Nhưng với tôi, đặc trưng của mùa thu ở thôn xóm, rõ nhất là mùi hương của thị chín ngát lừng.
Nhiều năm về trước, hầu như trong vườn nhà nào cũng có trồng cây thị. Trẻ con thì không lạ gì cây thị với câu chuyện cổ Tấm Cám nghe đi nghe lại đến thuộc lòng. Dưới gốc thị già trong vườn, lũ chúng tôi bày đủ thứ trò chơi, thú vị nhất là chơi trò hoàng tử, công chúa. Đến mùa hoa thị, những bông hoa màu trắng ngà, li ti rụng lả tả theo gió, vương ngập cả lối. Bọn con gái thường nhặt hoa xâu thành vòng cổ, vòng tay, vòng nguyệt quế đội đầu cho công chúa. Mỗi bước công chúa đi, tôi - trong vai người hầu - lại bốc từng nắm hoa thị trong cái rá con con ném lên như cơn mưa sao, hòa vào tiếng cười khúc khích trong trẻo.
Khi một vài quả thị xanh đầu tiên ngả sang màu vàng mơ là biết mùa thu đã gõ cửa từng nhà rồi. Gió mang mùi hương thoang thoảng, dịu nhẹ len vào nhà qua những khe cửa sổ, nhất là vào buổi đêm và sáng sớm tinh mơ, mùi thơm ấy thật rõ. Rồi nhiều quả chín lúc lỉu trên vòm lá như những vầng trăng non nhỏ xinh, là mùi thơm đã càng trở nên ngào ngạt. Quả thị càng nhỏ và có hình dáng bẹp như quả quýt (người quê tôi gọi thị Là hoặc thị Bánh Xe) mới để được lâu và thơm nhất.
Với người dân quê tôi, quả thị xuất hiện trong mâm cỗ cúng rằm tháng bảy, bởi nó là đặc trưng dễ thấy nhất của mùa thu. Đi chợ, dễ bắt gặp những rổ thị chín vàng được bày bán hai bên đường. Trong quán nước - nơi dừng chân đầu làng, cũng có một giỏ thị chín thơm lừng, để bà hàng nước tặng người đi và mời người ở lại…
Thời gian dần trôi, làng quê nay đã có nhiều đổi khác. Những gốc thị già trong vườn xưa - nơi mà lũ trẻ con ngày ấy thường chơi trò hoàng tử, công chúa không còn nữa. Nhưng những kỷ niệm trong veo của một thời xưa cũ, luôn in sâu vào trí nhớ của tôi.
Mùa này, khi đạp xe chầm chậm trên con đường quê, tôi vẫn nghe thoảng trong gió heo may mùi hương thị chín ngát lừng. Càng vào thu, mùi hương ấy thêm nồng nàn. Phải chăng, đó là hương của mùa thu?
Bình luận (0)