Luật Căn cước được Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 27-11-2023 gồm có 7 chương và 46 điều. Luật Căn cước được ban hành sẽ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thi hành Luật Căn cước công dân năm 2014.
Phóng viên Báo Người Lao Động đã có buổi phỏng vấn Thượng tá Nguyễn Ngọc Hải, Phó Trưởng phòng Quản lý Hành chính về Trât tự xã hội Công an TP HCM, về một số điểm mới trong luật.
* Phóng viên: Ông có thể thông tin đến người dân về những điểm mới trong công tác cấp thẻ Căn cước theo quy định của Luật Căn cước?
- Thượng tá Nguyễn Ngọc Hải: Việc thay đổi mẫu thẻ căn cước không tác động đến những người đã được cấp thẻ căn cước. Những thẻ đã được cấp vẫn có giá trị như trong thời hạn sử dụng được ghi trên thẻ.
Công tác cấp thẻ bảo đảm tính riêng tư cho công dân khi thông tin sinh trắc học về vân tay được lưu trữ bảo mật trong chíp điện tử.
Tạo điều kiện cho người gốc Việt Nam được cấp Giấy chứng nhận căn cước nhằm đảm bảo quyền công dân.
Việc cấp đổi thẻ căn cước khi có thay đổi thông tin về nơi cư trú được thực hiện theo nhu cầu của công dân (không bắt buộc). Công dân có thể lựa chọn việc tích hợp thông tin vào căn cước công dân điện tử (đây là tiện ích miễn phí trên ứng dụng VNeID) để thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại khác mà không phải cấp đổi thẻ căn cước.
Việc cấp lại thẻ căn cước được thực hiện trực tuyến qua Cổng dịch vụ công đem lại thuận lợi tối đa cho công dân.
*Người dân thắc mắc điểm mới trong Luật Căn cước 2023 là sẽ có phần thu thập thông tin sinh trắc học, ông có thể thông tin rõ hơn về vấn đề này?
- Điều 15 Luật Căn cước về Thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước thì ngoài những thông tin cơ bản về nhân thân, lai lịch còn có thông tin về nhân dạng, thông tin về sinh trắc học. Thông tin về sinh trắc học gồm có ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói.
Trong luật Căn cước năm 2023 thì thông tin sinh trắc học có bổ sung 3 nội dung mới đó là mống mắt, ADN, giọng nói.
* Tại sao cần phải lấy sinh trắc về mống mắt của người dân khi làm thủ tục cấp căn cước?
- Dữ liệu về mống mắt có tính chính xác cao, rất phù hợp với xu hướng chuyển đổi số trên thế giới và Việt Nam hiện nay khi các giao dịch điện tử được mở rộng, là lĩnh vực chủ yếu cho các thiết bị thông minh như (di động, app điện tử) đều được trang bị các camera thông minh tránh các trường hợp giả mạo khuôn mặt, video giả mạo khi định danh, xác thực cho các giao dịch.
Kết hợp với các yếu tố sinh trắc như khuôn mặt (đảm bảo xác thực 2 yếu tố) sinh trắc là cơ sở triển khai hiệu quả Luật Giao dịch điện tử (với các thiết bị di động hiện nay rất ít được trang bị module về đọc, xác thực vân tay) nên việc thu thập thông tin sinh trắc bắt buộc là rất cần thiết và phù hợp với xu hướng chuyển đổi số hiện nay.
Việc thu thập thông tin sinh trắc giúp cho người dân tiện lợi trong việc thanh toán, di chuyển qua các cửa kiểm soát của máy bay, ga tàu.
* Lấy sinh trắc mống mắt có an toàn không, thưa ông?
Việc thu thập thông tin sinh trắc mống mắt thông qua các thiết bị chuyên dụng, được cơ quan công an triển khai khi công dân làm thủ tục cấp căn cước (các tiêu chuẩn về thiết bị, bảo mật dữ liệu, mã hóa và lưu trữ, khai thác sử dụng) nên việc thu thập mống mắt đảm bảo an toàn sức khỏe, dữ liệu bảo mật. Người dân hoàn toàn yên tâm khi cung cấp thông tin về mống mắt cho cơ quan công an.
*Công dân cung cấp dữ liệu mống mắt ở đâu và do cơ quan nào thu nhận?
Công dân cung cấp dữ liệu mống mắt khi làm thủ tục cấp căn cước tại cơ quan công an như Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội; Cơ quan Công an cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Công an cấp quận/huyện/thị xã thành phố thuộc tỉnh.
*Ông có thể thông tin thêm về việc thu thập thông tin về ADN, giọng nói?
Về thông tin sinh trắc học ADN, giọng nói, Luật Căn cước quy định thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói được thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp hoặc cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong quá trình giải quyết vụ việc theo chức năng, nhiệm vụ có thực hiện trưng cầu giám định. Hoặc các cơ quan chức năng thu thập được thông tin sinh trắc học về ADN, giọng nói của người dân thì chia sẻ cho cơ quan quản lý căn cước để cập nhật, điều chỉnh vào Cơ sở dữ liệu căn cước.
Cơ quan quản lý căn cước chỉ tiến hành thu thập thông tin ADN, giọng nói khi người dân tự nguyện cung cấp trong quá trình người dân thực hiện thu nhận hồ sơ căn cước.
Việc cập nhật thông tin, dữ liệu sinh trắc học về ADN, giọng nói vào cơ sở dữ liệu căn cước được thực hiện thông qua việc các cơ quan có chức năng kết nối, chia sẻ thông tin cho cơ quan quản lý căn cước.
* Thông tin quê quán, vân tay, đặc điểm nhân dạng trên thẻ căn cước sẽ được bỏ, thưa ông?
Đúng vậy. Việc bỏ thông tin quê quán, vân tay, đặc điểm nhân dạng trên thẻ căn cước để bảo đảm tính riêng tư của người dân. Các thông tin căn cước của người dân cơ bản sẽ được lưu trữ, khai thác, sử dụng thông qua chíp điện tử trên thẻ căn cước.
Việc chỉnh lý thông tin "nơi thường trú" in trên thẻ căn cước công dân thành "nơi cư trú" in trên thẻ căn cước để phù hợp với thực tiễn vì nhiều người hiện nay chỉ có nơi tạm trú, nơi ở hiện tại hoặc không có nơi thường trú, nơi tạm trú.
* Trân trọng cảm ơn ông.
Công dân có thể được tích hợp các thông tin vào Căn cước gồm: Thẻ bảo hiểm y tế, Sổ bảo hiểm xã hội, Giấy phép lái xe, Giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy tờ khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định, trừ thông tin trên giấy tờ do Bộ Quốc phòng cấp.
Bình luận (0)