Theo Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), tính đến ngày 20-12-2023, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt gần 36,61 tỉ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ. Trong đó, vốn đăng ký mới đạt gần 20,19 tỉ USD, tăng 62,2%; số dự án đăng ký mới đạt 3.188 dự án, tăng 56,6%.
Điểm đến an toàn, hấp dẫn
Ngoài vốn đăng ký mới, năm 2023 cũng ghi nhận 1.262 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn - tăng 14% nhưng tổng vốn đầu tư tăng thêm lại giảm 22%, đạt hơn 7,88 tỉ USD. Trong khi đó, vốn đầu tư thông qua góp vốn mua cổ phần đạt hơn 8,5 tỉ USD, tăng 65,7%. Bên cạnh đó, vốn giải ngân tính đến ngày 20-12-2023 đạt gần 23,2 tỉ USD, tăng 3,5% so với năm ngoái và là mức kỷ lục từ trước đến nay.
Việc vốn giải ngân tăng, theo Cục Đầu tư nước ngoài, đã cho thấy Việt Nam là một điểm đến an toàn, hấp dẫn; một số điểm nghẽn, rào cản với đầu tư, kinh doanh đã được tháo gỡ hiệu quả, từ đó giúp doanh nghiệp (DN) ổn định và cải thiện sản xuất, tái đầu tư.
Lãnh đạo Cục Đầu tư nước ngoài cho biết hiện vốn FDI tiếp tục tập trung nhiều vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế về cơ sở hạ tầng, nhân lực, môi trường đầu tư thuận lợi như TP HCM, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang, Thái Bình, Hà Nội, Bắc Ninh, Nghệ An, Bình Dương, Đồng Nai.
10 địa phương này đã chiếm tới 78,6% số dự án mới và 74,4% số vốn của cả nước trong năm 2023. Về ngành nghề thu hút vốn FDI, công nghiệp chế biến chế tạo chiếm hơn 64% vốn, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm 2023 cũng mở ra nhiều cơ hội thu hút đầu tư cho Việt Nam trong lĩnh vực bán dẫn, qua các chuyến công du, làm việc tại nước ngoài của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Kết quả, một số DN hàng đầu trong lĩnh vực bán dẫn đã đến Việt Nam để tìm hiểu về cơ hội hợp tác đầu tư.
Trong đó, ông Jensen Huang, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn NVIDIA của Mỹ (Tập đoàn sản xuất chip đắt giá nhất thế giới với giá trị thị trường gần 1.200 tỉ USD) đến Việt Nam và mong muốn nơi đây trở thành "quê hương thứ hai". Chủ tịch NVIDIA cũng khẳng định sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc tận dụng cơ hội ở lĩnh vực này và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nhấn mạnh các địa phương có lợi thế về hạ tầng khu công nghiệp, hạ tầng giao thông cần phải phát huy được thế mạnh đó để thu hút nhà đầu tư.
Theo ông, các địa phương như Quảng Ninh, TP Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang…với sự sẵn sàng về các khu công nghiệp, giao thông thuận lợi khi kết nối với cảng biển, hàng không... là lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư nước ngoài khi họ tìm kiếm địa điểm đầu tư.
Cải thiện môi trường đầu tư
Theo Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương, vốn FDI năm 2023 tăng mạnh cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào môi trường đầu tư Việt Nam. "Đó là chỉ dấu rõ ràng cho thấy hiệu quả của công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ" - Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết năm 2024 dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, với những kinh nghiệm đã có, ông Phương tin tưởng Việt Nam sẽ vượt qua các khó khăn, thách thức, tận dụng thời cơ, cơ hội để phát triển kinh tế, trong đó có thu hút dòng vốn FDI.
Tổ chức Xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings cũng đưa ra đánh giá Việt Nam có khả năng cạnh tranh về chi phí, lực lượng lao động có trình độ so với các nước khác và đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) khu vực và toàn cầu.
Điều này báo hiệu tích cực rằng dòng vốn đầu tư FDI vẫn tiếp tục mạnh mẽ, đặc biệt trong bối cảnh nhiều tập đoàn đang đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu. "Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ có xu hướng tích cực nhờ động lực tăng trưởng từ dòng vốn FDI" - Fitch Ratings nhận định.
Theo Bộ KH-ĐT, cơ quan này đang xây dựng báo cáo rà soát đánh giá tổng thể về chính sách khuyến khích đầu tư tại Việt Nam hiện nay và một số khuyến nghị. Bộ KH-ĐT nhìn nhận cạnh tranh chiến lược giữa các quốc gia trong thu hút vốn FDI ngày càng quyết liệt, nhiều nước đã có những động thái mạnh mẽ trong thu hút và duy trì dòng vốn này.
Những yếu tố này đã tạo sức ép và động lực cần thiết để Việt Nam thực hiện cải cách chính sách ưu đãi đầu tư trong giai đoạn tới. Theo Bộ KH-ĐT, thuế tối thiểu toàn cầu ảnh hưởng lớn đến các chính sách ưu đãi thuế hiện hữu, đòi hỏi sự thay đổi nhanh chóng, kịp thời nhằm giữ vững vị thế cạnh tranh của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư.
Bộ KH-ĐT cho rằng đây là thời điểm thích hợp để Việt Nam cân nhắc cải cách hệ thống ưu đãi đầu tư, đưa ra các chính sách ưu đãi đa dạng, linh hoạt, bắt kịp với thông lệ quốc tế nhằm đạt được các mục tiêu về thu hút, nâng cao chất lượng nguồn vốn FDI. Đồng thời, giữ chân các nhà đầu tư chiến lược và thu hút các DN vệ tinh, qua đó xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, phát triển bao trùm và bền vững.
Trong ngắn hạn, cần giải pháp cấp bách để hạn chế tác động của thuế tối thiểu toàn cầu và ngăn chặn nguy cơ dịch chuyển đầu tư ra khỏi Việt Nam của một số nhà đầu tư lớn, có vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Trong đó, tập trung nghiên cứu thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư, hướng vào nhóm công nghệ cao. Đồng thời, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính.
Bên cạnh việc sẵn sàng các điều kiện để thu hút vốn FDI, TS Lê Đăng Doanh cho rằng Chính phủ, các bộ, ngành và các DN trong nước cần có kế hoạch để phát triển công nghiệp phụ trợ, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để tham gia ngày càng hiệu quả hơn vào chuỗi liên kết với DN FDI.
Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, TS Lê Đăng Doanh cho rằng DN trong nước cần chủ động cải thiện năng suất lao động, đầu tư máy móc, công nghệ để tận dụng sự dịch chuyển của dòng vốn ngoại vào Việt Nam.
TP HCM dẫn đầu thu hút FDI
TP HCM là địa phương đứng đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong năm 2023 với 5,85 tỉ USD. Riêng trong tháng 12, thành phố đã thu hút khoảng 2,77 tỉ USD vốn FDI, là mức cao nhất kể từ năm 2020 của địa phương này. Trong năm, có 1.202 dự án mới đầu tư vào TP HCM; 296 dự án điều chỉnh vốn và 2.314 lượt góp vốn mua cổ phần.
Bình luận (0)