xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Yêu cầu thực hiện quyết liệt cam kết với cử tri

MINH CHIẾN

Quốc hội thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2022, trong đó tỉ lệ điều tiết để lại cho ngân sách TP HCM năm 2022 là 21%, tăng 3% so với giai đoạn vừa qua

Ngày 13-11, Quốc hội (QH) khóa XV đã làm việc ngày cuối cùng của kỳ họp thứ 2, sau 16 ngày họp theo 2 hình thức trực tuyến và tập trung.

Sớm ban hành chiến lược phòng chống dịch

Tại phiên bế mạc, QH đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 2. Theo đó, QH yêu cầu Chính phủ trước ngày 1-1-2022, ban hành Chiến lược tổng thể phòng chống dịch Covid-19. Khẩn trương nghiên cứu xem xét, đưa một số loại trang thiết bị, vật tư y tế vào danh mục quản lý giá, bình ổn giá; ban hành quy định về mức giá trần xét nghiệm Covid-19 đối với cơ sở y tế tư nhân. Đầu năm 2022, phấn đấu hoàn thành tỉ lệ tiêm đủ liều vắc-xin bao phủ dân số trên 18 tuổi đạt 100%, ưu tiên sớm tiêm cho người trên 50 tuổi; nghiên cứu chuẩn bị kỹ tiêm vắc-xin cho trẻ dưới 18 tuổi; triển khai kế hoạch tiêm mũi thứ ba. Trong năm 2022, xem xét cấp phép sản xuất cho vắc-xin trong nước và đưa vào sử dụng, tiến tới tự chủ nguồn vắc-xin.

Vấn đề ban hành Chiến lược tổng thể về phòng chống dịch Covid-19 cũng được Chủ tịch QH Vương Đình Huệ đề cập trong bài phát biểu bế mạc kỳ họp. Theo Chủ tịch QH, trên cơ sở tổng kết công tác phòng chống dịch thời gian qua, kinh nghiệm quốc tế và những bài học đắt giá đúc kết được, Chính phủ khẩn trương hoàn thiện, ban hành và tổ chức triển khai hiệu quả, thông suốt, thống nhất Chiến lược tổng thể về phòng chống dịch Covid-19 với các phương án, kịch bản cụ thể, sát tình hình, không để lúng túng, bị động, bất ngờ với những tình huống có thể còn phức tạp hơn.

Yêu cầu thực hiện quyết liệt cam kết với cử tri - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua các Nghị quyết tại kỳ họp thứ 2 Ảnh: NGUYỄN NAM

Chủ tịch QH cũng yêu cầu sớm khắc phục những vấn đề chưa thống nhất, thiếu nhất quán trong chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện; hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực cho phòng chống dịch; đẩy mạnh việc xã hội hóa, kết hợp công - tư trong công tác phòng chống dịch. "Tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống y tế; củng cố, hoàn thiện và phát triển mạng lưới y tế cơ sở, y tế dự phòng theo phương châm "y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng" để bảo đảm đủ năng lực dự báo, giám sát, phát hiện bệnh sớm, khống chế kịp thời, có hiệu quả dịch Covid-19 và các bệnh dịch mới" - Chủ tịch QH nhấn mạnh.

Phục hồi thị trường lao động

Tại Nghị quyết về hoạt động chất vấn của kỳ họp, QH yêu cầu Chính phủ, các bộ - ngành liên quan đẩy nhanh triển khai các gói hỗ trợ nhóm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; đề xuất hỗ trợ kịp thời người dân có hoàn cảnh khó khăn nhưng chưa được hỗ trợ. Chính phủ khẩn trương đánh giá, làm rõ nguyên nhân, có giải pháp tổng thể phục hồi, phát triển thị trường lao động trong nước. Trong năm 2021, triển khai Chương trình phục hồi, phát triển thị trường lao động và an sinh xã hội. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến việc phân bổ lại dân cư, lao động trên toàn quốc; đào tạo lại nguồn nhân lực; vấn đề nhà ở cho công nhân...

QH giao các cơ quan liên quan xây dựng phương án hiệu quả khắc phục tình trạng số lượng lớn người lao động di chuyển tự phát khỏi các thành phố lớn, vùng kinh tế trọng điểm; bảo đảm an sinh xã hội các địa phương, nhất là những nơi có người lao động hồi hương; có giải pháp "giữ chân" và "thu hút" lực lượng lao động quay trở lại nơi làm việc. Đồng thời, rà soát, ban hành chính sách bảo trợ đối với trẻ em mồ côi do dịch Covid-19, bảo đảm trẻ em có nơi nương tựa, không bị bỏ rơi.

Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, QH giao vào đầu năm 2022, Chính phủ, các bộ - ngành liên quan rà soát, đánh giá hiệu quả học tập trực tuyến, học tập qua truyền hình của các nhóm đối tượng học sinh, sinh viên, nhất là học sinh tiểu học; có giải pháp bảo đảm chất lượng, bổ sung kiến thức cho học sinh khi trở lại trường học. Đồng thời, nghiên cứu kỹ lưỡng, sớm triển khai chương trình tiêm vắc-xin phòng chống Covid-19 cho học sinh; thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn trường học, hệ thống y tế trường học; xây dựng chiến lược, lộ trình, phương án cụ thể cho học sinh, sinh viên trở lại trường học tập trung. Hoàn thiện phương án tổ chức kỳ thi THPT năm 2022 bảo đảm an toàn, chất lượng, phù hợp với tình hình dịch bệnh.

