Ngày 28-6, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, đã dự hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06); đánh giá kết quả thí điểm lập Hồ sơ sức khỏe điện tử, cấp Lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID và công bố vận hành một số ứng dụng, nền tảng của Đề án 06 trên địa bàn Hà Nội.
Nhiều kết quả nổi bật
Triển khai Đề án 06, Hà Nội là địa phương được Chính phủ, Tổ công tác triển khai Quyết định 06/QĐ-CP ngày 6-1-2022 về Phê duyệt Đề án 06 giao thực hiện thí điểm một số nội dung nhiệm vụ làm cơ sở đánh giá trước khi nhân rộng.
Sau thời gian nghiên cứu, triển khai, thí điểm, UBND TP Hà Nội tổ chức hội nghị nhằm đánh giá kết quả lập Hồ sơ sức khoẻ điện tử, cấp phiếu Lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID; thực hiện chi trả an sinh xã hội, chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) không dùng tiền mặt; triển khai hoá đơn điện tử đối với hộ kinh doanh.
Đồng thời, công bố vận hành một số nền tảng, ứng dụng của Đề án 06 trên địa bàn thành phố, trong đó có: Công dân Thủ đô số (iHanoi) - Chạm để kết nối nhằm tạo lập kênh kết nối quan trọng giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp của Thủ đô, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, cải thiện các chỉ số cải cách hành chính, sự hài lòng của người dân.
Báo cáo tình hình, tiến độ triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ trên địa bàn Hà Nội của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, chuyển đổi số, Đề án 06 của UBND TP Hà Nội cho thấy trong 6 tháng đầu năm 2024, thành phố tiếp tục phát huy sự chủ động, tích cực, quyết liệt trong thực hiện các nội dung công tác phục vụ triển khai Đề án 06/CP; giữ vững vị thế là địa phương tiên phong đi đầu trong thực hiện Đề án 06/CP đảm bảo tiến độ, lộ trình đã được đề ra.
Đặc biệt, công tác thu nhận hồ sơ căn cước công dân, tài khoản định danh điện tử, đăng ký, quản lý cư trú và tiếp nhận, giải quyết hồ sơ trên Cổng dịch vụ công trực tuyến đều được triển khai thực hiện nghiêm túc và đã hoàn thành các chỉ tiêu được Bộ Công an giao Công an thành phố.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được ứng dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên các lĩnh vực: Ngân hàng, y tế, giáo dục, tư pháp, phòng cháy chữa cháy; triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt; triển khai thu giá dịch vụ trông giữ xe không sử dụng tiền mặt tại các bến xe tĩnh. Hà Nội đẩy mạnh giải pháp triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền chống thất thu thuế, thất thu ngân sách; thí điểm thanh toán thu phí, lệ phí không dùng tiền mặt khi thực hiện thủ tục hành chính bằng mã QR động…
Với những nhiệm vụ Tổ công tác Chính phủ giao triển khai thí điểm trên địa bàn thành phố trong năm 2024, TP Hà Nội đều thực hiện nghiêm túc, tiến độ nhanh, có kết quả cụ thể, rõ ràng.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương những kết quả mà TP Hà Nội đã đạt được trong triển khai Đề án 06.
Nhìn lại quá trình thực hiện Đề án 06, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết chúng ta đã đạt được những kết quả hết sức quan trọng. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những cống hiến của Đại tướng Tô Lâm và Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc trong quá trình chuyển đổi số quốc gia, đặc biệt là Đề án 06.
"Các đồng chí rất trách nhiệm, rất tâm huyết, rất quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, tìm các giải pháp thúc đẩy Đề án 06. Tôi hi vọng đồng chí Lương Tam Quang (Bộ trưởng Bộ Công an) và đồng chí Nguyễn Văn Long (Thứ trưởng Bộ Công an) tiếp quản gia tài rất cơ bản này của Bộ Công an, trong thời gian tới tiếp tục phát triển, nâng tầm lên nữa, tiếp tục là cơ quan tiên phong trong phát triển, chuyển đổi số quốc gia. Tôi cũng hi vọng Hà Nội địa phương tiên phong trong chuyển đổi số quốc gia nói chung và việc thực hiện Đề án 06 nói riêng" - Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, một trong những điểm sáng của chuyển đổi số ở nước ta 2 năm qua là Đề án 06 "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030". Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định Đề án 06 là một nhiệm vụ then chốt, quan trọng của chuyển đổi số quốc gia, làm cơ sở để chuyển đổi cách sống, làm việc, sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp dựa trên công nghệ số.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện của Thành ủy, UBND, các sở, ban, ngành của TP Hà Nội. Đáng chú ý, thành phố đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành để triển khai Đề án 06 với phương châm "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ hiệu quả", "một việc - một đầu mối xuyên suốt"; đã kiện toàn và hợp nhất 3 Ban chỉ đạo về cải cách hành chính, chuyển đổi số, Đề án 06 thành 1 Ban chỉ đạo do Chủ tịch UBND thành phố làm Trưởng ban.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đánh giá cao công tác hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo môi trường pháp lý đồng bộ, minh bạch, hiệu lực, nhờ đó công tác triển khai dịch vụ công trực tuyến ngày càng sâu rộng, hiệu quả.
Hà Nội cũng đã triển khai phương án thuê dịch vụ công nghệ thông tin. Đây là một giải pháp khả thi để tháo gỡ các điểm nghẽn, góp phần triển khai nhanh và hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án 06 và chuyển đổi số trên địa bàn.
Đúc rút 5 bài học kinh nghiệm từ thực tiễn triển khai Đề án 06, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cả nước nêu cao tinh thần trách nhiệm, "không nói không, không nói khó, không nói có nhưng không làm", phát huy quyết tâm "đã nói là làm, đã làm là có kết quả", "chỉ bàn làm, không bàn lùi".
Nhấn mạnh vai trò, vị thế đặc biệt quan trọng là Thủ đô, trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế - văn hóa - khoa học - giáo dục của cả nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Hà Nội phải là địa phương đi đầu trong công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số, hướng tới xã hội văn minh, hiện đại.
Đặc biệt, Hà Nội phải bám sát những vấn đề trọng tâm trong chủ đề năm 2024 của Đề án 06 là "Hoàn thiện hạ tầng công nghệ; số hóa, kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số".
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, có cơ sở dữ liệu thì mới có trí tuệ thông minh được, cơ sở dữ liệu càng dùng thì càng phát triển, cơ sở dữ liệu phải chia sẻ, phải dùng chung chứ không phải "bo bo giữ lấy cho mình".
"Vừa qua chúng ta xây dựng trung tâm dữ liệu quốc gia và hiện đang xây dựng Luật Dữ liệu. Bộ Công an rất tích cực trong vấn đề này. Lúc chúng tôi đề xuất và Bộ Chính trị phân công cho Bộ Công an làm việc này, có người nói tại sao cái gì cũng giao cho Bộ Công an. Quan trọng ai làm tốt thì giao cho người ta làm. Bộ Công an sau đó đã thực hiện rất nhanh, đã làm được rất nhiều việc, hiện nay chúng ta đã hình thành trung tâm dữ liệu Quốc gia, đang xây dựng Luật Dữ liệu..." - Thủ tướng nhấn mạnh.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án 06 của Chính phủ, lấy người dân làm trung tâm, qua đó góp phần đẩy nhanh việc hình thành chính quyền số, xã hội số, công dân số… nhằm xây dựng Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại".
Bình luận (0)