Một ngày đi trên phố Hà Nội, dưới rờm rợp bóng cây của vỉa hè có hàng song thụ, dưới cánh cổng vòm còn vết đạn đại bác cửa Bắc lâu in dấu, thấy những náo nhiệt của những đời đang thanh tân, những dấu đời thiếu phụ đã tưởng đi vào trầm lắng, lại đang bừng lên trong rạng rỡ của những sắc hoa.
Một tiết của thời nhân văn
Nắng của những độ thu này đã nhạt nhiều theo những ngày mơ phai. Cái giăng giăng đổ lửa như thiêu đao của hạ gắt cũng đã chẳng còn. Khi cơn mưa đêm vần vụ bầu trời qua những giông gió, để lại một tinh mai thanh khôi trong lòng phố mát trong, thì là dịu nhẹ đã đến.
Sóng hồ chờn vờn những ngọn thu ba, trong miên mải những lớp lớp xô nhau ở đường chân xa mờ tắp của sương sớm. Tiếng chuông thanh vang của khóa lễ khởi ngày vọng ngân, mai sơ rì rào tiếng ngọn thu phong khe khẽ. Những cánh hồng đỏ, hồng trắng vào chùa theo báo hiếu Vu lan của tiết Trung Nguyên, để luôn nhớ đến Bồ Tát Mục Kiền Liên cứu mẹ.
Trung Nguyên tiết. Tiết thời của ông Ngâu bà Ngâu thả những rèm châu của trời xuống đất. Những bong bóng nước của câu ca dao: "Trời mưa bong bóng phập phồng/ Mẹ đi lấy chồng con ở với ai…". Câu chuyện tích Ngâu như liên tưởng đến cái buồn da diết và thương cảm của câu ca dao, lại thêm man mác của nỗi buồn xa vắng như "Thu điếu" của cụ Tam Nguyên Yên Đổ "Ao thu lạnh lẽo nước trong veo…".
Một tiết của thời nhân văn, xá hết những tội nghiệp của những luân hồi nhân sinh trong mùa báo hiếu.
Hoa cúc lên ngôi
Thu về. Thu của hoa cúc. Cổ ngữ có câu "Cúc giả chi vương", ở nghĩa cúc là loài hoa vương giả hoặc nghĩa cúc là vua của các loài hoa. Và ở "Thu ẩm hoàng hoa tửu". Hoàng hoa tửu là rượu cúc. Có phải vì tất cả những điều trên, mà thu về thì hoa cúc lên ngôi?
Thật thì cũng chẳng rõ nữa, nhưng thu gắn với cúc, thật sự từ lâu đã ở tiềm thức như một gắn bó hữu cơ. Hoa cúc, nếu một bó đại đóa với những cánh đài vươn cong, khum khum rất đài các với sắc vàng vương giả thì sẽ làm sáng bừng một không gian hiện hữu, khỏa lấp đi trong tạm thời những nhọc nhằn của gánh nặng mưu sinh.
Thu ở hoa cúc, còn là Hạnh hoa thôn. Hạnh hoa thôn là thôn nơi bán rượu hoa cúc. Nhưng ai biết Hạnh hoa thôn ở đâu? Thực thì, nơi đâu lòng người có hoa hạnh thì nơi đó chính là Hạnh hoa thôn.
Hoa hạnh lòng người, chính bởi ở tâm. Phật ở trên kinh có dạy: Nhất thiết duy tâm tạo. Là việc tốt xấu, ác thiện phân cân, hay giả như những trắng phải đen trái hoặc những sự nhận nhìn ở vào nhân tình thế thái, hết thảy đều do tâm cả.
Khi thu liễm, là gói gọn trong vòng lưu chuyển của tứ thời những biến hiện của tiết trời. Là khi nắng chiều chiếu xiên, giữa lòng phố mái ngói lô xô, màu thời gian phủ lấp thì ánh dương quang lấp ló màu tím quang sắc trong lá bàng đang du chuyển sang ánh đỏ.
Trong nhẹ khẽ cánh đưa rất mỏng ở thinh không từ làn đùa ru cành lá, đã thấp thoáng những đốm sao xanh nhạt của vòm sữa non. Trong nhẹ khẽ mơn man ấy, huyền tịch lênh lang hương ngọc lan tỏa và hoàng lan mãn khai.
