Kế hoạch thu phí ô tô vào trung tâm TP HCM đã được đưa ra từ 15 năm trước. TP Hà Nội cũng dự kiến thu phí phương tiện cá nhân vào nội đô cách đây khoảng 5 năm. Sau chừng ấy thời gian mà chưa làm được, chứng tỏ bị vướng mắc nhiều, tính khả thi thấp.
Nay, Hà Nội đã lấy ý kiến xong lần thứ 3 Đề án "Giao thông thông minh trên địa bàn TP Hà Nội", UBND TP Hà Nội dự kiến trình HĐND thành phố xem xét, quyết định trong phiên họp tháng 12 năm nay.
Theo đề án, sẽ dựng 100 trạm thu phí ở khu vực phạm vi ranh giới giữa ngoại thành và nội thành (được xác định từ đường Vành đai 3 trở vào); mức phí dự kiến cho một lượt ô tô loại tiêu chuẩn (từ 12 chỗ ngồi trở xuống) là từ 50.000 đến 100.000 đồng/lượt.
Mục đích của đề án này là giảm lưu lượng xe vào khu vực nội thành (theo tính toán là khoảng 20%) để giảm bớt ùn tắc ở trung tâm, hạn chế ô nhiễm môi trường. Từ năm 2025 sẽ thí điểm triển khai những vùng phát thải thấp tại một số khu vực.
Hạn chế xe cá nhân, chuyển đổi sang xe điện, phát triển giao thông "xanh", hình thành những vùng phát thải thấp… đều phù hợp với định hướng kinh tế "xanh", phát triển bền vững. Do vậy, đề án nêu trên của Hà Nội có thể nói là đi đúng hướng. Nhưng vấn đề là: thời điểm nào triển khai thì đạt hiệu quả?
Địa bàn thủ đô đang có 8 triệu phương tiện lưu hành, trong đó ô tô 1,5 triệu chiếc, nhiều nhất so với các thành phố tại Việt Nam. Dân số Hà Nội hiện khoảng 8,6 triệu người (mỗi năm tăng cơ học 200.000 người), mật độ khoảng 2.400 người/km2, cao 8,2 lần so với mật độ dân số cả nước. Đường sá Hà Nội đã ùn tắc nhiều năm nay, trong khi giao thông công cộng chưa phát triển mấy. Xe buýt nhanh (BRT) thì èo uột. Đường sắt đô thị (metro) thì mới chỉ có 2 tuyến Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - ga Hà Nội. Tỉ lệ đất dành cho giao thông chỉ đạt 12%-13% (theo quy hoạch ít nhất phải 20%-26%)…
Thử đặt ra kịch bản nếu dựng 100 trạm thu phí mà người dân vẫn xếp hàng chờ vào nội đô (vì có nhu cầu) thì có phải ùn tắc thêm và mục tiêu thất bại hay không? Tiền thu được có đủ vận hành kỹ thuật và trả lương cho đội ngũ?
Vấn đề chính yếu là phải đầu tư phát triển mạnh, nhanh hệ thống vận tải công cộng, tăng quỹ đất cho giao thông, đưa công nghệ và AI vào quản lý, điều hành…, chứ không hẳn dựng rào - thu phí thì sẽ giảm tắc đường, ô nhiễm. Khi nào vận tải công cộng đáp ứng tốt nhu cầu đi lại thì lúc đó người dân ắt tự điều chỉnh.
Giao thông TP HCM cũng gặp phải vấn đề tương tự Hà Nội. Mới đây, Sở Giao thông Vận tải thành phố đề xuất chưa thực hiện Đề án "Thu phí ô tô lưu thông vào khu vực trung tâm TP HCM". Đến khi nào hệ thống xe buýt kết hợp nhuần nhuyễn với 7 tuyến metro trong tương lai thì sẽ cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại bằng vận tải công cộng, lúc đó sẽ hạn chế xe cá nhân. Kiến nghị này dựa trên cơ sở đánh giá tác động về kinh tế - xã hội và thực tiễn giao thông đô thị địa phương.
Từ chuyện TP HCM, Hà Nội cũng cần xem xét, tính toán hợp lý.
Bình luận (0)