Sáng 19-5, lễ phát động chương trình "Đăng ký hiến tặng mô, tạng - Cho đi là còn mãi" đã diễn ra tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội). Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát động chương trình.
Thủ tướng tri ân những người hiến mô, tạng
Chương trình do Bộ Y tế, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam thực hiện nhằm chuyển tải sâu rộng hơn ý nghĩa nhân đạo, nhân văn cao cả của việc hiến tặng mô, tạng cứu người.
Tại lễ phát động, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh hiến mô, tạng là món quà cao quý nhất của một người trao tặng cho người khác. Hàng ngàn người đã được cứu sống từ tấm lòng cao cả ấy. Ông gửi lời tri ân sâu sắc nhất đến những người hiến tạng, gia đình người hiến tạng đã trao sự sống cho nhiều người khác.
"Đây là một sự kiện có ý nghĩa nhân văn sâu sắc thể hiện truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta, kết tinh hơn 4.000 năm văn hiến. Sự kiện càng đặc biệt hơn khi tổ chức đúng vào ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh"-Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng, ghép tạng là một trong những thành tựu quan trọng nhất của nền y học thế giới, dù đi sau nhưng đến nay trình độ ghép tạng của nước ta ngang bằng với các nước phát triển.
Tại buổi lễ, Thủ tướng kêu gọi mọi người dân Việt Nam trưởng thành không phân biệt tuổi tác giới tính, vùng miền... đăng ký hiến tạng, trên tinh thần gieo mầm sự sống, tiếp nối hy vọng.
Thủ tướng cũng đề xuất cần có một ngày để tôn vinh, vận động đăng ký hiến mô tạng. Có thể lấy ngay ngày hôm nay 19-5, ngày sinh Bác Hồ, làm Ngày hiến tặng mô, tạng.
Tại đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đăng ký hiến mô, tạng sau khi chết/chết não, lan tỏa nghĩa cử cao đẹp.
Nguồn tạng hiến còn rất thấp
Phát biểu tại buổi lễ, bà Đào Hồng Lan, Bộ trưởng Bộ Y tế, cho biết qua 32 năm kể từ ca ghép thận đầu tiên đến nay, ngành y tế nước ta đã thực hiện trên 8.000 ca ghép tạng, công nghệ ghép tạng ngang tầm các nước phát triển, đem đến cơ hội sống mới cho hàng nghìn người bệnh.
Hai năm qua, mỗi năm Việt Nam thực hiện hơn 1.000 ca ghép mỗi năm bao gồm ghép thận, gan, tim, phổi..., và là nước có số lượng ghép tạng/năm cao nhất khu vực Đông Nam Á. Đây cũng là minh chứng rõ ràng cho sự phát triển vượt bậc của ngành y tế nước nhà.
Tuy vậy, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng số ca ghép tạng hàng năm chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người bệnh.
Hiện nay, hơn 94% số tạng ghép ở Việt Nam đến từ nguồn hiến sống, trong khi các nước phát triển có từ 50 đến 90% nguồn hiến tạng đến từ người hiến chết/chết não.
Hiện Việt Nam chỉ có hơn 86.000 người đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chiếm 0,086% dân số, rất thấp so với các nước trên thế giới.
"Trong khi đó một số nước châu Á như Hàn Quốc, Thái Lan và Trung Quốc, tỉ lệ tạng hiến từ người sau chết, chết não rất cao, từ 40-80%. Đây là những nước có nền văn hóa, tín ngưỡng giống với Việt Nam. Một người chết não hiến tạng có thể cứu sống được 8 người, giúp cải thiện sức khỏe chữa khỏi bệnh cho vài chục người khác"- Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Phật giáo khuyến khích việc hiến mô, tạng
Nói về nghĩa cử hiến tạng, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cho biết hiến mô tạng thể hiện tinh thần từ bi, bác ái của đạo phật. Đây là quyết định cho đi đầy trí tuệ và nhân ái. Mỗi người muốn cho cuộc sống hiện sinh trong cuộc đời này ý nghĩa, có quả báo phúc đức tốt đẹp nên thực hành đem lại lợi ích cho số đông.
"Trong thực hành đạo phật, đăng ký hiến mô tạng là cơ hội để mọi người thực hành giáo lý vô ngã của đạo phật. Hiến mô tạng là sự bố thí cao cả, cuối cùng mà một người có thể thực hiện. Việc hiến mô tạng đem lại phước báu, quả lành từ hành động cao thượng của người cho đi"- Thượng tọa Thích Đức Thiện nhấn mạnh.
Bình luận (0)