Theo Chủ tịch QH Vương Đình Huệ, QH đã thông qua nghị quyết về việc chất vấn và trả lời chất vấn, yêu cầu Thủ tướng, các bộ trưởng, trưởng ngành thực hiện quyết liệt những cam kết trước QH và cử tri cả nước, làm cơ sở để QH giám sát việc thực hiện.

Tạo thêm nguồn lực cho "đầu tàu" TP HCM

Trong ngày làm việc cuối cùng, QH cũng đã thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2022. Theo Nghị quyết, tổng số thu ngân sách trung ương là 739.132 tỉ đồng; tổng số thu ngân sách địa phương là 672.568 tỉ đồng; tổng số chi ngân sách trung ương là 1.087.032 tỉ đồng, trong đó dự toán 359.982 tỉ đồng để bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.

Đáng chú ý, tỉ lệ điều tiết để lại cho ngân sách TP HCM năm 2022 ở mức 21%, mức này tăng 3% so với giai đoạn vừa qua (18%).

Báo cáo giải trình về một số ý kiến đề nghị xem xét tăng tỉ lệ để lại ngân sách cho một số địa phương, ông Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH, nêu rõ theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, sau mỗi thời kỳ ổn định ngân sách, các địa phương phải tăng tỉ lệ điều tiết về ngân sách trung ương. Tuy nhiên, một số địa phương có nhu cầu chi lớn về hệ thống hạ tầng đô thị, phải tự bảo đảm các chế độ, chính sách mới tăng thêm trong thời kỳ ổn định ngân sách và bảo đảm cho cả số dân ngoại tỉnh đến học tập, làm việc và sinh sống trên địa bàn.

Theo ông Nguyễn Phú Cường, để bảo đảm nguồn lực cho các địa phương này, Chính phủ đã trình QH dành 16.748 tỉ đồng hỗ trợ 10 địa phương có thêm nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Ngoài ra, việc xác định tỉ lệ điều tiết, số bổ sung cân đối cho các địa phương năm 2022 xây dựng trên cơ sở thực tế phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong bối cảnh chịu tác động của dịch Covid-19, chỉ áp dụng cho năm ngân sách 2022; từ năm 2023, căn cứ tình hình thực tế sẽ điều chỉnh cho phù hợp. Theo đó, TP HCM tăng tỉ lệ để lại cho ngân sách địa phương thêm 3% (từ 18% lên 21%) vào năm 2022 để có thêm nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng vai trò "đầu tàu" của nền kinh tế cả nước. 

Lùi thời điểm cải cách tiền lương

Cùng ngày, QH đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2022. Theo đó, QH đã quyết nghị lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương quy định tại khoản 3 điều 4 của Nghị quyết số 23/2021/QH15 của QH; ưu tiên điều chỉnh lương hưu cho người nghỉ hưu trước năm 1995. Trước đó, tại Nghị quyết số 23/2021/QH15 ngày 28-7-2021, QH đã quyết nghị việc tập trung nguồn lực để cải cách tiền lương từ ngày 1-7-2022. Cũng tại nghị quyết này, QH cho phép trong trường hợp đã sử dụng hết nguồn ngân sách địa phương, nguồn lực hợp pháp khác để chi phòng chống dịch Covid-19 và cam kết bảo đảm đủ nguồn để thực hiện cải cách chính sách tiền lương, cho phép các địa phương được sử dụng nguồn cải cách chính sách tiền lương còn dư để chi phòng chống dịch Covid-19 trong năm 2021 và 2022.

4 tỉnh, thành được hưởng cơ chế đặc thù

Tại kỳ họp thứ 2, QH cũng đã thông qua Nghị quyết về quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025; các nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù cho TP Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế. Với các nghị quyết này, 4 địa phương được hưởng các nhóm cơ chế, chính sách đặc thù về ngân sách, phí và lệ phí, quản lý đất đai, quy hoạch, tiền lương...

Tại buổi họp báo sau bế mạc kỳ họp, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng QH Bùi Văn Cường cho biết Ủy ban Thường vụ QH thống nhất sẽ tổ chức kỳ họp chuyên đề, dự kiến vào cuối năm 2021 hoặc tháng 1-2022. Theo ông Bùi Văn Cường, Chính phủ chuẩn bị hồ sơ, tài liệu để trình kỳ họp này, nếu như Chính phủ trình hồ sơ, tài liệu đúng theo quy định, bảo đảm chất lượng thì Ủy ban Thường vụ QH sẽ báo cáo QH để tổ chức kỳ họp chuyên đề. Có 7 vấn đề dự kiến trình QH tại kỳ họp chuyên đề cuối năm, trong đó có 2 vấn đề Chính phủ phải báo cáo cấp có thẩm quyền trước khi trình; 5 vấn đề các cơ quan của QH đã chủ động phối hợp với đơn vị liên quan của Chính phủ xem xét, chuẩn bị kỹ lưỡng.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo