Tăng cường sử dụng hoá đơn điện tử với bán lẻ xăng dầu
Ngày 1-12 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký công điện số về tăng cường công tác quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.
Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ đạo quyết liệt cơ quan thuế các cấp tiếp tục đẩy mạnh và đa dạng hóa các biện pháp, giải pháp tuyên truyền đến người nộp thuế, các cửa hàng, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu quy định về phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng tại nghị định 123/2020 của Chính phủ.
Bộ Tài chính cũng được yêu cầu phối hợp với Bộ Công Thương, các bộ ngành, địa phương triển khai ngay các giải pháp quyết liệt yêu cầu các đơn vị kinh doanh xăng dầu lập hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế theo quy định; hoàn thành trong tháng 12-2023.
Khó thực hiện ngay việc xuất hóa đơn điện tử
Ngày 2-12, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tiếp than khó thực hiện ngay việc xuất hóa đơn điện tử mỗi lần bơm bán cho khách theo quy định.
Nguyên nhân là do chi phí đầu tư, vận hành, bảo dưỡng hệ thống điện tử, thông tin lớn, công nghệ nền tảng chưa đáp ứng được việc tự động xuất hóa đơn điện tử đến từng người mua hàng. Doanh nghiệp chỉ có thể ghi nhận số liệu từng lần bơm và kết nối đến hệ thống giám sát của cục thuế chứ việc triển khai xuất hóa đơn trực tiếp rất phức tạp về công nghệ, lãng phí rất lớn.
Theo các doanh nghiệp, bán lẻ xăng dầu không phải bán buôn nên việc xuất hóa đơn cho những lần bơm 5.000 đồng; 10.000 đồng; 15.000 đồng/lần bơm là điều vô lý và khó thực hiện do chi phí đôi khi cao hơn cả giá trị bán.
Chưa kể, để xuất được hóa đơn điện tử, người mua phải có mã số thuế, có thẻ thanh toán. Hệ thống trụ bơm (bán hàng) phải được nâng cấp để lưu trữ thông tin khách hàng, số lượng, đơn giá, thành tiền mỗi lần bơm và có kết nối đến hệ thống máy chủ trung tâm hoặc kết nối trực tiếp đến hệ thống Tổng Cục thuế bằng ID - mã số thuế - mã số thiết bị bán hàng (trụ bơm).
Cửa hàng phải có hệ thống kiểm soát nhập hàng (thiết bị đo lường, thước đo điện tử, barem bồn được quét và lập bằng công nghệ tự động có độ chính xác cao) - Dữ liệu cũng được liên thông đến hệ thống Tổng cục Thuế. Hệ thống phải tự động điều chỉnh giá bán lẻ đồng bộ và chính xác như việc cập nhật thời gian máy tính qua các máy chủ internet.
Trong khi doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu hoàn toàn không nhận được phần chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức, còn chiết khấu thì thấp nên việc bảo đảm nguồn lực để đầu tư là chuyện không thể thực hiện được.
Do đó, các doanh nghiệp kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước cần tính toán, hoạch định chính sách rõ ràng, cụ thể, tiết kiệm và phù hợp. Tránh việc ban hành chính sách xong phát sinh lớn rồi ngưng gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và lợi nhuận của doanh nghiệp
"Xăng dầu khi đã nhập về bán thì sau khi xuất hóa đơn theo yêu cầu của khách hàng để dùng vào việc thanh toán hoặc đưa vào chi phí hợp lý. Số còn lại là phần mà người tiêu dùng không cần đến việc sử dụng hóa đơn thì cuối ngày doanh nghiệp cũng phải tổng kết xuất bán lẻ theo dạng khách hàng không lấy hóa đơn" - ông Tây nói.
Cũng theo ông Tây, hóa đơn đầu vào của cửa hàng bán lẻ là hóa đơn đầu ra của nhà cung cấp xăng dầu, các hóa đơn này được nhà cung cấp tổng hợp báo cáo thuế hằng tháng, hằng quý nên cơ quan thuế dễ dàng đối chiếu nên không thể nào có chuyện bỏ ngoài sổ sách để trốn thuế được.
Bình luận (0)