Thu trên phố, những thúng cốm xanh dẻo đã dạo quanh với túm năm lạt buộc và lá duối xanh mướt bọc ngoài, lá sen, lá chuối bọc trong. Nhưng khi đã cảm nhận vị dẻo thanh, bùi mẫn của nếp non lửa giã, có mấy ai đã hiểu, đã tường những mồ hôi áo lưng, nhọc nhằn, vất vả của người giã cốm?
Lắng trong sâu thức
Thu về, là phượng đã tắt nắng đỏ, liên hoa trì chỉ còn những bản tàn lá đang rũ dần trên mặt đầm. Lục hà trì lại đợi mùa sau những búp thanh tao vươn lên từ bùn đáy. Trên triền đê dưới bến nước, xóm chài với những cọc cắm lêu nghêu, khói tỏa cơm chiều trong chạng vạng thiều quang trời lặn.
Cảnh xóm chài nghèo bến sông trong bên bờ sậy lau rì rậm, đã nhìn, đã thấy, đã hiểu những phận người ba sinh trong cõi luân sinh kham nhẫn. Cảnh thu chiều tắt nắng như mênh mang hơn trong tiêu diêu của tưởng thức. Sự diệu vợi đầy dâng, cảm thức ý nghĩa cuộc đời dù là cõi tạm, phúc phận đầy vơi khác chênh lệch cấp, cũng đầy đủ hơn, để mà thả cái mênh mang tưởng thức đó trong hoang liêu cảnh bến, trong đời người sống nên phải ra sao…
Đò vắng có còn không? Chắc rằng sẽ chỉ còn ở trong tiềm thức, ở hình ảnh vẽ ghi lại. Nhưng xóm chài thì còn, ngay trong những chiều thu quạnh vắng ở nơi bến sông.
Thu quanh những góc phố, hàng ki-ốt bày bánh trung thu đã rộn rã lắm. Ở đó đây, thập thùng trống lân tập nổi ở những trẻ vờn múa, chơi trăng đòi quà.
Bưởi đã thấy rám vỏ, hồng đã thấy vàng xanh. Không còn thấy tách hạt bưởi, xâu thành chuỗi đốt thơm lừng như những khúc xưa của ngày thơ bé nữa. Những ngày ấu trĩ, tự vẽ mặt nạ, tự làm đồ chơi từ vỏ bao diêm thành những ô tô, mà mỗi khi qua Hàng Mã, cứ nhìn chăm những tàu thủy sắt, những đèn kéo quân mà thèm trong kéo dài những tiếc nuối trẻ thơ.
Thu bây giờ đã khác nhiều xưa ở cảnh vật. Thu tháng tám xưa lắc thập kỷ 80, cờ đỏ sao vàng rợp phố bay tung, bám tàu điện bánh nghiến sắt ray đường nhựa dưới, leng keng trên mà biết là ngày Cách mạng Tháng Tám, lên phố ăn kem Tràng Tiền, đi dạo bờ Hồ nhiều vòng chả mỏi. Ký ức ấu thơ còn nhớ qua hiệu Bốn Mùa, nhìn ly kem cốc ngà trắng uốn xoáy thành chóp trong cái cốc thủy tinh chân cao, cứ chợt thèm chợt ước mà đôi chân dép nhựa cứ đành lướt chạy nhanh qua.
Hàng Bodega có bánh ga-tô, cũng có kem cốc, xe đạp dựng bánh trước vào những khung sắt uốn cong hình bán nguyệt để trên vỉa hè, người ta vào hiệu sách Ngoại văn, vào Bách hóa Tràng Tiền và cửa hiệu Bodega. Bodega, là Bò - Dê - Gà, là cửa hiệu bán đồ ăn như kiểu restaurant bây giờ.
Thu bây giờ, cao ốc đã lộng lẫy rồi. Đường phố đã tấp nập và đông đúc hơn xưa nhiều. Đã có nhiều đổi thay. Nhưng sắc thu ở sâu thẳm, tình thu ở tưởng thức, ánh thu ở vàng phai, cảm thu ở tiết trời, thì vẫn thế.
