Chiều 5-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dự hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050.
Tham dự hội nghị còn có ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư; ông Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải; ông Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng; ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP HCM, cùng lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ và các bộ ngành trung ương.
Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo hành lang vững chắc cho sự phát triển bền vững của tỉnh Tây Ninh.
Tây Ninh là điểm đến hấp dẫn
Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, cho biết ngày 29-12-2023, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1736/QĐ-TTg, phê duyệt Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030, Tây Ninh phát triển nhanh, toàn diện và bền vững, trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp và dịch vụ du lịch của vùng Đông Nam bộ và cả nước, trở thành địa phương đáng đến và đáng sống.
Tầm nhìn đến năm 2050, Tây Ninh trở thành tỉnh có nền kinh tế phát triển dựa vào công nghiệp sạch và nông nghiệp công nghệ cao; thương mại, du lịch phát triển và là cửa ngõ thương mại quốc tế của vùng Đông Nam Bộ và cả nước.
Theo ông Ngọc, quy hoạch xác định 7 đột phá phát triển của tỉnh Tây NInh gồm: Phát triển hạ tầng; phát triển nguồn nhân lực; thể chế; phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ; phát triển bền vững: Tây Ninh xanh; phát triển du lịch; phát triển kinh tế dịch vụ.
Tây Ninh cũng chú trọng phát triển các khu công nghiệp, phân bố chủ yếu theo các trục: Quốc lộ 22, Quốc lộ 22B, tuyến cao tốc TP HCM- Mộc Bài, đường Hồ Chí Minh, các trục ĐT 784, ĐT 789, ĐT 782 - hướng kết nối với trung tâm kinh tế của vùng là TP HCM, Bình Dương và kết nối Bình Dương - Tây Ninh - Long An.
Quy hoạch sẽ phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài và Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát theo định hướng và động lực mới, tạo đột phá góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương và góp phần vào sự phát triển chung của Vùng Đông Nam Bộ.
Tỉnh sẽ đầu tư phát triển đồng bộ các dự án theo các phân khu chức năng thuộc Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen trở thành khu du lịch đặc sắc, đẳng cấp quốc tế. Phát triển hạ tầng giao thông kết nối hướng Đông - Tây với Bình Dương, Bình Phước, Long An và kết nối phía Nam với TP HCM. Huy động nguồn lực đầu tư hoàn thành tuyến cao tốc TP HCM - Mộc Bài và tuyến cao tốc Gò Dầu - Xa Mát.
Phát triển 4 trung tâm logistics tại cửa khẩu Mộc Bài, cửa khẩu Xa Mát, xã Hưng Thuận của thị xã Trảng Bàng và xã Thanh Phước của huyện Gò Dầu.
Tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội theo "3 vùng phát triển, 4 trục động lực, 1 vành đai an sinh xã hội".
Cụ thể về "3 vùng phát triển" gồm: Vùng 1: Thị xã Trảng Bàng, huyện Gò Dầu và một phần phía Nam huyện Dương Minh Châu, là vùng phát triển công nghiệp, đô thị dịch vụ có tính lan tỏa kết nối với hồ Dầu Tiếng và nông nghiệp công nghệ cao với trung tâm phát triển của tỉnh là tam giác Trảng Bàng – Phước Đông – Gò Dầu.
Vùng 2: TP Tây Ninh, thị xã Hòa Thành, vùng phía Tây huyện Dương Minh Châu và một phần phía Đông huyện Châu Thành là trung tâm hành chính, văn hoá, giáo dục, y tế, du lịch, lấy dịch vụ làm chủ đạo, tiếp đến là công nghiệp hỗ trợ và chế biến, nông nghiệp công nghệ cao.
Vùng 3: Huyện Tân Biên, huyện Tân Châu, phía Tây huyện Châu Thành và phía Bắc huyện Bến Cầu. Đây là vùng phát triển nông nghiệp, từng bước phát triển dịch vụ hướng đến an sinh xã hội và du lịch sinh thái ở các khu vực Lò Gò - Xa Mát, rừng Hòa Hội, sông Vàm Cỏ Đông.
"4 trục động lực" gồm: Trục số 1 gắn với cao tốc Gò Dầu - Xa Mát và Quốc lộ 22, 22B, là hành lang phát triển Bắc - Nam chính của tỉnh Tây Ninh.
Trục số 2 gắn với tuyến đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 22, là hành lang kết nối liên vùng với tỉnh Bình Dương và vương quốc Campuchia theo hướng Đông Tây cho vùng phía Nam, kết nối với Quốc lộ 13, Quốc lộ 14 tới sân bay Long Thành.
