Ngày 21-2, Bộ Ngoại giao ra thông cáo cho biết nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính, Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon sẽ thăm chính thức Việt Nam và dự Diễn đàn Tương lai ASEAN lần thứ hai từ ngày 25 đến ngày 28-2-2025.

Thủ tướng Phạm Minh Chính với Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon trước hội đàm ngày 11-3-2024. Ảnh: TTXVN
New Zealand luôn khẳng định coi trọng quan hệ với Việt Nam; coi Việt Nam là nhân tố quan trọng trong chính sách đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 19-6-1975, quan hệ Đối tác Toàn diện (9-2009); ký Chương trình Hành động giai đoạn 2017 - 2020 bên lề Hội nghị Cấp cao APEC 2017; chính thức nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược dịp Hội đàm cấp cao trực tuyến giữa Thủ tướng hai nước ngày 22-7-2020.
Tính đến tháng 2-2025, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 12 của New Zealand, trong đó, Việt Nam là nhà xuất khẩu thứ 12 vào thị trường New Zealand và là nhập khẩu đứng thứ 18 của New Zealand. New Zealand là đối tác thương mại lớn thứ 41 của Việt Nam (xếp thứ 41 về xuất khẩu và 37 về nhập khẩu). Kim ngạch thương mại hai chiều tăng đều qua các năm, năm 2024 đạt xấp xỉ 1,3 tỉ USD (nhập khẩu đạt 604 triệu USD, xuất khẩu đạt 686,8 triệu USD).
Việt Nam xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, thủy sản, hạt điều, giày dép; nhập khẩu sữa và các sản phẩm từ sữa, hoa quả, gỗ, nguyên liệu phụ liệu dệt, may, da giày, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, phế liệu sắt thép, sắt thép các loại…
Tính đến tháng 2-2025, New Zealand có 55 dự án đầu tư với tổng số vốn 208 triệu USD, đứng thứ 39/149 quốc gia và lãnh thổ có đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam, tập trung nhiều nhất tại lĩnh vực kinh doanh bất động sản, giáo dục và đào tạo, công nghiệp chế biến chế tạo, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ; xây dựng.
Một số dự án tiêu biểu: Aqua Riverside City tại Đồng Nai (hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, vốn đầu tư đăng ký 115 triệu USD), Trường Quốc tế Úc ACG tại TP HCM (vốn đầu tư đăng ký 33,4 triệu USD), Công ty TNHH Vàng Bình Định - New Zealand (vốn đăng ký 15 triệu USD).
Việt Nam có 12 dự án đầu tư tại New Zealand với tổng vốn đăng ký 43,9 triệu USD, đứng thứ 30/80 quốc gia và vùng lãnh thổ mà Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, dịch vụ lưu trú và ăn uống, bán buôn bán lẻ, phân phối, xuất nhập khẩu, nông nghiệp.
New Zealand dành cho Việt Nam nguồn ODA ổn định và tăng dần theo từng năm. New Zealand cam kết dành cho Việt Nam 26,7 triệu NZD ODA không hoàn lại cho giai đoạn 2021 - 2024.
New Zealand cứu trợ khẩn cấp trị giá 170.000 NZD cho lũ lụt tại miền Trung nước ta (11-2020), cung cấp cho ta 30.000 liều vắc-xin AstraZeneca (9-2021) và 2 triệu NZD (5-2022) để phục hồi sau đại dịch. New Zealand đã hỗ trợ Việt Nam gói cứu trợ trị giá 1 triệu đô la New Zealand để khắc phục hậu quả cơn bão Yagi (9-2024).
Hợp tác giáo dục là một trong những lĩnh vực hợp tác nổi bật. New Zealand cấp 30 suất học bổng/năm cho các chương trình đào tạo Thạc sĩ và Tiến sĩ, duy trì Chương trình đào tạo tiếng Anh cho công chức Việt Nam. Hai nước đã ký Kế hoạch hợp tác chiến lược Việt Nam - New Zealand về giáo dục giai đoạn 2023 - 2026 (3-2024).
Hai nước đã ký Thỏa thuận về Chương trình Lao động kỳ nghỉ (12-2011), chính thức có hiệu lực từ tháng 7-2012, theo đó mỗi năm sẽ có tối đa 200 công dân Việt Nam sang New Zealand và 200 công dân New Zealand sang Việt Nam du lịch kết hợp tìm việc làm. Hai bên đã nối lại Chương trình này sau đại dịch COVID-19.
Nông nghiệp là lĩnh vực hợp tác quan trọng và tiềm năng trong quan hệ hai nước. Việt Nam đã mở cửa thị trường cho khoai tây củ thương phẩm, thịt bò đông lạnh, quả kiwi, táo, bí ngô, dâu tây của New Zealand. New Zealand đã cấp phép cho xoài, thanh long, chôm chôm, chanh và bưởi của Việt Nam. New Zealand đang đề xuất mở cửa thị trường cho mật ong, lê, thịt hươu, thịt nai; Việt Nam đề xuất mở cửa thị trường cho nhãn, vải, hoa cắt cành.
Nhân chuyến thăm New Zealand của Thủ tướng Phạm Minh Chính (3-2024), New Zealand đã công bố dự án phát triển giống cây ăn quả chất lượng cao (Vietfruit) giai đoạn 3, trị giá 6,24 triệu NZD hỗ trợ nông dân trồng chanh leo quy mô nhỏ ở các tỉnh Sơn La và Gia Lai.
Cộng đồng người Việt Nam tại New Zealand có khoảng 14.000 người, trong đó có 8.000 người là Việt kiều lâu năm, chủ yếu sinh sống ở Auckland, Christchurch và Wellington.
Thủ tướng Christopher Luxon sinh năm 1970, đảm nhiệm vai trò Thủ tướng New Zealand từ ngày 27-11-2023.
Ông đã gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính 2 lần, nhân dịp chuyến thăm chính thức tới New Zealand (3-2024) và nhân dịp tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN 44, 45 (10-2024); gặp Chủ tịch nước Lương Cường nhân dịp tham dự Hội nghị Cấp cao APEC 2024 (11-2024).
Chính phủ của Thủ tướng Christopher Luxon với chủ trương "cài đặt lại" các mối quan hệ quốc tế của New Zealand, theo hướng thực tế, cân bằng và giữ nguyên tắc độc lập, tự chủ và chủ động chính sách, trong đó coi Đông Nam Á là ưu tiên cao. New Zealand luôn coi trọng vai trò của ASEAN, thể hiện lập trường tích cực đối với vấn đề Biển Đông.
Bình luận (0)