Thẫm nâu mái cổ, tường gạch phong rêu, những ô cửa tò vò còn sót lại trên gác phố, vẫn thế với tháng năm và ngày mùa luân tiếp. Nhưng dường như thu hơn, quyện sắc hơn ở trong cái thọ cảm dịu nhẹ của làn nhẹ thổi của thu phong.
Những cây bàng vẫn thế, những cội cây vẫn như, giống những chứng nhân trầm tích của cảnh trí, chỉ tự nói theo cách của mình về tiết thời ở chuyển xanh lá đỏ, ở vòm cao xuất chùm những đóa sao xanh của hoa sữa đang ở thì hàm tiếu.
Đất trời bốn mùa, tuần tự. Hết hạ gắt như lửa thì tiếp dịu là thu mềm như sương. Những cánh sương bay trên bãi đồng buổi sớm của ngoại ô, còn đọng trên cành hoa làng Tây Tựu như những giọt châu lê, mang quang ảnh của đất trời vạn vật. Triền bãi đồng đê ngút xanh cỏ lúa.
Nắng mai long lanh trên những rực sáng sắc vàng hoa điệp hoặc trên những rủ buông nơi ven hồ thứ muồng hoàng yến lả lơi, đã từ bao giờ chẳng còn nhớ rõ, thay thế cho những cội liễu tóc đã từng mặt hồ soi gương. Một sớm đi qua, chuông chùa xa vẳng của Thập tam trại lại nhớ cảnh cũ của giấy dó Yên Thái từ câu "Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương".
Thu đã lắng trong sâu thức ở những ảnh hiện của ca dao, của từ ngữ, của lịch sử và cả của những ảnh hiện chợt nổi chợt chìm của thức "Tâm viên, ý mã" - xăng động như vượn chuyển cành, phóng tung như ngựa thiên lý.
Những lặng an bằng thức
Thu như một thức cảnh dịu dàng, nhắc nhở đến những an dịu thân tâm, để mà tầm an trong bể dâu hồ hải này ở "Ưng vô sở trụ, nhi sanh kỳ tâm". Không trụ mắc vào nơi nào cả thì tâm không sanh diệt những hoan vui hay khổ khốn. Là không phải kệ nó mà đợi chờ theo cách hết mưa là sẽ nắng, mà bởi hiểu thu sang là tuần tự tiếp bước của lẽ tự nhiên, có muốn vượt thời cũng không được. Tâm cũng như vậy, nối vào thu nhưng không mong cầu vọng tưởng chấp trước, cứ ở cái lẽ tự nhiên như nhiên, là sẽ không sanh "kỳ tâm".
Cũng bởi tiết mùa không nhất như, bản tính không đồng nên thu đến, hợp với dịu nhẹ tiết mùa là những lặng an bằng thức. Lại càng hợp hơn với "Nhất thiết duy tâm tạo". Cảm nhận ngày sang vui chờ ngày mới. Thu như nốt trầm, điểm lặng trong bản phối ca của nhiều cung bậc - khi trào cao, khi bùng phát, khi dồn dập và cũng khi là khoảng lặng.
Nếu hạ lửa là những sục sôi của nhiệt huyết tuổi trẻ "mạch đời căng máu nóng" thì êm thu như một thiếu phụ đã trải những gió đời, nét tàn phai mới chỉ điểm xuyết chấm phá. Thu liễm như gom góp đời đã trải, vẫn giữ sự lặng bình để ngày ngày ngồi chải lược bên khung song, kệ những sợi bạc rơi, chỉ mỉm cười với nó mà tư tĩnh an như.
Như phong tư thiếu phụ tĩnh trầm mà chấp trang, hiền nghiêm mà đoan hạnh, độ cập mọi điều mà không chấp trước. Như thể nước lạnh thì đóng băng, sôi thì tỏa nhiệt, bốc hơi thì thành mây mà ngày hàn giá thì thành hoa tuyết. Dù có biến đổi hình tướng thế nào thì bản chất vẫn là nước, là nhất như không thay đổi.
Bản thu là vậy. Vẫn bao dung và ôm trùm vũ trụ vạn vật trong sự nhất nguyên bản thể. Chỉ là, với những ngày thu sang, được vi tế cảm nhận những điều của thời thu, mà viết ra như lưu dấu nhân gian, như một gieo duyên với mọi người, cũng là một hoan hỷ chung vui.
Bình luận (0)