Ngày 22-6, Bộ Ngoại giao ra thông cáo cho biết nhận lời mời của Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Cường và Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Klaus Schwab, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tham dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của Diễn đàn Kinh tế thế giới tổ chức tại TP Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 24 đến ngày 27-6.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất, là thị trường nhập khẩu lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN. Cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa hai nước không ngừng bổ sung, hoàn thiện, có sự bổ trợ lẫn nhau và gắn kết về chuỗi sản xuất, cung ứng khu vực và toàn cầu.
WEF là một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động theo hình thức hợp tác công - tư, được Giáo sư Klaus Schwab thành lập năm 1971, có trụ sở tại Thụy Sỹ. WEF hiện có khoảng 700 đối tác là lãnh đạo của các tập đoàn hàng đầu thế giới trong các lĩnh vực khác nhau.
WEF là một trong những diễn đàn đầu tiên thảo luận về Cách mạng công nghiệp 4.0 và hiện đang thực thi một số sáng kiến cụ thể và thực chất liên quan như Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN) tại Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản và Trung tâm an ninh mạng với sự tham gia của 92 đối tác.
Sự kiện quan trọng nhất của WEF là Hội nghị thường niên được tổ chức vào tháng 1 hàng năm tại Davos, Thụy Sỹ. Bên cạnh đó là các diễn đàn khu vực: Hội nghị WEF Thiên Tân (hoặc Đại Liên, Trung Quốc), Hội nghị WEF ASEAN…
Các sự kiện của WEF thu hút sự tham gia của các nhà lãnh đạo chính trị, kinh doanh, văn hóa, xã hội, nghiên cứu - học thuật… hàng đầu thế giới để định hình các chương trình nghị sự ở cấp độ khu vực và toàn cầu.
Từ khi Việt Nam và WEF thiết lập quan hệ năm 1989, hợp tác giữa Việt Nam và WEF được lãnh đạo hai bên quan tâm thúc đẩy, phát triển trên nhiều lĩnh vực. Việt Nam đã 5 lần tham dự Hội nghị thường niên WEF Davos ở cấp Thủ tướng Chính phủ (2007, 2010, 2017, 2019, 2024).
Lãnh đạo hai bên cũng đẩy mạnh các hoạt động tiếp xúc, trao đổi cấp cao, đặc biệt giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF tại Hội nghị WEF Thiên Tân (tháng 6-2023), Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 41 (tháng 11-2022) và lần thứ 43 (tháng 9-2023)...
Việt Nam và WEF đã phối hợp tổ chức nhiều Hội nghị quan trọng.
Đối thoại Chiến lược quốc gia (CSD) giữa Việt Nam và WEF lần thứ nhất (ngày 29-10-2021) được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với chủ đề "Tăng cường quan hệ đối tác công tư: Động lực then chốt của phục hồi toàn diện và phát triển bền vững, bao trùm, đổi mới sáng tạo". Đối thoại được nhận định là đối thoại chiến lược quốc gia thành công nhất mà WEF phối hợp với một quốc gia tổ chức, cả về cấp tham dự, nội dung, thời điểm và công tác tổ chức.
Tại Hội nghị WEF Thiên Tân 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đồng chủ trì Đối thoại Chiến lược quốc gia lần thứ 2 (26-6-2023) với chủ đề "Thúc đẩy động lực tăng trưởng mới để kiến tạo tương lai đất nước".
Tại Hội nghị WEF Davos 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Đối thoại chiến lược quốc gia lần thứ 3 (16-1-2024) với chủ đề "Chân trời phát triển mới: Thúc đẩy chuyển đổi, mở ra các động lực tăng trưởng mới tại Việt Nam".
Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị WEF ASEAN 2018 tại Hà Nội từ ngày 11 đến 13-9-2018, Hội nghị WEF - Mê Kông lần đầu tiên ngày 25-10-2016 tại Hà Nội và Hội nghị WEF Đông Á từ 6 đến 7-6-2010 tại TP HCM.
Bình luận (0)