng đắn. "Các cán bộ, nhân viên bệnh viện dã chiến không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ khám, chữa bệnh mà còn chia sẻ hình ảnh của Việt Nam. Hình ảnh những nữ bác sĩ quân y trong bộ áo dài khiến chúng tôi rất xúc động. Thông qua hoạt động gìn giữ hòa bình, chúng ta đã quảng bá được hình ảnh Việt Nam, quân đội Việt Nam phụ nữ Việt Nam với bạn bè quốc tế"- thiếu tướng Nguyễn Viết Lượng xúc động nói.

Xúc động những tà áo dài gìn giữ hòa bình ở Châu Phi - Ảnh 3.

Màn trình diễn thời trang áo bà ba - Ảnh: Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 cung cấp

Những tà áo dài, những tà áo bà ba đã được các nữ bác sĩ quân y Việt Nam mang tới đất nước châu Phi xa xôi, được bạn bè quốc tế yêu mến trong những dịp giao lưu, đặc biệt là nhân ngày Tết cổ truyền Việt Nam. Đúng thời khắc giao thừa năm Canh Tý, Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 2 của Việt Nam tại Bentiu đã trở thành nơi xum họp đón Tết của những chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam đang làm nhiệm vụ tại Phái bộ Gìn giữ hoà bình LHQ ở CH Nam Sudan với sự tham dự của đông đảo bạn bè quốc tế. Từ cách xa Tổ quốc hơn 10 ngàn cây số, họ cùng hát vang Quốc ca vào đúng giờ phút giao thừa ở quê nhà, cùng bạn bè quốc tế cùng đứng dậy hô vang "Chúc mừng năm mới!" và bắt tay nhau chúc một năm mới tốt lành, mời các bạn những các món ăn của Việt Nam, đặc biệt là bánh chưng, nem rán…

Tết năm nay, Thiếu tá Quân nhân chuyên nghiệp Tạ Thị Kiều Hoa của bệnh viện dã chiến không được vào bếp để nấu những món ăn ngon cho gia đình, chồng con. Tuy nhiên, chị vẫn yên lòng vì ở Việt Nam , anh Huy chồng chị và hai con đã tự chăm sóc nhau khi mẹ vắng nhà với sự giúp đỡ của nội ngoại hai bên để chị có thể yên tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ. "Mong anh giữ gìn sức khỏe để đảm đương công việc của một người chồng, đồng thời là người mẹ chăm sóc hai con. Mong các con ngoan ngoãn, nghe lời bố, giúp bố, công việc học tập tự giác để mẹ yên tâm công tác, hoàn thành nhiệm vụ. Năm nay em không về ăn tết với gia đình song sẽ nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ Đảng, Nhà nước, Quân đội giao cho để tết đến xuân về năm tới sẽ là một cái tết đoàn viên"- chị Hoa chia sẻ.

Còn Đại úy Lê Thị Hồng Vân đã cùng chồng là Trung úy Lê Hồng Thanh tham gia trong đội hình Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2. Bé Bún (tên gọi ở nhà), cô con gái nhỏ chưa đầy 3 tuổi của vợ chồng chị đang được bà nội chăm sóc. Bé chưa đủ lớn để hiểu hết ý nghĩa công việc mà bố mẹ đang làm, nhưng rất ngoan và nghe lời bà nội. Bác sĩ Vân chia sẻ: "Sự động viên, quan tâm chia sẻ của cơ quan, đơn vị chính là động lực lớn giúp vợ chồng tôi quyết định lựa chọn cùng tham gia nhiệm vụ. Chúng tôi chỉ mong con khỏe, bố mẹ khỏe, chăm sóc cho cháu. Đoàn thể cơ quan luôn quan tâm nên khi đơn vị cần, mình phải cố gắng vượt qua nỗi nhớ con, nhớ nhà.".

Xúc động những tà áo dài gìn giữ hòa bình ở Châu Phi - Ảnh 4.

Đại úy Lê Thị Hồng Vân và bé Bún tại sân bay Nội Bài ngày chị lên đường làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình LHQ - Ảnh: Ngô Nhung

Thêm nhiều nữ quân nhân Việt Nam mang mũ nồi xanh

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Quốc phòng trên cơ sở thông báo của LHQ liên quan đến khả năng xem xét lựa chọn quốc gia triển khai Đội công binh tại Nam Sudan, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Công binh, Cục Quân lực, Bộ Tổng Tham mưu xây dựng biểu biên chế tổ chức của Đội công binh tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ. Dự kiến, biên chế Đội công binh sẽ gồm 319 người, trong đó có 34 sĩ quan và 256 quân nhân chuyên nghiệp (chính thức: 290; dự bị: 19), 41 nữ quân nhân (chính thức: 38; dự bị: 3).

Bên cạnh đó, ngay khi 63 thành viên của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 lên đường làm nhiệm vụ, cũng là lúc Bộ Quốc phòng ban hành quyết định thành lập bệnh viện kế tiếp, đến nay, cơ bản nhân sự cho Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 đã được đã được các cơ quan, đơn vị hoàn thành công tác tuyển chọn và khám sức khỏe cơ bản. Trong đó, các cơ quan có thành phần tham gia Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 bao gồm Bệnh viện quân y 175, Quân khu 5, Quân khu 7, Quân khu 9, Quân đoàn 4, Quân chủng Phòng không - Không quân, Bệnh viện quân y 108, Cục Quân Y và Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo