Để đạt được mục tiêu này, ngành du lịch cần một kế hoạch xúc tiến du lịch bài bản, chuyên nghiệp, đồng bộ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy công tác xúc tiến du lịch còn nhiều hạn chế.
Thiếu tiền, yếu đủ thứ
Tại hội thảo Xu hướng phát triển và yêu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam do Tổng cục Du lịch và Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 31-3 tại Hà Nội, lãnh đạo Tổng cục Du lịch thừa nhận hoạt động xúc tiến du lịch còn nhiều bất cập. Việc nghiên cứu, định hướng thị trường chưa gắn với thực tế, chưa đi sâu vào các phân khúc thị trường mục tiêu. Cơ sở dữ liệu thông tin không nhất quán, chưa cập nhật thường xuyên các dự báo, xu hướng thay đổi của thị trường để có những điều chỉnh phù hợp. Chiến lược thị trường được xây dựng nhưng triển khai không đúng mục tiêu. Theo ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, hạn chế của công tác xúc tiến du lịch hiện nay là nói rất đúng nhưng làm chưa được bao nhiêu.
Năm 2018, Việt Nam phấn đấu đón 16 triệu lượt khách quốc tế. Trong ảnh: Du khách tham quancác tour biển đảo ở TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa Ảnh: KỲ NAM
Trong khi đó, kinh phí cho xúc tiến du lịch hiện nay rất ít ỏi (mỗi năm 30-40 tỉ đồng ở trung ương, các địa phương hầu như rất thấp). Con số này, theo lãnh đạo Tổng cục Du lịch, không đủ để triển khai chủ động, bài bản. Nó rất khiêm tốn khi so với yêu cầu thực tế và so với các nước trong khu vực. Ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Thị trường - Tổng cục Du lịch, cho biết các địa phương, doanh nghiệp đều mong tổng cục có kế hoạch sớm nhưng việc lên kế hoạch và nguồn lực cần qua các thủ tục của Bộ Tài chính. "Chúng tôi muốn xây kế hoạch từ nay cho đến tháng 10 sang năm nhưng câu chuyện ở đây là kinh phí" - ông Đức nói.
Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, tiếp lời: "Tháng 6 năm trước, chúng tôi làm kế hoạch cho sang năm. Đến tháng 9 tổng hợp các bộ, ngành để trình, tháng 1 năm sau mới có tiền về, khi đó mới triển khai, thường chỉ còn 1/3 kinh phí nên kế hoạch bị cắt đi. Chúng tôi không chủ động, luôn phải giật gấu vá vai nên rất khó làm việc".
Nói thêm về việc xúc tiến, ông Siêu thẳng thắn thừa nhận việc tổ chức các gian hàng du lịch Việt Nam tại các hội chợ du lịch còn nhiều hạn chế. Hình ảnh hiện diện gian hàng quốc gia chưa ổn định, thông điệp chưa rõ ràng…
Phải biết khách cần gì
Ông Nguyễn Hữu Thọ cho rằng muốn xúc tiến hiệu quả như các nước thì cần biết đâu là thị trường trọng điểm và họ muốn gì. "Làm xúc tiến trước hết phải làm sản phẩm, ngoài ra trong vòng 5 năm phải có sản phẩm mới thì mới có thể giữ được khách cũ và có khách mới" - ông Thọ nhấn mạnh. Theo ông Thọ, trong thời đại công nghệ 4.0, nên tận dụng mạng xã hội để giới thiệu hình ảnh đất nước con người Việt Nam tươi đẹp, điều đó sẽ tạo nên sự lan tỏa vô cùng lớn. Tripadvisor có 60 triệu thành viên, Alibaba có tới 6 triệu lượt truy cập - kênh cơ bản để hút khách du lịch - nhưng chúng ta đang bỏ hoàn toàn.
Ông Hà Văn Siêu cho rằng muốn du lịch tăng trưởng tốt thì việc quan trọng là phải cơ cấu lại định hướng thị trường, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến du lịch tại các thị trường còn dư địa và có khả năng tăng trưởng mạnh trong những năm tới. Thời gian tới, Tổng cục Du lịch sẽ đổi mới cả về nội dung và phương thức tổ chức quảng bá, xúc tiến du lịch. Điều chỉnh các phương thức, công cụ xúc tiến, quảng bá du lịch chuyên nghiệp, hiệu quả; ưu tiên các công cụ tác động nhanh, trực tiếp, chi phi thấp. Nghiên cứu, tổ chức một số chương trình xúc tiến quảng bá du lịch tổng thể tại một số thị trường trọng điểm, tạo cú hích mạnh mẽ. "Chúng tôi cũng sẽ tìm giải pháp xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam, xem xét điều chỉnh hoàn thiện thêm bộ nhận diện du lịch Việt Nam "Vietnam - Timeless Charm" - ông Siêu nói.
Học hỏi VNA
TS Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Tập đoàn Truyền thông Lê, chia sẻ Vietnam Airlines (VNA) đã thuê hẳn một công ty nghiên cứu thị trường để nghiên cứu từng thị trường, đo chỉ số nhận biết thương hiệu của VNA ở mỗi thị trường đó, từ đó thay đổi cách nhận thức quảng bá thương hiệu. "Nhờ vậy mà họ lọt vào Top 10 thương hiệu doanh nghiệp mạnh nhất Việt Nam. Du lịch Việt Nam có khi cũng nên làm như vậy" - ông Vinh nhận định.
Bình luận (0)