Ngày 14-11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đi khảo sát thực địa, kiểm tra tiến độ triển khai hai Dự án đường cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng và Đồng Đăng - Trà Lĩnh; làm việc với lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng.
Tại buổi làm việc chiều 14-11, Thủ tướng cho biết sau khi đi thị sát, kiểm tra buổi sáng cùng ngày, Thủ tướng rất hài lòng với tiến độ triển khai dự án. Người đứng đầu Chính phủ muốn lắng nghe lãnh đạo các địa phương, doanh nghiệp dự án (DNDA) nêu những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh cả hệ thống chính trị phải vào cuộc để làm sao trong năm 2025 hoàn thành việc thông tuyến giai đoạn 1, với tinh thần "chỉ bàn làm, không bàn lùi".
Báo cáo với Thủ tướng, lãnh đạo hai địa phương và DNDA cho biết dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh có tổng chiều dài 121 km, được phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn với tổng mức đầu tư hơn 23.000 tỉ đồng.
Giai đoạn 1 được đầu tư với chiều dài hơn 93 km. Điểm đầu tại nút giao cửa khẩu Tân Thanh (huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn). Điểm cuối tại nút giao quốc lộ 3 (xã Chí Thảo, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng). Tổng mức đầu tư là 14.114 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước (NSNN) chiếm tỉ lệ 69,43%. Dự án sẽ hoàn vốn trong khoảng thời gian 22 năm 4 tháng. Sau khi hoàn thành, sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ Cao Bằng đến Hà Nội và ngược lại từ 6 - 7 giờ xuống còn khoảng 3,5 giờ.
Giai đoạn 2 bao gồm việc mở rộng tuyến hiện có dài 93,35 km với tổng mức đầu tư 3.839 tỉ đồng và xây dựng mới tuyến kết nối cửa khẩu Trà Lĩnh dài 27,71 km với tổng mức đầu tư 5.107 tỉ đồng.
Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng toàn dự án đạt 93,6%. Hai tỉnh đồng lòng phấn đấu đến hết tháng 12-2024 sẽ bàn giao 100% mặt bằng của dự án.
DNDA và nhà thầu thi công đã huy động 1.020 nhân sự, 357 máy móc thiết bị, triển khai 36 mũi đồng loạt tiếp cận, tổ chức thi công ngày đêm khi các phân đoạn mặt bằng được bàn giao, quyết tâm thông tuyến giai đoạn 1 trong năm 2025.
Tại buổi làm việc, liên danh nhà đầu tư kiến nghị Thủ tướng trong tháng 11-2024 phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án tăng tỉ lệ vốn NSNN hỗ trợ lên tối đa 70% tổng mức đầu tư theo Nghị quyết 106 năm 2023 của Quốc hội.
Thống nhất đầu tư giai đoạn 2 toàn tuyến theo hình thức đối tác công - tư (PPP), đồng thời áp dụng cơ chế tương tự như giai đoạn 1, là vốn NSNN hỗ trợ 70% tổng mức đầu tư; lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu; cơ chế đặc thù về khai thác khoáng sản; hỗ trợ vốn vay ưu đãi từ ngân hàng VPBank.
Còn Dự án cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng dài gần 60 km, tổng mức đầu tư hơn 11.000 tỉ đồng, đi qua địa bàn các huyện Chi Lăng, Cao Lộc, Văn Lãng và TP Lạng Sơn. Dự án do UBND tỉnh Lạng Sơn làm cơ quan có thẩm quyền, Liên danh Công ty Xây dựng Đèo Cả - Tập đoàn Đèo Cả - Công ty Xây dựng công trình 568 - Công ty Lizen làm nhà đầu tư thực hiện.
Đến nay, địa phương đã bàn giao đạt 67%, phấn đấu đến hết tháng 12-2024 sẽ bàn giao 100% mặt bằng. Dự án đã huy động 570 nhân sự, 350 đầu xe máy móc thiết bị, triển khai 30 mũi thi công theo các phân đoạn mặt bằng được bàn giao. Hồi tháng 10, DNDA cùng các nhà thầu đã phát động phong trào thi đua 100 ngày đêm đẩy nhanh tiến độ.
DNDA đề xuất các cấp có thẩm quyền thống nhất điều chỉnh tăng tỉ lệ vốn NSNN tham gia dự án lên 70% tổng mức đầu tư theo Nghị quyết số 106.
Đặc biệt, mong muốn Chính phủ kiến nghị Quốc hội bổ sung quy định cho phép vốn NSNN tham gia, hỗ trợ trong giai đoạn khai thác đối với dự án BOT ký hợp đồng trước thời điểm Luật PPP ban hành, bị sụt giảm doanh thu do những nguyên nhân khách quan. Trong đó có dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn đã nhiều lần kiến nghị Chính phủ hỗ trợ vốn NSNN 4.600 tỉ đồng cho dự án. Điều này tạo cơ sở để ngân hàng TPBank xác định thời điểm ký kết hợp đồng tín dụng trị giá 2.500 tỉ đồng.
Bình luận (0)