Sau Tết dương lịch, cộng đồng người Việt tại TP Ulm và các vùng phụ cận ở Đức đã tưng bừng tổ chức một buổi tất niên và chào đón năm mới Ất Tỵ vô cùng đặc sắc vào tối 5-1, với mong muốn lưu giữ Tết cổ truyền trong các thế hệ gia đình Việt ở đây.
Ngày hội đặc biệt
Ulm là một thành phố cổ kính xinh đẹp nằm bên bờ sông Danube thuộc tiểu bang Baden-Württemberg. Cộng đồng người Việt có khoảng 500 người, làm việc trong nhiều ngành nghề khác nhau như nhà hàng, dịch vụ, làm nail, hãng xưởng...
Chị Tú Anh, đại diện của hội ở đây, cho biết do đặc thù công việc khá bận rộn, trước kia việc giao lưu chỉ gói gọn trong các mối quan hệ bạn bè, những ngày tết đến đơn giản lặng lẽ như những ngày thường. Mọi người không cảm nhận được không khí đoàn viên tưng bừng, chỉ biết ngóng về quê hương với những kỷ niệm thân yêu từ những cái tết rất xa.
Năm 2013, chị cùng chồng và một số anh chị em nhiệt tình khác trong vùng quyết tâm vận động mọi người cùng tổ chức một buổi hội ngộ đón tết Nguyên đán, để bà con có cơ hội gặp gỡ sau một năm bộn bề vất vả, các thế hệ con cháu có dịp làm quen với nhau.
Tính đến nay, gần như năm nào hội cũng duy trì tổ chức tết cho mọi người, trừ khoảng thời gian gián đoạn vì đại dịch COVID-19. Đó là một ngày rất đặc biệt trong năm, được bà con háo hức mong chờ, thậm chí ăn sâu vào tiềm thức cả những lứa con cháu đi làm, đi học xa, biết ngày có hội là về.
Rộn rã niềm vui
Để có được những màn biểu diễn mang đậm bản sắc dân tộc, dù công việc bận rộn và sinh sống cách xa nhau, các anh chị em hội viên vẫn cố gắng sắp xếp thời gian, lên chương trình, thuê hội trường, chuẩn bị trang phục, đạo cụ, cùng nhau luyện tập trước đó cả tháng trời.
Các tiết mục như múa lân, múa sạp, đánh đàn bầu, múa hiện đại, hát mừng năm mới… vô cùng đặc sắc, mang đến không khí tươi vui, rộn rã.
Màn trình diễn áo dài đủ màu sắc, duyên dáng của các chị em hầu như năm nào cũng có. Đặc biệt, nhiều bé gái tham gia trình diễn cùng mẹ từ lúc còn nhỏ nay đã thành những thiếu nữ xinh đẹp, vẫn sóng bước cùng mẹ trên sân khấu.
Năm nay, thanh niên tham gia đông hơn hẳn, có người học ở nước ngoài, nghe tin hội tổ chức tết đã vội mua vé máy bay về dự - theo lời chị Tú Anh.
"Có cháu còn rủ thêm bạn đến cùng, giới thiệu với các bạn về văn hóa đón Tết cổ truyền đặc sắc của quê hương. Các cháu rất tích cực thể hiện bản thân, nhiệt tình giao lưu trong các tiết mục văn nghệ múa hát, các trò chơi kéo co, tìm cặp đôi, chơi trúng thưởng…" - chị Tú Anh kể.
Trong khi đó, với người lớn, đây là dịp hàn huyên tâm sự về cuộc sống, kinh doanh, kể cho nhau nghe về gia đình, những cái tết đã xa và cùng chúc nhau bình an trong năm mới.
Góp cỗ quê hương
Khác với nhiều nơi, chỉ cần đặt tiệc gọn nhẹ là xong, đỡ vất vả. Riêng ở Ulm đã thành lệ hàng năm, mỗi gia đình tham dự sẽ đóng góp một món ăn tự làm. Chị Bạch Vân, một hội viên, nói rằng các chị bàn tính với nhau rất kỹ, phân công mỗi gia đình sẽ làm món gì đặc biệt để không bị trùng lặp.
Việc các gia đình góp cỗ tạo nên một bữa tiệc tết phong phú, hấp dẫn. Mọi người có thể thưởng thức đầy đủ hương vị đặc trưng của nhiều vùng miền khác nhau, từ bánh tét, bánh tiêu, gỏi cuốn, gỏi bắp bò… của miền Nam, bánh cuốn, giò chả, bánh chưng, nem rán, quẩy nóng, xôi vò… của miền Bắc và bánh ít, nem chua, nem thính cùng các loại chè tráng miệng đến từ miền Trung. Ngoài ra còn có các món ăn do các anh chị làm nhà hàng mang đến như sushi, vịt quay, há cảo, xôi mặn...
Mấy chục món ăn được bày biện hấp dẫn, đẹp đẽ, không chỉ thu hút sự chú ý của hội viên mà còn gây ấn tượng với tất cả bạn bè dâu rể người nước ngoài, khiến họ trầm trồ khen ngợi sự đa dạng, phong phú của ẩm thực Việt Nam.
Dư âm đọng lại
Ngày hội đón Tết Ất Tỵ đã qua nhưng bao lời khen ngợi, cảm ơn sự nhiệt tình, chu đáo của ban tổ chức vẫn ngập tràn. Bỏ lại sau lưng những lo toan, mọi người đã có một buổi tối thật trọn vẹn, được sống trong không khí đón tết đầm ấm vui vẻ, trong tình thân gắn bó đoàn kết của cộng đồng. Và dường như nỗi nhớ nhà, nhớ quê cũng vơi đi nhiều!
Giữ gìn những nét văn hóa truyền thống để truyền lại cho thế hệ mai sau lưu giữ - đó là trăn trở, là ước mong của ban tổ chức, những người vác tù và hàng tổng tại Ulm.
Bình luận (0)