Ngày 1-6, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5-2024, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm, tình hình triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia, giải ngân vốn đầu tư công; những trọng tâm chỉ đạo, điều hành trong tháng 6 và thời gian tới.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã điểm lại một số điểm nổi bật của tháng 5 và 5 tháng năm 2024. Trong đó nêu rõ, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường khi cạnh tranh gay gắt giữa các nước lớn; xung đột leo thang tại Ukraine, Biển Đỏ, Dải Gaza.
Bên cạnh đó, giá đồng USD, giá vàng tăng cao; giá dầu thô, hàng hóa cơ bản, dịch vụ vận tải biến động mạnh; chính sách tiền tệ ở nhiều nước chưa rõ xu hướng; nguy cơ mất an ninh lương thực tiềm ẩn tại một số nước, khu vực.
Ở trong nước, lãnh đạo Chính phủ nêu rõ thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Thủ tướng đánh giá trong bối cảnh đó, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 tiếp tục xu hướng tích cực, đạt kết quả tốt hơn tháng 4, tính chung 5 tháng tốt hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực.
Người đứng đầu Chính phủ nêu một số điểm sáng như công tác chỉ đạo điều hành về cơ bản chủ động, linh hoạt, phù hợp, quyết liệt, sát thực tiễn. Tăng trưởng được thúc đẩy ở cả 3 khu vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ.
Theo Thủ tướng, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, trong đó, chủ động các phương án, đảm bảo cung cấp điện trong dịp nắng nóng. Các dự án hạ tầng chiến lược giao thông, năng lượng được thúc đẩy mạnh.
Bên cạnh kết quả đạt được, Thủ tướng đã thẳng thắn nhìn chỉ rõ những khó khăn khi sức ép lạm phát, tỷ giá còn cao; thị trường bất động sản, tiếp cận tín dụng khó khăn. Theo Thủ tướng, việc phản ứng chính sách ở một số nơi chưa kịp thời; kỷ luật, kỷ cương có nơi, có lúc chưa nghiêm. Lãnh đạo Chính phủ cũng nêu rõ vẫn còn tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm.
Tại phiên họp, Thủ tướng đề nghị đại biểu tập trung thảo luận với tinh thần phản ánh "đúng tình hình, đúng bản chất, đúng kết quả", tạo khí thế mới, động lực mới, thắng lợi mới. Đồng thời, đề xuất những giải pháp cụ thể để khắc phục kịp thời những hạn chế, bất cập, yếu kém mà các đại biểu Quốc hội nêu tại kỳ họp thứ 7 đang diễn ra.
Theo Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 5 ước đạt 66,62 tỉ USD, tăng 9,1% so với tháng trước và tăng 22,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 305, 53 tỉ USD, xuất siêu hơn 8 tỉ USD.
Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa năm tháng đầu năm 2024, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 44,0 tỉ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 54,9 tỉ USD.
Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20-5 đạt gần 11,07 tỉ USD, tăng 2,0% so với cùng kỳ năm trước. Vốn FDI thực hiện tại Việt Nam 5 tháng đầu năm ước đạt 8,25 tỉ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước.
Bình luận (0)