Trong thư, ông Giang Chấn Tây nhắc lại việc Bộ Công Thương vừa có tờ trình vừa được gửi Chính phủ, đề nghị bổ sung quy định về lộ trình triển khai hóa đơn điện tử tại dự thảo sửa đổi Nghị định 95 và 83 về kinh doanh xăng dầu. Trước đó, Bộ Tài Chính cũng yêu cầu áp dụng hóa đơn điện tử tại tất cả các cửa hàng bán lẻ xăng dầu.
Đối với vấn đề hóa đơn điện tử, ông Tây cho rằng dù là hóa đơn điện tử thì doanh nghiệp cũng phải mua từ nhà cung cấp mới có chứ không phải sử dụng miễn phí hay tự phát hành.
Nhà cung cấp là đơn vị trung gian giữa cơ quan thuế và người nộp thuế. Tổ chức này có nhiệm vụ cung cấp giải pháp trong việc khởi tạo, kết nối nhận, truyền, lưu trữ, xử lý dữ liệu của hóa đơn điện tử.
Việc cơ quan quản lý điều hành xăng dầu yêu cầu các cửa hàng bán lẻ xăng dầu phải xuất hóa đơn mỗi lần bơm xăng bán cho khách là việc làm bất hợp lý và chỉ gây ra hao tốn cho doanh nghiệp, gây lãng phí xã hội rất lớn khi phải sử dụng một lượng hóa đơn cực kỳ lớn không cần thiết nhưng lại không có tác dụng chống thất thu thuế. Bởi vì, xăng dầu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng thì không thể nói là trốn thuế được.
Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tiếp tục lên tiếng về hóa đơn điện tử
Còn xăng dầu khi đã nhập về bán thì sau khi xuất hóa đơn theo yêu cầu của khách hàng để dùng vào việc thanh toán hoặc đưa vào chi phí hợp lý, số còn lại là phần mà người tiêu dùng không cần đến hóa đơn thì cuối ngày doanh nghiệp cũng phải tổng kết xuất bán lẻ theo dạng khách hàng không lấy hóa đơn. "Nếu không thực hiện xuất hóa đơn để trừ tồn kho thì tồn kho tăng lên hàng ngày không có bồn nào chứa xuể, làm thế nào để phù hợp với quy mô dung tích của cửa hàng?" - ông Tây nêu trong thư.
Chưa kể, các hóa đơn đầu vào, hóa đơn đầu ra đều được nhà cung cấp xăng dầu bán lẻ tổng hợp kê khai báo cáo thuế hằng tháng, hằng quý nên cơ quan thuế dễ dàng đối chiếu nên không thể nào có chuyện bỏ ngoài sổ sách để trốn thuế.
Vì vậy, theo đại diện doanh nghiệp này, vấn đề gian lận mà Bộ Công Thương quan tâm là không thể xảy ra tại cửa hàng xăng dầu, ngoại trừ là doanh nghiệp xăng dầu mua gian lận ngoài hải phận, không có đầu vào và không đúng nguồn gốc xuất xứ theo quy định.
Ngoài ra, ông Tây còn nêu mỗi 1 hóa đơn phát hành, doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu phải mua với giá từ 433-520 đồng, trong khi hoa hồng bán lẻ chỉ từ 300-400 đồng/lít. Đó là chưa kể ở vùng xa người dân thu nhập thấp mỗi lần mua xăng chỉ có 20.000 đồng, chưa đến 1 lít mà phải xuất 1 hóa đơn có giá trị đến khoảng 500 đồng thì xem như doanh nghiệp lỗ trắng.
Điều đáng nói là trong thực tế hầu hết người dân đổ xăng không cần lấy hóa đơn. Đối tượng lấy hóa đơn về để thanh toán là những tài xế thuộc các tổ chức và doanh nghiệp, họ sẽ chủ động đưa thông tin lại sau mỗi lần đổ xăng dầu, hoặc cộng dồn nhiều lần để xuất hóa đơn chứ ít ai xin hóa đơn từng lần.
Bình luận (0)