Trục số 3 gắn với tuyến Đất Sét - Bến Củi, là tuyến vành đai trung chuyển hàng hóa giữa các khu công nghiệp Bến Củi, Thạnh Đức, khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài đi Campuchia, kết nối với TP HCM thông qua các nút giao với đường cao tốc CT31, CT32 và kết nối về phía Đông đi Bình Dương và Tây Nguyên.
Trục số 4 gắn với đường tỉnh 781, là hành lang kết nối liên vùng với tỉnh Bình Dương và Vương quốc Campuchia theo hướng Đông Tây cho vùng trung tâm.
Ri6eng "Vành đai an sinh xã hội" gắn với cao tốc dọc biên giới, kết nối liên vùng với Đồng Bằng sông Cửu Long qua Long An và Tây Nguyên qua Bình Phước, là hành lang hỗ trợ quốc phòng - an ninh và an sinh cho vùng phía Bắc.
Có nhiều tiềm năng phát triển
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao sự chuẩn bị hội nghị công bố quy hoạch Vùng Đông Nam Bộ và tỉnh Tây Ninh của Bộ Kế hoạch - Đầu tư. Thủ tướng ấn tượng về ý chí khát vọng của Đảng bộ, nhân dân tỉnh Tây Ninh khi triển khai hội nghị một cách nghiêm túc, nghiên cứu điều tra cơ bản, sưu tập tài liệu từ các chuyên gia, các bộ ngành.
Thủ tướng nhấn mạnh công tác quy hoạch phải dựa vào tư duy, động lực mới để tạo ra giá trị mới. Quy hoạch đang triển khai tương đối đồng bộ và tổng thể trên phạm vi cả nước. Do đó, quy hoạch phải mang tính dẫn dắt, định hướng từ trung ương đến địa phương, các vùng và TP trực thuộc trung ương. Công tác quy hoạch phải có vị trí, định hướng giúp phát triển nhanh, toàn diện. Quy hoạch phải có tư duy, chiến lược trước mắt và lâu dài.
Thủ tướng đề nghị tỉnh Tây Ninh thực hiện quy hoạch phải đi trước một bước, bảo đảm tính khoa học. Năng lực quy hoạch phải có nhà tư vấn tốt mới có dự án tốt, mới kêu gọi được nhà đầu tư tốt và mang lại hiệu quả.
Quy hoạch phải bám sát chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước, tình hình thực tế của địa phương và thế giới.
Thủ tướng lấy ví dụ núi Bà Đen để nói về việc tỉnh Tây Ninh có nhiều lợi thế, tiềm năng khác biệt để phát triển về kinh tế hơn các tỉnh, thành khác.
Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo tỉnh trong khi triển khai quy hoạch phải bám sát nhu cầu, nguyện vọng của người dân, doanh nghiệp.
Quy hoạch phải phù hợp với xu thế phát triển mới, áp dụng khoa học công nghệ, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, con người, thiên nhiên… Phải có giải pháp, huy động nguồn lực, đầu tư, thúc đẩy phát triển xã hội.
Thủ tướng giao nhiệm vụ các bộ trưởng phải căn cứ chức nắng quyền hạn để hỗ trợ tỉnh Tây Ninh trong công tác quy hoạch phát triển địa phương. Đối với doanh nghiệp, nhà đầu tư khi đến Tây Ninh phải chú ý lắng nghe, thấu hiểu, lợi ích hài hòa, rủi ro thì chia sẻ.
Thủ tướng đánh giá Tây Ninh hội tụ đầy đủ thiên thời, địa lợi, nhân hòa để phát triển. Tây Ninh có tốc độ phát triển nhanh, khí hậu ôn hoà, dư địa đất đai, văn hóa phong phú, người dân nơi đây cần cù, sáng tạo, nghĩa tình, nguồn nhân lực trẻ.
Thủ tướng yêu cầu tỉnh Tây Ninh cần tăng cường kết nổi vùng kinh tế, sản xuất, tiêu dùng, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng. Đẩy mạnh phát triển hạ tầng chiến lược về giao thông, y tế, giáo dục, văn hoá, công nghiệp chế biến, chế tạo…
Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo tỉnh Tây Ninh phải tuân thủ chiến lược quy hoạch, đảm bảo tính đồng bộ, tính liên kết, ổn định, kế thừa phát triển quy hoạch và linh hoạt, sáng tạo.
Bình luận (0)