Hãng thông tấn quốc gia Belta của Belarus dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Belarus Viktor Khrenin ngày 7-5 cho biết Tổng thống Alexander Lukashenko đã chỉ đạo thanh sát đột xuất các lực lượng phụ trách vũ khí hạt nhân chiến thuật của nước này.
Bộ trưởng Quốc phòng Belarus cho biết các lực lượng Belarus chuẩn bị diễn tập và thực hiện các cuộc tấn công hạt nhân chiến thuật nhằm kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu cũng như khả năng của các phương tiện vận chuyển vũ khí hạt nhân phi chiến lược.
Theo ông Khrenin, "toàn bộ quy trình hoạt động từ lập kế hoạch, chuẩn bị và sử dụng các cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân chiến thuật sẽ được kiểm tra".
Hoạt động này bao gồm kiểm tra một đơn vị tên lửa Iskander và một phi đội máy bay Su-25.
Động thái của Belarus diễn ra không lâu sau khi Bộ Quốc phòng Nga ngày 7-5 thông báo Tổng thống Putin đã lệnh tiến hành một cuộc tập trận hạt nhân chiến thuật trong tương lai gần.
Nga cho biết các lực lượng nước này diễn tập triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật, như một phần của cuộc tập trận quân sự sau những gì Moscow cho là mối đe dọa từ Pháp, Anh và Mỹ.
Hồi tháng 4, Tổng thống Belarus Lukashenko cho biết hàng chục vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga đã được triển khai trên lãnh thổ Belarus theo thỏa thuận cuối năm ngoái giữa ông và người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Nga và Belarus coi đây là một biện pháp để răn đe phương Tây.
Vũ khí hạt nhân chiến thuật được thiết kế nhỏ hơn và sử dụng ở tầm gần, trái ngược với vũ khí hạt nhân chiến lược vốn được dùng để tấn công các mục tiêu chiến lược ở tầm xa.
Theo TASS, trước đó, vào ngày 25-3-2023, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Moscow sẽ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Belarus theo yêu cầu của Minsk. Đây là động thái tương tự như những gì Mỹ đã làm từ lâu trên lãnh thổ các nước đồng minh.
Moscow đã cung cấp cho Minsk hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander có khả năng mang vũ khí hạt nhân, và giúp Belarus tái trang bị cho các máy bay để mang theo đầu đạn chuyên dụng. Các thành viên trong lực lượng tên lửa và phi công Belarus cũng được huấn luyện trên lãnh thổ Nga.
Vào tháng 6-2023, ông Putin cho biết lô hạt nhân đầu tiên của Nga đã được chuyển đến Belarus, và số còn lại đến vào cuối năm 2023.
Belarus - một đồng minh của Nga - có đường biên giới dài 1.250 km với các nước thành viên NATO là Latvia, Lithuania và Ba Lan. Giới chức phương Tây lo ngại việc Nga đưa vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga tới biên giới Belarus sẽ đưa lực lượng lượng nước này đến gần hơn với các mục tiêu tiềm năng ở Ukraine và các thành viên NATO ở Đông và Trung Âu.
Bình luận (0)